29 tuổi, 29 bằng phát minh

Khi Gueh How Kiap thổ lộ với mẹ về giấc mơ trở thành nhà phát minh, câu trả lời mà anh nhận được là: “Con đừng có mơ mộng hão huyền. Ở Mỹ thì còn được, chứ ở Singapore làm sao mà trở thành nhà phát minh hả con?”.

Kiap và mẹ - Ảnh: New Paper

Bà Ann Tong, mẹ của Kiap, có lý do để lo lắng về khả năng của cậu con trai. Thuở nhỏ, anh từng bị sốt cao và bà từng sợ con trai mình có nguy cơ bị bệnh bại liệt. May mắn là Kiap đã lớn lên khỏe mạnh, nhưng câu trả lời của mẹ đã không thôi ám ảnh anh trong suốt thời gian sau đó. Kiap không tin rằng ở Singapore người ta không thể trở thành nhà phát minh.

Anh trình làng phát minh đầu tiên trong đời khi còn là học sinh Trường cấp II Delta. Sau khi xem một phim tài liệu về những người khiếm thị ở Anh, Kiap đã nảy ra sáng kiến làm một chiếc gậy cho người khiếm thị có thể phát sáng trong điều kiện sương mù. Phát minh này đã giúp đem về cho Kiap hai giải thưởng Nhà thiết kế trẻ và Nhà phát minh trẻ năm 1992. Không bao lâu sau, một công ty thiết kế của Mỹ đã tìm đến và trả cho Kiap một khoản tiền lớn để ứng dụng công nghệ phát sáng vào dòng sản phẩm giày thể thao. “Tôi thật sự phấn khích trước lời đề nghị đó và xác định được con đường nghề nghiệp của mình trong tương lai: trở thành một nhà phát minh đúng nghĩa” - anh cho biết.

Từ một học sinh có sức học bình thường, chưa bao giờ được học ở những trường danh tiếng và chỉ tốt nghiệp Trường trung cấp Bách khoa Singapore, chàng trai 29 tuổi này đã trở thành chủ sở hữu của 29 bằng phát minh. Anh cũng chưa hề đi làm ở các công ty như những người bạn khác mà vẫn an tâm về nguồn tài chính ổn định của mình.

Các phát minh đăng ký tại Phòng Sở hữu trí tuệ Singapore của Kiap khá đa dạng, từ những sản phẩm phục vụ đời sống như gót giày có thể điều chỉnh được để các quí cô chỉnh chiều cao khi mang giày, hệ thống lọc muối, chế biến và dự trữ nước ngọt từ nước biển, được anh đặt tên là “Nhạc nước”.

Với sáng kiến này, tàu thuyền có thể chế biến nước biển thành nước ngọt để sử dụng trong những chuyến hải hành. Kiap đã được đầu tư 2,7 triệu USD cho ý tưởng xây dựng hệ thống “Nhạc nước”, với nguồn quĩ do các nhà đầu tư tài trợ. Anh hi vọng phát minh này của mình sẽ giúp ích những người dân sống ở vùng đất khô cằn và có thể giúp giải quyết những vấn đề về nước trên thế giới.

Một trong những phát minh khác của Kiap là chương trình bảo mật dữ liệu có tên “Hệ thống và phương pháp giao dịch”, giúp bảo vệ những thông tin mật (như mật mã PIN) không bị ăn cắp trên mạng. Phát minh này đã giúp anh giành giải đặc biệt trong cuộc thi do Hiệp hội Kinh doanh Hàn Quốc (Kova) tổ chức năm 2004.

Kiap tâm sự rằng đối với đa số phát minh, chỉ cần tốn 160 USD là có thể đăng ký được tấm bằng sở hữu, nhưng công sức và tiền của bỏ ra để có được phát minh ấy thì đôi khi không thể tính được bằng tiền. Chính niềm vui được tạo ra những sản phẩm hữu ích cho đời đã giúp Kiap có thêm tự tin để tiếp tục theo đuổi công việc yêu thích của mình.

THANH TRÚC

Theo New Paper, Tuổi Trẻ Online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video