Lịch sử của ngành huyết học

Nhiều thí nghiệm truyền máu được thực hiện trong suốt ba thập kỷ trước khi nhóm máu và nguyên tắc truyền máu được các nhà khoa học phát hiện.

Lịch sử truyền máu bắt đầu vào những năm 1600 khi nhà khoa học người Anh William Harvey phát hiện máu tuần hoàn qua tim thay vì phổi. Với kiến thức này, các bác sĩ lý luận việc truyền máu có thể giúp chữa trị rất nhiều chứng bệnh, như băng huyết sau sinh, thậm chí các bệnh tâm thần. Những ca truyền máu đầu tiên trong lịch sử cũng được thực hiện trong khoảng thời gian này, tuy nhiên phần lớn đều không thành công, người nhận máu tử vong.

Các bác sĩ người Anh và Mỹ cũng làm thí nghiệm truyền máu giữa động vật. Năm 1666, ca truyền máu giữa động vật đầu tiên được thực hiện thành công.

Năm 1667, bác sĩ người Pháp Jean-Baptiste Denis tiến hành truyền 350ml máu cừu cho một cậu bé 16 tuổi bị mất máu nghiêm trọng. Sau khi truyền, sức khỏe cậu bé phần nào ổn định hơn, Jean cho rằng phương pháp truyền máu của ông đã phát huy hiệu quả. Tất nhiên, máu người và máu cừu không có sự tương thích, cậu bé đã may mắn sống sót do lượng máu cừu truyền vào cơ thể không đủ lớn.


Jean-Baptiste Denis tiến hành truyền máu cừu cho bệnh nhân. (Ảnh: Sutori).

Không lâu sau đó, với "thành công" từ lần truyền máu đầu tiên, Jean tiếp tục tiến hành truyền máu bê cho một nam bệnh nhân bị tâm thần. Ông tin rằng nam bệnh nhân có máu xấu, cần được thay thế bằng loại máu tốt. Nếu được truyền máu từ một loài động vật hiền lành như bê, bệnh nhân tâm thần này sẽ không còn những hành động, thái độ kỳ lạ.

Tuy nhiên, sau ba lần truyền máu, bệnh nhân có các triệu chứng đổ mồ hôi, hai tay và vùng da dưới cánh tay nóng ran, thận tổn thương, màu nước tiểu chuyển sẫm rồi tử vong.

Sau cái chết của bệnh nhân này, bác sĩ Jean bị truy trách nhiệm hình sự, việc truyền máu bị cấm thực hiện trên toàn nước Pháp. Giới bác sĩ, nhà nghiên cứu cũng dừng hẳn việc truyền máu cho đến thế kỷ 19.

Những năm 1800, tiến sĩ James Blundell phát hiện máu chỉ có thể truyền giữa những động vật cùng loài. Năm 1818, ông cứu sống một sản phụ bị băng huyết sau khi truyền máu từ chồng cô hiến. Ông cũng thực hiện thêm 10 ca truyền máu khác trong khoảng thời gian này, song nhận thấy tỷ lệ thành công không cao, mang tính may rủi. Trong khi một số bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau khi truyền máu, số còn lại tử vong chỉ sau vài ngày.


Nhà bác học Karl Landsteiner được nhận giải Nobel Y học năm 1930 sau khi tìm ra các nhóm máu. (Ảnh: India Today).

Năm 1901, nhà bác học người Áo Karl Landsteiner đã đánh dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử y học khi phát hiện ra con người có ba nhóm A, B, O, được phân loại bởi các kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu. Đến lúc này, giới khoa học mới nhận ra rằng những bệnh nhân tử vong trước đó là do máu được truyền vào không tương thích, gây đông máu dẫn đến tử vong. Việc truyền nhóm máu phù hợp rất quan trọng. Karl Landsteiner đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành huyết học, rủi ro tử vong trong khi truyền gần như không còn.

Năm 1916, sau khi Oswald Robertson người Mỹ chứng minh máu có thể được lưu trữ, làm lạnh, số ca truyền máu tăng lên đáng kể. Những năm 1940, hàng trăm ca truyền máu được thực hiện mỗi ngày, số lượng ngân hàng máu ngày càng tăng. Ghi nhận sự đóng góp to lớn đối với y học, Karl Landsteiner được trao giải Nobel Y học vào năm 1930.

Cập nhật: 12/10/2019 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video