9 loài cây có khả năng đặc biệt giống con người

Đã bao giờ bạn chú ý tới các loài cây có khả năng giống như con người? Trong thế giới thực vật tồn tại một số loài cây mang khả năng, tính chất đặc biệt giống con người: cây biết xấu hổ, biết chảy máu hay tự vệ trước kẻ thù...

Theo cấu tạo sinh học, thực vật không hề có não hay hệ thống thần kinh nên chúng ta thường cho rằng cây cối là vô tri vô giác.

Tuy nhiên, thế giới thực vật huyền bí lại tồn tại những loài cây mang khả năng đặc biệt giống như hành động của con người.

1. Cây trinh nữ (cây xấu hổ)

Hẳn là ai trong chúng ta cũng từng nghe thấy tên của loài cây nhỏ bé biết “xấu hổ” này. Mang tên khoa học Mimosa pudica, loài cây này có khả năng tự “thu gọn” người lại khi gặp tác động từ bên ngoài. Cây trinh nữ làm được việc này là nhờ cấu tạo lá đặc biệt của nó.

Phần cuối cuống lá cây xấu hổ có một bọng lá chứa nước. Khi gặp tác động giống như mưa lớn hay bị chạm vào, phần nước lập tức dồn lên phía trên khiến phần dưới xẹp xuống như quả bóng xì hơi.

Điều này khiến cuống lá sụp xuống, khép lại. Một khi một lá đã khép, nó cũng sẽ gửi tín hiệu cho những lá khác lần lượt khép lại, tạo hiệu ứng như cây biết "xấu hổ" mà chụm lại vậy. Chỉ một lúc sau bọng lá lại đầy nước và cây trở về nguyên dạng ban đầu.

Không chỉ biết tự thu gọn lá để tránh thiệt hại do những yếu tố bên ngoài, cây trinh nữ còn có "trí nhớ" khá tốt. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng, khi nhỏ giọt nước lặp đi lặp lại vào lá cây xấu hổ, nó sẽ ngưng co lá.

Đó là do Mimosa pudica nhận ra rằng, những giọt nước này là vô hại. Đặc biệt hơn, cây trinh nữ còn có khả năng ghi nhớ phản ứng này nhiều tuần sau đó.

2. Cây biết chảy máu

Pterocarpus angolensis là một loài cây thân gỗ có khả năng kì lạ - chảy máu. Là một giống cây mọc ở Nam Phi, loài cây này còn được biết đến với các tên gọi khác như Kiaat, Mukwa hay loài cây chảy máu.

Không giống như các loài cây khác, Pterocarpus angolensis mang trong mình một loại nhựa có màu đặc biệt. Khi cắt ngang thân hay một cành cây, ta sẽ dễ dàng thấy loại nhựa màu đỏ hơi sánh, sau khi khô chuyển thành đỏ thẫm rất giống màu máu. Loại nhựa này có tác dụng như chất keo dính gắn liền và chữa lành các vết thương của cây.


Hạt cây Pterocarpus angolensis cũng có hình dạng đặc biệt

Pterocarpus angolensis có rất nhiều lợi ích về cả mặt kinh tế và y học. Nhựa của cây được người bản địa sử dụng như thuốc nhuộm. Họ còn dùng nó để trộn cùng mỡ động vật tạo thành một sản phẩm chăm sóc da.

Gỗ của cây được sử dụng để tạo ra nhiều vật dụng có giá trị như dùng để đóng thuyền hay lát sàn. Cây cũng có nhiều tác dụng trong việc chữa các căn bệnh về mắt, dạ dày hay máu.


Loài cây này đang "chảy máu" do những tác động của con người

Tuy nhiên, do những lợi ích đem lại mà Pterocarpus angolensis bị khai thác một cách bừa bãi, khiến cho số lượng của loài cây này gần đây đã giảm đi đáng kể.

3. Cây Manchineel biết tự bảo vệ mình

Là một loại cây phát triển ở Florida và Nam Mỹ - Manchineel nổi tiếng nhờ khả năng tự vệ và sát thủ “không ghê tay” của mình.

Được coi là loài cây độc nhất trên thế giới, bất kì bộ phận nào của Manchineel đều chứa độc. Quả của cây này có hình dáng giống như trái táo. Nó được gọi là “trái táo của cái chết” do chỉ với một miếng cắn đã có thể chuyển bạn ngay vào phòng cấp cứu. Vậy mà đó vẫn chỉ là bộ phận “lành” nhất của Manchineel.

Manchineel có loại nhựa màu trắng vô cùng độc và có tính ăn da. Chỉ một giọt cũng có thể gây mụn nước ngoài da, viêm da, sưng tấy hoặc bỏng.

Nhiều khách du lịch đã bị bỏng nặng khi chọn Manchineel là chỗ trú mưa do chất nhựa từ cành cây hòa cùng mưa rơi xuống. Người ta nói rằng, nếu bị trói vào cây này thì chỉ qua một đêm, bạn có thể chết.

Một điểm đặc biệt nữa của Manchineel đó là loài cây này tự bảo vệ mình khỏi bị phá hủy. Vỏ cây có chất độc mà khi bị tác động sẽ tỏa ra loại khói độc hại, khiến đối phương nhanh chóng trúng độc, dễ dẫn đến mù lòa.

Cây Manchineel đã trở thành sự ám ảnh của những người châu Âu trong thời kì khám phá “Thế giới mới” châu Mỹ và được mệnh danh như một "quái thảo" đáng gờm.

4. Loài cây phát tín hiệu cảnh báo

Trước sự tấn công của các loài động vật khác, nhiều loài cây không chịu “ngồi yên” mà tự mình phát ra những tín hiệu khác nhau để tự bảo vệ hay cảnh báo cho những cây khác.

Cây ngải đắng (tên khoa học: Artemisia tridentate) có khả năng khá đặc biệt là có thể gửi tín hiệu cảnh báo cho “đồng bọn” khi bị tấn công. Cây ngải đắng thường bị các loại côn trùng phá hoại tấn công vào lá và thân cây.

Khi đó, loài cây này sẽ phát đi những tín hiệu bằng việc phát tán một hợp chất hóa học vào không khí. Nhận được tín hiệu này, những cây ngải đắng khác nằm xung quanh sẽ sản sinh một chất hóa học riêng để xua đuổi côn trùng.

Trong khi đó, để đối phó với kẻ thù truyền kiếp là những con sâu bướm, cây sẽ gửi những tín hiệu hóa học để kêu gọi loài ong bắp cày. Loài ong này được mời đến bởi mùi sản sinh từ hoa sẽ tiêu diệt sạch, kể cả trứng của loài sâu bướm và bảo vệ cho cây hoa được phát triển an toàn. Các nhà nghiên cứu sinh vật cho rằng, đây quả là một mối quan hệ cộng sinh hoàn hảo.

5. Cây tai voi

Cây tai voi (Caladium steudneriifolium) là món ăn hảo hạng cho loài sâu bướm đêm. Để ngăn chặn bị tàn phá bởi những kẻ háu ăn này, cây tai voi sẽ giả vờ mắc bệnh với nhiều đốm trắng trên khắp bề mặt lá rất giống với vết tích để lại sau khi bị sâu ăn.

Do chỉ muốn ăn những cây ngon lành, khỏe mạnh nên những con sâu bướm sẽ tìm kiếm một chiếc lá khác.

6. Cây ngô

Kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học trường ĐH Bắc Australia cho thấy ở những cây ngô mà gốc, rễ bị ngập nước phát ra lặp lại nhiều lần những âm thanh tựa như tiếng răng rắc có tần số lên đến 220 Hertz mà chúng ta không hề hay biết.

Suốt hai chục năm qua, các nhà khoa học đã chứng mình rằng, tất cả cây cối đều có khả năng truyền tin với nhau bằng cách phản ứng với các tín hiệu hóa học cụ thể và tự mình phát ra các tín hiệu đặc trưng. Nhờ các tín hiệu này chúng đã đẩy nhanh quá trình ra hoa, kết trái, trái chín, tăng trưởng gốc, thân cây.

7. Cây mù tạt

Cây mù tạt cùng họ với rau cải thường sản sinh một chất hóa học đặc biêt để lôi kéo những con ong bắp cày ký sinh tới gần để tiêu diệt các con sâu bướm có ý định ăn lá cây. Cơ chế bảo vệ này phản ứng ngay sau khi xuất hiện trứng sâu bướm để kịp thời ngăn chặn nguy cơ bị ăn mòn. Đổi lại, các con ong bắp cày ký sinh sẽ được vỗ béo bằng trứng và sâu bướm.

Tuy nhiên, có vẻ thời gian tiến hóa chưa đủ lâu để cây mù tạt có thể phát triển nhiều loại chất hóa học đặc hiệu hơn với nhiều loài sâu ăn lá khác và cho bọ nhậy rau cải, mà mới chỉ biết gọi lính đánh thuê để đối phó với một số loại sâu bướm nhất định.

8. Loài cây tự tuyển vệ sỹ

Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đây lại là cuộc trao đổi hoàn hảo, đôi bên cùng có lợi.

Trong khi động vật có thể di chuyển, một số còn có thể dùng đuôi hoặc các cơ rung dưới da để xua đuổi côn trùng thì cây lại bị bất động. Điều này có nghĩa rằng sâu bọ và những ký sinh trùng sẽ tự do phá hoại cây. Tuy nhiên, một số loài cây lại không chịu số phận như vậy.

Loại cây keo là một trong số đó, không chỉ "thuê một vài vệ sỹ" mà nó thuê hẳn một đội quân kiến hùng hậu để tự bảo vệ khỏi sâu bọ. Tại sao lại nói là thuê? Bởi lẽ, thay vì trả công cho kiến, loài cây này lại bao trọn nơi ăn chốn ở sung túc hoàn toàn “miễn phí” cho chúng.

Không chỉ vậy, trong cây keo còn có chưa một loại chất độc gây nguy hiểm đối với các loài côn trùng nhưng không gây hại cho đội quân kiến, mà lại là một món ăn đầy dinh dưỡng.

9. Loài cây "tự sát" để duy trì giống nòi

Những người nông dân trồng điều đã vô tình phát hiện ra hiện tượng kỳ lạ này lần đầu tiên ở vùng Analalava, Madagascar, châu Phi. Đó là một loài cây cọ khổng lồ cao đến 18m rộng 5m, có khả năng kỳ lạ - "tự sát" sau khi sinh sản.

Không giống những loài cây khác, hoa trái nở nhiều lần trong nhiều năm, loài cây này sẽ hết mình để sinh sản, đến nỗi hy sinh cả tính mạng của nó. Bởi chúng dành quá nhiều năng lượng để thu hút côn trùng thụ phấn mà trở nên kiệt sức và chết sau khi ra quả.

Cập nhật: 22/02/2019 Tổng hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video