16 tuổi, cô bé này đã làm dự án quan trọng cho NASA

Mùa xuân năm 2016, Liza Goldberg hỏi các nhà khoa học tại Trung tâm chuyến bay không gian Goddard của NASA rằng có thể làm nghiên cứu ở đó không. Khi đó cô bé 14 tuổi.

Đây cũng chính là vướng mắc của cô bé, vì chương trình thực tập của cơ quan trên chỉ chấp nhận những học sinh, sinh viên từ 16 tuổi trở lên.

Từ "không biết gì" đến hệ thống cảnh báo sớm


Liza Goldberg - (Ảnh: The Washington Post).

May mắn thay, 2 chuyên gia vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) là David Lagomasino và Temilola Fatoyinbo đã nhìn thấy yêu cầu của Liza.

Họ thích thú trước dự định của cô bé: nghiên cứu về cây cối liên quan tới biến đổi khí hậu và đo sự tăng trưởng của các cây phong con. Trước đó, cô bé đã làm điều này ở sân sau nhà 1 lần/tuần trong suốt 3 năm.

Nghĩ rằng Liza có thể giúp họ sử dụng những dữ liệu về tinh để vẽ bản đồ về những cây đước, họ đã đưa Liza về trung tâm trong suốt mùa hè trước khi cô bé bắt đầu vào trung học.

Chưa đầy 2 năm sau, Liza đã phát triển được những gì có thể được gọi là hệ thống cảnh báo sớm dựa trên hình ảnh từ vệ tinh đầu tiên để xác định xem rừng đước đang bị đe dọa ở đâu.

Công trình của Liza Goldberg tổng hợp dữ liệu từ bốn vệ tinh theo dõi sự tăng trưởng và mất đi của đước, cũng như lượng mưa, hoạt động nông nghiệp, và sự tăng trưởng đô thị. Những điểm ảnh màu xanh, vàng và đỏ trên bản đồ của Google Earth chỉ ra các mức độ đe dọa, từ thấp đến cao.

Từ chỗ gần như "không biết gì" về hình ảnh vệ tinh đến làm khoa học nghiêm túc tại một cơ sở nghiên cứu nổi tiếng thế giới là một chuỗi sự kiện diễn ra rất nhanh đối với cô học sinh trường trung học Atholton ở Columbia. "Cháu vẫn không thể tin được mình đang ở đó", Liza thổ lộ.

Trước khi làm việc với các nhà khoa học NASA, cô bé chỉ một lần được tận mắt nhìn thấy các cây đước trong chuyến đi tới Fort Myers, bang Florida.

Cô bé đã dành nhiều thời gian trong mùa hè đó phân tích các hình ảnh do những vệ tinh Landsat của NASA chụp vùng bờ biển châu Phi và xác định xem cô đang thấy rừng đước, nước hay chỉ là bùn.


Trước khi làm việc với NASA, Goldberg chỉ một lần được tận mắt nhìn thấy các cây đước - (Ảnh: ABC News).

Trong một tuần, cô thực hiện 10.000 phân loại như thế. Các cố vấn của cô chẳng bao lâu nhận thấy rằng cô bé đã sẵn sàng cho một điều gì đó sáng tạo hơn một chút.

Vào thời điểm đó, có tin đưa rằng rằng gần 7.770 hecta rừng đước đã biến mất khỏi một vịnh ở Úc - một trong những diện tích đước bị mất đi lớn nhất từ trước đến thời điểm đó. "Cháu thật sự mừng muốn điên lên được khi thấy những cây đước trong bản tin", Liza kể lại.

Cô bé cũng biết rằng phân nửa rừng đước của thế giới đã biến mất và phần lớn của những khu rừng còn lại đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng, xói mòn, quá trình làm nông nghiệp, phát triển đô thị và các hoạt động khác của con người.

Goldberg nói cô đã bị sốc và thấy rằng cần phải làm một điều gì đó. "Cháu không muốn chỉ phân tích những mất mát đã xảy ra. Cháu muốn tạo ra một giải pháp gì đó", cô bé nói.

Suốt năm học đó, Goldberg đến trung tâm mỗi tuần một lần, vào những buổi chiều thứ sáu. Cô đọc các báo khoa học về cách trích thông tin về lớp phủ đất từ dữ liệu vệ tinh đồng thời học lập trình bằng hai ngôn ngữ JavaScript và Python. Cô tận dụng cả những ngày nghỉ ở trường để đến phòng nghiên cứu nhiều hơn.

Cô bé cũng làm việc vào cuối tuần và buổi tối, tại nhà. Khá nhanh sau đó, cô bé đã tự viết được những đoạn lập trình, đôi khi có sự trợ giúp từ Lagomasino. "Tôi thật sự ngạc nhiên khi cô bé được tham gia vào một án cỡ đó", cô Hana Rhee - giáo viên năm đầu của cô bé tại trường Atholton cho biết.

Gây bất ngờ trong giới khoa học

Với hệ thống cảnh báo sớm của mình, nỗ lực chăm chỉ của Goldberg đang bắt đầu mang lại thành công.

Theo Lagomasino, dù đã có một hệ thống cảnh tương tự cho các khu rừng nhiệt đới nhưng thuật toán đó không phân biệt được rừng đước với những vùng nước gần đó, nên cần phải có một hệ thống riêng cho rừng đước.

Vào tháng 7, Liza Goldberg đã đủ tiến bộ nên Lagomasino thuyết phục cô bé nộp đơn ứng cử để được trình bày tại lần gặp mặt mùa thu của Liên minh địa vật lý Mỹ ở New Orleans - một trong những sự kiện khoa học lớn nhất thế giới, quy tụ hơn 20.000 nhà khoa học về không gian và Trái đất.


Dự án của Liza Goldberg tập trung vào các rừng đước - hệ sinh thái quan trọng - (Ảnh: Wikimedia Commons).

"Cô bé đã gây ấn tượng với nhiều người. Chúng tôi hỏi đùa là cô bé đang học thạc sĩ hay tiến sĩ", Lawrence Friedl - giám đốc chương trình khoa học ứng dụng của NASA, kể lại.

Các tổ chức bảo tồn toàn cầu hiện rất háo hức sử dụng bản đồ của Goldberg để công việc của họ hiệu quả hơn.

"Nó tiên tiến hơn những gì mà tổ chức của tôi có thể tạo ra được. Có hàng đống dữ liệu, nó giúp chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra và có hành động phù hợp", Aurelie Shapiro - một nhà nghiên cứu đước tại văn phòng Berlin của Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới, cho biết.

Còn Jorge Ramos đến từ Quỹ bảo tồn quốc tế ở Arlington nói rằng hệ thống này có thể giúp tổ chức của ông và các cộng đồng mà họ đang hợp tác xác định được nơi nào cần cấp phát tài nguyên để có được lợi ích tối đa.

Bước tiếp theo của Goldberg sẽ là tổng hợp các nguồn dữ liệu bổ sung và làm cho các cảnh báo được cập nhập theo thời gian thực khi dữ liệu từ vệ tinh truyền về. Cô bé còn lên kế hoạch chuyển hệ thống này lên một trang web để nhiều cộng tác hơn có thể truy cập được nó.

Trong dài hạn hơn, Liza Goldberg muốn có một sự nghiệp khoa học. "Mẹ cháu luôn dạy rằng điều thật sự quan trọng là phải yêu nghề nghiệp của mình, vì đó là những gì mình làm hàng ngày, và cháu yêu những gì mình đang làm tại NASA", cô gái trẻ chia sẻ.

Cập nhật: 05/01/2018 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video