Nhà phát minh "2 trong 1"

  •  
  • 976

Không chuyên ngành y, cũng chẳng có bằng cấp đại học, lại là bệnh nhân ung thư, nhưng John Kanzius đang được giới y học Mỹ biết đến với phát minh máy chữa trị ung thư bằng sóng vô tuyến, hứa hẹn sẽ đẩy liệu pháp hóa trị, và có thể cả xạ trị, lùi xa vào dĩ vãng. Từ chiếc máy ra đời trong ga-ra gia đình, Kanzius tình cờ khám phá nước biển có khả năng cứu nhân loại khỏi nguy cơ khủng hoảng nhiên liệu bởi nó có thể cháy được.

Năm 2002, sau khi nghỉ hưu được một năm rưỡi, cựu giám đốc một đài phát thanh và truyền hình ở Pennsylvania, John Kanzius được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu (một dạng ung thư máu) ác tính và phải tiếp nhận hóa trị liệu. Hình ảnh những đứa trẻ cùng chung cảnh ngộ tắt dần nụ cười trên môi và tóc cứ rơi rụng dần sau mỗi lần “vô hóa chất” cộng với suy nghĩ trước sau gì mình cũng như thế cứ ám ảnh và thôi thúc Kanzius phải nghĩ ra một cách nào đó “êm dịu” hơn liệu pháp hóa trị. Và ý tưởng dùng sóng vô tuyến để triệt tiêu tế bào ung thư đã đến với ông vào một đêm khuya tháng 10-2003.

Kết hợp kiến thức về vật lý và sóng vô tuyến của những ngày làm kỹ sư ở đài phát thanh với phụ tùng từ những chiếc radio cũ trong ga-ra gia đình và chảo làm bánh của vợ, Kanzius một mình mày mò và sau cùng chế ra được chiếc máy thu phát sóng vô tuyến. Ngoài ưu điểm không độc hại, sóng vô tuyến còn có thể đốt nóng một số kim loại, trong đó có vàng vốn được Cục Quản lý Thực Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép dùng ở người. Bỏ ngoài tai những lời chế nhạo về ý tưởng “khác người” của mình, Kanzius tìm đến một phòng thí nghiệm, trình bày sáng chế của ông và được nơi đây cung cấp những hạt vàng bé xíu mà giới chuyên môn gọi là phân tử nano. Theo mô tả của nhà phát minh 63 tuổi, sau khi được tiêm vào cơ thể người bệnh, các phân tử nano sẽ tìm và bám lấy tế bào ung thư mà không “ngó ngàng” tới những tế bào khỏe mạnh. Khi bệnh nhân tiếp xúc với sóng radio, chỉ những tế bào “xấu” có dính vàng mới bị đốt nóng và sau đó tự hủy trong khi các tế bào lành lặn khác do không mang kim loại nên “bình an vô sự”. Sau nhiều thử nghiệm trên... xúc xích có vẻ phát huy tác dụng, năm 2004 Kanzius mang kết quả thu được đến nhờ một chuyên gia ung thư tên tuổi kiểm chứng.

Kanzius đang đốt cháy nước biển bằng máy phát tần số vô tuyến do ông chế tạo. (Ảnh: World Net Daily)

Nó trên cả tuyệt vời”, Giáo sư Steven Curley ở Trung tâm Ung thư Anderson thuộc Đại học Texas thốt lên khi tiếp nhận phát minh của Kanzius. Cùng với đồng nghiệp, ông tiến hành thử nghiệm kỹ thuật thu phát sóng vô tuyến do Kanzius sáng chế trên động vật và phát hiện chúng hoàn toàn triệt tiêu các khối u ung thư gan ở thỏ mà không tác động đến tế bào lành ở xung quanh. Theo đánh giá của Tiến sĩ Curley, so với kỹ thuật cắt bỏ khối u bằng tần số vô tuyến hiện nay, “liệu pháp” của Kanzius có ưu điểm là không cần can thiệp bằng phẫu thuật xâm lấn cũng như không cần phải dùng tới phóng xạ. “Nếu chúng ta có thể tìm ra cách đưa phân tử nano tới tế bào ung thư nhưng không đụng chạm các tế bào khỏe mạnh thì phương pháp này sẽ phát huy tác dụng ở bất cứ dạng ung thư nào và bất cứ nơi đâu trong cơ thể”, Tiến sĩ Curley nhận định.

Đồng nghiệp của ông, Tiến sĩ David Geller công tác tại Trung tâm Y khoa Đại học Pittsburgh sau đó đã thực hiện thử nghiệm độc lập trên động vật và cũng thu được kết quả tương tự. Các kết quả thử nghiệm liệu pháp của Kanzius được đăng trên tạp chí Ung thư của Mỹ số tháng 10-2007. Hiện nay, nhiều trường đại học ở Mỹ đang sử dụng sáng chế đã được cấp bằng chứng nhận của Kanzius trong nghiên cứu của họ và một nhà sản xuất thiết bị y tế đang phát triển chiếc máy của ông lên qui mô có thể dùng để thử nghiệm lâm sàng trên người – dự kiến sẽ được tiến hành trong một vài năm nữa.

Không chỉ nổi tiếng trong giới nghiên cứu ung thư, đầu năm 2007 nhà phát minh Kanzius còn liên tục xuất hiện trên mặt báo khi tuyên bố có thể đốt cháy được nước biển, mở ra triển vọng sử dụng nước biển làm năng lượng. Kỹ thuật này thực chất là một phần trong nghiên cứu liệu pháp ung thư của ông. Trong lúc thử nghiệm khử muối trong nước biển bằng máy phát tần số vô tuyến, Kanzius tình cờ phát hiện có thể dùng chiếc máy trị ung thư này giải phóng ôxy và hyđrô trong nước biển để tạo ra lửa. Theo mô tả của Kanzius, tần số vô tuyến có tác dụng làm yếu liên kết giữa các nguyên tử cấu thành nước biển, qua đó giải phóng ôxy và hyđrô, hai loại khí này sẽ cháy khi tiếp xúc với tần số vô tuyến. Theo đánh giá của giới chuyên môn, nhiệt năng sinh ra từ quá trình đốt nước biển, với sức nóng đạt tới gần 2.000oC, có thể đủ để vận hành xe hơi hoặc máy móc hạng nặng.

Tuy còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của những gì mà Kanzius đạt được nhưng phát minh “hai trong một” của ông đã nhận được không ít khen ngợi từ các nhà khoa học. Theo đó, liệu pháp trị ung thư bằng máy phát tần số vô tuyến của Kanzius được đánh giá là một trong những bước đột phá nổi bật nhất trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư trong 20 năm qua. Trong khi đó, kỹ thuật đốt cháy nước biển được xem là khám phá đặc sắc nhất của ngành khoa học nước trong vòng một thế kỷ qua, mở ra triển vọng sử dụng nước biển - nguồn tài nguyên gần như vô tận trên Trái đất - làm năng lượng thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch vốn đang ngày càng cạn dần.

Tuyết Hồng (Theo Báo Cần Thơ)
  • 976