Những thi hài này đẹp đến nỗi họ giống như chỉ đang chìm trong một giấc ngủ nhẹ nhàng.
Giật mình trước những thi hài trăm năm vẫn xinh đẹp
Ướp xác là một thuật dùng các chất hóa học để đảm bảo cho thi thể người chết không bị phân hủy sau khi họ qua đời. Nếu xưa kia, ướp xác chỉ được áp dụng theo một số công thức nhất định thì hiện nay công việc này có nhiều sự lựa chọn đa dạng hơn, cùng nhiều loại hóa chất khác nhau.
Cùng với sự phát triển vượt trội của khoa học kỹ thuật, công việc ướp xác đã đạt nhiều tiến bộ. Có nhiều thi hài sau khi được ướp xác vẫn còn giữ nguyên những nét trên khuôn mặt và cơ thể, chứ không hề bị biến dạng, nhăn nhúm.
Chính những sự tiến bộ này giúp cho người đã khuất luôn giữ được phong thái, vẻ đẹp tự nhiên - khiến họ nhìn giống như đang chìm sâu vào giấc ngủ.
1. Thánh Bernadette
Thánh Bernadette (1844 - 1897) có tên thật là Marie Bernarde Soubirous, sinh năm 1844 và là con gái của một thợ cối xay ở Lourdes (Pháp).
Nhiều người kể lại rằng, vào ngày 11 tháng 2 năm 1858, Bernadette có dịp được chứng kiến Đức mẹ Maria hiện ra ngay trước mắt trong một hang động bên bờ sông. Sau sự kiện đó, bà quyết định theo con đường tu nghiệp.
Năm 1867, Bernardette bị phong thấp nhưng vẫn cố gắng làm công việc của một y tá. Sức khỏe của bà yếu dần và không thể làm việc được nữa. Năm 1877, bệnh tình trở nặng và bà đã qua đời vào giữa tuần Phục sinh năm 1879 khi mới 35 tuổi. Một điều kỳ diệu đã đến dành cho người phụ nữ ngoan đạo này: sau khi chết cơ thể của bà không có dấu hiệu bị phân hủy.
Trong khi thực hiện một nghi lễ tôn giáo vào năm 1909, thi thể của bà đã được khai quật lên và toàn bộ những người chứng kiến đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy Bernadette giống như là đang ngủ hơn là đã qua đời.
Bernadette vẫn giữ được nét đẹp thánh thiện trên khuôn mặt cùng làn da hoàn hảo. Ngày nay, thi hài của bà được trưng bày tại nhà nguyện tại vùng Lourdes và được sử dụng một ít sáp để giữ cho cơ thể Bernadette luôn được hoàn hảo trong cỗ quan tài bằng kính.
2. Rosalia Lombardo
Rosalia Lombardo (1918 - 1920) là con gái của một vị tướng quân sự của Ý - Mario Lombardo. Cô bé qua đời ngày 6 tháng 12 năm 1920 khi chỉ gần 3 tuổi và là một trong những nạn nhân cuối cùng của dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1920.
Người cha của Rosalia - ông Mario rất đau lòng trước sự ra đi của cô con gái bé bỏng của mình. Bởi vậy, ông đã tìm đến nhà ướp xác chuyên nghiệp Alfredo Salafia với mong muốn giữ lại hình ảnh của Rosalia được trường tồn vĩnh viễn.
Sau đó ông xin được bảo quản xác con gái trong hầm mộ Capuchin ở Palermo (Ý). Rosalia là trường hợp cuối cùng được tiếp nhận trong số 8.000 xác ướp ở đây.
Để ướp xác bé Rosalia, đầu tiên, máu của cô gái đã được thay thế với formalin. Tiếp theo, rượu và glycerin được sử dụng để giữ cho cơ thể của cô khô mà không mất nước hoàn toàn.
Salicylic acid sau đó đã được thêm vào để ngăn chặn các loại nấm cơ thể đang phát triển. Và cuối cùng, muối kẽm đã được bổ sung cho mục đích làm xác chết “cứng”.
Nhờ phương pháp bảo quản này, cho đến nay, thi thể của Rosalia chưa có dấu hiệu của sự phân hủy. Khuôn mặt của Rosalia vẫn đáng yêu và tươi tắn như thể bé đang yên giấc ngủ ngon.
Những sợi tóc vàng óng vẫn còn nguyên trên làn da căng mịn nhuộm màu anh đào của cô bé. Khi ngủ nhìn cô bé như một thiên thần vậy, Rosalia được ca ngợi là “xác ướp xinh đẹp nhất thế giới”.
3. Eva "Evita" Peron
Eva Peron (1919 - 1952) hay Evita - là một trong những người phụ nữ được yêu mến nhất ở Argentina. Bà là người vợ thứ hai của tổng thống Argentina Juan Peron, và đã trở thành Đệ nhất phu nhân của Argentina từ năm 1946 cho tới khi qua đời vào năm 1952 bởi bệnh ung thư.
Bà được người dân Argentina ngưỡng mộ vì đã đấu tranh giành quyền bầu cử cho phụ nữ, đảm bảo lợi ích cho người lao động và thành lập các bệnh viện cũng như các trại mồ côi. Do đó sau khi Evita qua đời người ta quyết định ướp xác bà như một việc làm thể hiện sự tri ân và tôn kính.
Các công đoạn ướp xác bà được thực hiện bởi giáo sư nổi tiếng về giải phẫu học Pedro Ana. Để thực hiện việc ướp xác, lượng máu và nước trong cơ thể bà sẽ được thay thế toàn bộ bằng dung dịch glycerin. Toàn bộ nội tạng kể cả bộ não đều được lấy ra ngoài và bảo quản cẩn thận.
Lúc sinh thời, Evita sở hữu nhan sắc đẹp bao nhiêu thì khi qua đời thi hài của bà cũng lung linh bấy nhiêu. Sau một cuộc đảo chính tại Argentina, thi hài của bà đã bị đánh cắp vào năm 1955 rồi được giấu tại Ý. Vẻ đẹp mê hồn của bà đã khiến cho một người canh giữ xác phải “rung rinh” và thú nhận đã “có cảm tình”.