3 nhật thực xuất hiện cùng lúc trên sao Mộc

Ba mặt trăng khổng lồ của sao Mộc là Europa, Ganymede và Callisto cùng lúc di chuyển qua bề mặt hành tinh, đổ bóng lên những đám mây bên dưới.


Nhật thực do các mặt trăng tạo ra trên sao Mộc. (Video: Christopher Go/Kunio Sayanagi)

Christopher Go, nhà thiên văn học nghiệp dư ở Philippines, chụp loạt ảnh ghi lại cảnh tượng hiếm gặp vào nửa đêm 18/5. Sau đó, nhà khoa học hành tinh Kunio Sayanagi ở Đại học Hampton ghép những bức ảnh của Go thành video. Mỗi giây trong video tương ứng với 30 phút thời gian thực.

Từ bề mặt sao Mộc, khu vực nằm dưới bóng của các mặt trăng có thể trông thấy nhật thực. Nhưng từ Trái đất, hiện tượng này gọi là "quá cảnh" do mặt trăng di chuyển giữa hành tinh của chúng ta và sao Mộc. Hiện tượng quá cảnh rất phổ biến trên sao Mộc với tần suất vài trăm lần mỗi năm nhưng hiếm khi xảy ra cùng lúc với 3 mặt trăng. Theo Sayanagi, lần cuối cùng 3 mặt trăng đi qua giữa sao Mộc và Trái đất là năm 2015 và lần tiếp theo là năm 2032. "Đây là dữ liệu rất khó thu thập", Sayanagi nói.

Go đặc biệt may mắn khi có thể chụp hình khoảnh khắc bởi hiện nay Philippines đang ở giữa mùa mưa. Trời mưa mỗi tối vào tuần xảy ra hiện tượng nhưng trời quang đúng lúc Go chuẩn bị kính viễn vọng và quan sát bộ ba mặt trăng bay ngang qua phía trước sao Mộc.


Hiện tượng quá cảnh rất phổ biến trên sao Mộc với tần suất vài trăm lần mỗi năm.

Ngoài ra, ở đầu video, mặt trăng Io màu vàng xuất hiện chớp nhoáng do nó di chuyển phía sau sao Mộc. Sau đó, mặt trăng Europa đi qua giữa mặt trăng Ganymede và sao Mộc. Europa, thiên thể băng nhỏ với đại dương sâu bên dưới bề mặt, biến mất rất nhanh phía sau mặt trăng Ganymede lớn hơn. Khi nó tái xuất hiện, phần bóng của Ganymede che khuất mặt trăng nhỏ. "Thật thú vị khi quan sát bóng của Ganymede bị chia đôi. Một nửa đổ lên Europa và nửa còn lại in lên bề mặt sao Mộc", Go chia sẻ.

Ganymede là mặt trăng lớn nhất trong hệ mặt trời và có đại dương riêng giống Europa. Nhiều nhà khoa học cho rằng đại dương dưới bề mặt hai mặt trăng này có thể chứa sự sống ngoài hành tinh.

Galileo Galilei lần đầu tiên quan sát 4 mặt trăng trong video gồm Europa, Ganymede, Callisto, và Io năm 1610. Giới nghiên cứu ghi nhận sao Mộc có tổng cộng 79 mặt trăng, nhưng phần lớn nhỏ hơn nhiều so với 4 mặt trăng Galilei từng quan sát. Ngay cả khi không có mặt trăng, những đám mây rực rỡ và siêu bão của sao Mộc vẫn thu hút nhiều nhà thiên văn học.

Cập nhật: 30/08/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video