30 năm trước, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ ( NASA) gánh chịu một bi kịch gây chấn động toàn thế giới, và cũng là lý do đã thay đổi cơ quan này mãi mãi.
Ngày 28 Tháng 1 năm 1986, tàu con thoi Challenger phát nổ chỉ 73 giây sau khi được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida (Hoa Kỳ), giết chết tất cả 7 phi hành gia trên tàu - bao gồm cả Christa McAuliffe, một giáo viên được NASA lựa chọn để tham gia chuyến du hành trong không gian. Trước đó vào ngày 27/1/1967, cả 3 phi hành gia của NASA là Ed White, Gus Grissom và Roger Chaffee cũng đã hi sinh trong một cuộc phóng thử nghiệm tàu Apollo 1. Tuy nhiên, thảm họa Challenger là một câu chuyện dường như hoàn toàn khác.
"Cả nước Mỹ và toàn thế giới đã bị sốc khi điều đó xảy ra, vì đó là lần đầu tiên Hoa Kỳ thực sự mất đi một chiếc tàu không gian, cùng với phi hành đoàn trên tàu", cựu phi hành gia NASA Leroy Chiao, người đã tham gia 3 sứ mệnh tàu con thoi không gian, và cũng từng là chỉ huy của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) từ tháng 10/2004 đến tháng 4/2005, cho biết. "Vụ nổ thậm chí còn gây sốc hơn vì Christa McAuliffe không phải là một phi hành gia chuyên nghiệp", Chiao nói với Space.com. "Nếu bạn mất một quân nhân trong một hoạt động quân sự, điều đó thật sự rất đáng buồn và bi kịch, nhưng họ đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp, cũng giống như các phi hành gia chuyên nghiệp. Còn đối với một người thường, sự ra đi của họ thật sự gây sốc".
Thay đổi văn hóa
Trước khi Challenger xấu số được phóng lên khi tham gia sứ mệnh STS-51L, đã có 24 nhiệm vụ liên tiếp trong kế hoạch được hoàn thành, bắt đầu từ tháng 4 năm 1981, kể từ lần cất cánh đầu tiên của tàu vũ trụ Columbia. Thành công lúc bấy giờ vô tình tạo ra sự tự mãn không đáng có của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, theo Chiao. "Có một 'cơn sốt' phóng tàu vụ trụ vào thời điểm đó, giúp các chuyến bay luôn đúng thời gian dự kiến, thúc đẩy thực hiện nhiều nhiệm vụ mới", ông nói.
"Đó là loại tư duy đóng vai trò then chốt trong thảm họa này", các chuyên gia kết luận. Sau phân tích, người ta cho rằng nguyên nhân dẫn đến vụ nổ của Challenger xuất phát từ các vòng đệm cao su "O-ring" của con tàu, trong quá trình phóng lên đã bị hỏng do thay đổi nhiệt độ. Mất các vòng đệm này, khí nóng thoát ra và làm hỏng thùng nhiên liệu bên ngoài tàu vũ trụ, cũng như các thiết bị đi kèm. Theo các nhà điều tra viên của NASA, nhiệt độ lúc cất cánh nằm trong khoảng từ 2°C - 8°C, lạnh hơn so với bất kỳ lần phóng nào trước đó.
"Quyết định khởi động Challenger còn nhiều thiếu sót. Những người đưa ra quyết định đã không biết gì về lịch sử của các vấn đề liên quan đến vòng đệm và khớp nối". Ngoài ra, việc phóng con tàu với điều kiệt nhiệt dộ dưới 11,7°C cũng là vấn đề đáng được lưu tâm nhưng dường như nó đã bị bỏ sót. "Họ không có một sự hiểu biết rõ ràng về mối quan tâm mà Rockwell đã đưa ra, rằng có băng trên bệ phóng" (Rockwell International là đơn vị lắp ráp các tàu con thoi không gian cho NASA.) "Nếu những người tham gia biết rõ những sự thật này, rất khó để họ quyết định phóng con tàu lên vào ngày 28 tháng 1 năm 1986". Trên một phương diện nào đó, tai nạn khủng khiếp này đã được gây ra bởi những người quyết định.
"Rất nhiều thứ đã thay đổi", Chiao ông nói. "Tàu con thoi đã được rà soát lại hoàn toàn. Bao gồm từng chi tiết kỹ thuật nhỏ nhất, tất cả đều được đưa ra tái phân tích". Công việc này mất gần 3 năm. Các chương trình tàu con thoi bị cấm ngay sau đó, mãi cho đến khi tàu vũ trụ Discovery cất cánh vào ngày 29 tháng 9 năm 1988.
Thúc đẩy giáo dục không gian
Thảm họa Challenger cướp đi sinh mạng của 7 người, trong đó bao gồm: chỉ huy Francis "Dick" Scobee; phi công Mike Smith; chuyên gia Judith Resnik, Ron McNair và Ellison Onizuka; cùng các chuyên gia vận tải McAuliffe và Greg Jarvis. Dù đã 30 năm sau cái ngày đen tối ấy, "mọi thứ dường như chỉ vừa xảy ra ngày hôm qua", Barbara Morgan, người được xem là "Teacher in Space" (Giáo viên trong vũ trụ), đóng vai trò như một 'phương án dự phòng' của bà McAuliffe chia sẻ. Morgan được đưa lên không gian vào năm 2007, trên tàu con thoi Endeavour. "Những con người ấy vẫn luôn tồn tại bên tôi, mỗi ngày". Morgan cho rằng Christa McAuliffe và dự án "Teacher in Space" đã có một tác động rất lớn, mặc dù sứ mệnh STS-51L từng kết thúc trong bi kịch.
Bà Christa McAuliffe được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nền giáo dục.
"Christa là một nhà giáo tuyệt vời, một con người tuyệt vời và là một tấm gương sáng ngời cho nghề nghiệp của chúng tôi", Morgan nói. "Đó là điều mà tôi thực sự, thực sự biết ơn và tự hào". Chỉ vài tháng sau thảm họa Challenger, người thân của những phi hành gia xấu số thiết lập một tổ chức phi lợi nhuận gọi là Trung tâm Giáo dục khoa học Không gian Challenger, như một nỗ lực thu hút sự quan tâm của sinh viên đến khoa học, công nghệ cũng như toán học, bằng cách giúp chúng trở nên thú vị hơn và mang nhiều giá trị thực tiễn hơn. Trong vòng 30 năm qua, đã có gần 4,5 triệu trẻ em tham gia Trung tâm Challenger.
Luôn luôn khám phá
Đáng buồn thay, Challenger không phải là bi kịch duy nhất của chương trình tàu con thoi không gian. Ngày 1 tháng 2 năm 2003, tàu vũ trụ Columbia vỡ tan tành khi trở về khí quyển Trái đất, giết chết tất cả 7 phi hành gia trên tàu. Những thuyền viên tham gia sứ mệnh bao gồm chỉ huy Rick Husband; phi công William McCool; Michael Anderson; chuyên gia sứ mệnh David Brown, Kalpana Chawla và Laurel Clark; cùng chuyên gia Ilan Ramon từ Cơ quan Vũ trụ Israel. Một miếng cách nhiệt đã cắt đứt thùng nhiên liệu bên ngoài của Columbia trong lúc phóng tàu thăm dò hơn 2 tuần trước đó, khiến cánh trái của tàu con thoi bị hư hại. Các nhà điều tra sau đó xác định thiệt hại này giúp khí nóng chui vào bên trong cánh, dẫn đến việc phá hủy toàn bộ con tàu.
Những tai nạn thương tâm với Challenger và Columbia xảy ra như một lời cảnh báo, rằng các chuyến bay đi vào vũ trụ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nguy hiểm, Chiao nhận định. "Tôi không nghĩ du lịch không gian cũng sẽ trở nên an toàn như du lịch hàng không thương mại, chỉ vì lượng năng lượng bạn phải đưa vào một con tàu để đẩy nó vào quỹ đạo ở tốc độ 28.160 km/h". Chiao cho rằng luôn luôn tiềm ẩn những nguy cơ trong các chuyến bay đi vào không gian.
"Thật không may, mặc dù chúng tôi luôn cố gắng hạn chế tối đa và tránh những rủi ro, thỉnh thoảng chúng vẫn xảy ra", ông nói thêm. "Những gì chúng tôi phải làm là thực hiện những gì chúng tôi có thể học hỏi từ đó, áp dụng các bài học kinh nghiệm và tiếp tục tiến về phía trước". Con đường phía trước của NASA có lẽ sẽ vắng mặt những chiếc tàu con thoi không gian. Phi hành gia Mỹ hiện vẫn đang phụ thuộc vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đến và rời khỏi Trạm vũ trụ quốc tế, mặc dù NASA cho biết họ hy vọng tàu vũ trụ tư nhân do Boeing và SpaceX sản xuất sẽ sẵn sàng để tiếp nhận dịch vụ này vào cuối năm 2017.
NASA hiện nay tích cực làm việc nhằm hướng đến mục tiêu đưa con người lên sao Hỏa vào những năm 2030. Cơ quan này đang phát triển một mô-đun được gọi là Orion và tên lửa khổng lồ Launch System Space để thực hiện tham vọng của mình.