Họ đã chi 22 triệu USD cho Fon, công ty mới ra đời được 3 tháng tại Tây Ban Nha, với mục đích xây dựng mạng lưới người sử dụng băng thông rộng không dây trên toàn thế giới. Fon, hiện thu hút 3.000 thuê bao, đã hình thành hệ thống chia sẻ Wi-Fi theo 3 lớp là Linus, Bills và Aliens. Trong đó Linus là những thành viên chính thức, có quyền truy cập đầy đủ vào mạng Wi-Fi toàn cầu của Fon. Ngược lại, mỗi Linus phải chia sẻ kết nối của họ cho các thành viên khác.
Những người tham gia phải cài phần mềm Fon trên thiết bị định tuyến không dây và cho phép người khác đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu chung. Tuy nhiên, băng thông cho kết nối công cộng đó có thể bị giới hạn bởi tùy thuộc vào chủ sở hữu tài khoản cơ sở.
Theo một nghiên cứu gần đây, rất ít người dùng máy tính xách tay bật Wi-Fi khi rời khỏi nhà. 20% không biết sử dụng chức năng không dây còn 25% khác cho là điểm truy cập hiện thu phí quá đắt đỏ. Ngoài ra, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) chặn các kết nối chia kẻ Internet không dây. Nhưng Martin Varsavsky, nhà sáng lập Fon, khẳng định mô hình kinh doanh của ông sẽ phù hợp với yêu cầu của các ISP.
"Trước hết bạn phải là khách hàng của một ISP và đàm phán cùng chia sẻ doanh thu. Khi càng nhiều người tham gia, sẽ có nhiều điểm truy cập Fon hơn và giấc mơ hình thành mạng không dây băng thông rộng hợp nhất trên toàn cầu sẽ trở thành hiện thực", Varsavsky giải thích. "Môi trường Fon có thể đạt được những điều mà mạng 3G và chuẩn Internet di động EVDO chưa làm được. 3G và EVDO có tầm phủ sóng rộng nhưng chúng quá đắt đỏ".
Roger Entner, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Ovum (Mỹ), nhận định dự án trên có khả năng mở ra một cuộc cách mạng mới nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. "Đây là một ý tưởng lớn nhưng nó trái với những gì đang diễn ra. Fon biến Wi-Fi thành 'tài sản công cộng' trong khi hiện nay nó không được nhìn nhận như thế", Entner nói.