Những phương pháp chữa bệnh "lấy độc trị độc"

Điều trị bỏng bằng da cá rô phi, cho cá cắn chữa bệnh vảy nến, sử dụng giun sán giảm bệnh viêm ruột... là những phương pháp chữa bệnh kỳ lạ mà con người vẫn sử dụng.

Mặc dù công nghệ y học ngày càng phát triển, thế giới vẫn có nhiều phương pháp điều trị bệnh thủ công, "lấy độc trị độc", khá kỳ lạ.

Chữa bệnh vảy nến bằng cách cho cá cắn

Theo Dailymail, loại cá sử dụng cho phương pháp này là Garra Rufa - một loại cá sống và sinh sản trong các hồ thuộc hệ thống sông ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng còn được gọi với cái tên “cá bác sĩ”, có thân hình nhỏ bé, không răng, thích hợp để sử dụng như một liệu pháp dành cho spa. Garra Rufa thường ăn da chết của bệnh nhân.

Khi bạn nhúng chân xuống một bể nước, hàng trăm con cá nhỏ thi nhau rỉa các tế bào chết quanh chân. Liệu pháp này khá hữu ích với những người bị bệnh vảy nến, làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh.


"Cá bác sĩ" được sử dụng trong nhiều thế kỷ để chữa lành vết thương và điều trị các bệnh về da như vảy nến, eczema... (Ảnh: Dailymail).

Theo nhiều tài liệu ghi lại, những năm đầu thế kỷ XIV, có hai anh em người Thổ Nhĩ Kỳ rất thích tắm trong vùng suối nước nóng, và họ phát hiện một giống cá nhỏ chưa bao giờ thấy.

Sau khi tắm, cả hai đều nhận thấy triệu chứng bệnh beriberi (một căn bệnh hệ thần kinh) thuyên giảm và dần khỏi một cách kỳ diệu. Hai người nhận thấy sau khi tắm, số da chết ở bàn chân đã được cá rỉa và làm sạch từ bao giờ. Từ đó, việc sử dụng cá để xử lý, làm sạch nước nhanh chóng phổ biến khắp Thổ Nhĩ Kỳ rồi du nhập vào Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chữa viêm ruột bằng giun sán

Các nhà khoa học Mỹ đã thử nghiệm một phương pháp điều trị mới đem lại nhiều kết quả khả quan bằng cách sử dụng giun sán.

Sau khi thực hiện một số nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy ở lợn, những cá thể nhiễm giun ký sinh bị tiêu chảy ít hơn. Một bệnh nhân ở Mỹ bị viêm loét ruột nặng đã tình nguyện nuốt nhiều loại trứng ký sinh với mong muốn mình mau khỏi bệnh. Và kết quả ngoài mong đợi, tình trạng bệnh nhân thuyên giảm nhanh chóng, tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn phải tiến hành theo dõi diễn biến bệnh sau đó.

Theo Giáo sư Gerard Mullin, Giám đốc Dịch vụ dinh dưỡng tích hợp tại Đại học Johns Hopkins, giun sán có thể khiến bệnh tình thuyên giảm là do ruột tạo ra chuỗi phản ứng, dựa trên hệ thống miễn dịch ở người.

Khi nhiễm giun, ruột phản ứng bằng cách tiết thêm chất nhầy nhằm chống lại các vết loét do viêm nhiễm. Giáo sư Gerard cũng cho biết thêm chính thói quen tẩy giun định kỳ của con người đã góp phần khiến số lượng người mắc viêm ruột gia tăng.

Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu và sớm cho ra đời một loại nước uống chứa đến hàng ngàn trứng giun tóc của lợn nhằm phục vụ riêng cho những người bị viêm ruột. Người bệnh sẽ chỉ phải uống loại nước này hai lần trong vòng một tháng.

Chữa bỏng bằng da cá rô phi

Theo Yahoo, Maria Ines Candido da Silva, 36 tuổi, nhân viên phục vụ bàn tại nhà hàng Casa Velha, Russas, Brazil bị bỏng nặng ở vùng mặt, tay, chân và cổ khi bình gas phát nổ tại nơi làm việc.

Các bác sĩ điều trị cho Maria đã sử dụng da cá rô phi để đắp lên các vết bỏng thay cho thuốc mỡ và băng gạc truyền thống. Sau 11 ngày điều trị, phần lớn các lớp da cá ở cổ và mặt đã được gỡ bỏ, còn các vết bỏng sâu ở chân và tay thì cần nhiều thời gian điều trị hơn.


Các vết thương do bỏng của Maria Ines được điều trị bằng da cá rô phi. (Ảnh: Yahoo).

Phương pháp này do một nhóm các bác sĩ thuộc Viện Bỏng José Frota ở Fortaleza, Brazil nghiên cứu và phát triển. Loại cá được chọn thuộc chi Tilapia sống ở vùng nhiệt đới, phổ biến nhất ở châu Phi.

Da cá được nhóm nghiên cứu thu về sẽ được xử lý nghiêm ngặt trước khi đưa vào điều trị. Đầu tiên da cá được loại bỏ vảy, các mô thừa, khử mùi tanh, loại bỏ chất độc và các yếu tố có khả năng lây nhiễm bệnh. Sau đó, da cá sẽ được kéo giãn thành các khổ từ 10-20 cm và được lưu trữ tại một ngân hàng đông lạnh ở Sao Paulo trong vòng 2 năm.

Theo Tiến sĩ Edmar Maciel, đại diện nhóm nghiên cứu, kết quả phân tích cho thấy da cá rô phi chứa hàm lượng tối ưu collagen loại 1 và có độ ẩm cao, nên lâu bị khô. Da cá rô phi giúp giảm thiểu sự mất nước, huyết tương, cung cấp các protein cần thiết cho các vết thương và làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Đây là những đặc điểm quan trọng để đẩy nhanh quá trình chữa lành các vết bỏng trên cơ thể con người.

Dùng kiến để khâu vết thương

Thời xưa, trước khi phương pháp khâu vết thương ra đời, con người đã có ý tưởng cố định vết thương hở nhờ... kiến. Đây là loài kiến Siafu, sống tại vùng Đông, Trung Phi và một số vùng thuộc châu Á có thể giết chết bất kỳ loài vật nào, kể cả con người.


Kiến Siafu thường được những người đi thám hiểm rừng rậm sử dụng để khâu vết thương. (Ảnh: Imgur).

Kiến sẽ được đặt lên bề mặt vết thương và chỉ cần một chút kích thích, nó sẽ gắn chặt bộ hàm như hai gọng kìm, khiến vết thương khép miệng. Lúc này, bạn có thể ngắt phần thân kiến, để lại và giữ nguyên phần đầu giống như chỉ khâu, góp phần giúp vết thương nhanh liền và không bị nhiễm trùng.

Phương pháp này có thể không hiệu quả với vết thương lớn, nhưng đối với vết thương nhỏ thì rất hữu ích. Nó vẫn được sử dụng để sơ cứu ban đầu với những người hay đi thám hiểm rừng rậm.

Asen

Đây là yếu tố có thể gây ung thư cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể chữa khỏi bệnh. Asen, thường được tìm thấy trong tự nhiên, thuốc trừ sâu, các sản phẩm xây dựng, đã từng được sử dụng để điều trị y tế như bệnh giang mai trong nhiều thập kỷ trước. Nó là chất độc liều cao, nhưng cũng có thể điều trị một loại ung thư máu hiếm gặp gọi là bệnh bạch cầu cấp tính tiên phát.

Mao địa hoàng

Theo Mayo Clinic, đối với những người bị suy tim, digoxin có thể là loại thuốc cứu sinh giúp tăng cường tim, kiểm soát nhịp tim và cải thiện lưu thông. Nó cũng có nguồn gốc từ loại cây gây chết người đó là mao địa hoàng. Loài cây này được coi là độc vì lá của nó khi tiêu thụ có thể dẫn đến tụt huyết áp, nhịp tim không đều, đồng thời gây nhầm lẫn, trầm cảm, ảo giác, đau đầu, giảm thị lực, nôn mửa, tiêu chảy hoặc phát ban.

Nọc rắn hổ mang Ấn Độ

Rắn hổ mang Ấn Độ nằm trong số những loài rắn độc phổ biến nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng nọc độc của chúng có thể cung cấp giải pháp cho 350 triệu bệnh nhân viêm khớp trên thế giới. Các thí nghiệm trên chuột bị mắc bệnh viêm khớp cho thấy chỉ với liều nhỏ nọc rắn hổ mang đã giúp giảm sưng và cứng khớp triệt để. Điều này xảy ra là do nọc độc của loài rắn này ức chế sự phá vỡ collagen trong khớp dẫn đến tổn thương khớp. Từ ứng dụng thành công trên chuột, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để xem chúng có thể hoạt động như thế nào đối với con người.

Độc cần

Độc cần được xếp vào danh sách những loài thực vật độc nhất thế giới. Nó độc đến mức có thể gây chết người ngay cả khi con người ăn phải thịt con vật từng nuốt phải hạt cây này. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết một số thành phần của độc cần được sử dụng trong điều trị chứng động kinh, rối loạn tâm thần, ho gà... Nó cũng làm giảm cơn đau mọc răng ở trẻ em và các triệu chứng của người mắc bệnh Parkinson.

Cây thanh tùng

Theo Medical Daily, hạt, lá và vỏ cây thanh tùng rất độc hại đối với con người, có thể khiến người tử vong chỉ sau vài giờ ăn phải. Tuy nhiên, vỏ cây thanh tùng này lại chứa một thành phần được sử dụng ngăn chặn sự tiến triển của một số loại ung thư nhất định như ung thư vú và phổi.

Cây bạch anh

Cây bạch anh hay còn gọi là cây Deadly Nightshade (cái chết trong đêm), cây bạch anh gây ngộ độc khi bạn ăn phải quả, lá hoặc bộ phận nào đó của cây bạch anh. Biểu hiện sau khi ăn là nói lắp, ảo giác, nôn mửa hoặc tử vong... Tuy vậy, chiết xuất chất độc từ loài cây này lại được sử dụng để điều trị hen suyễn, bệnh gút, động kinh. Ngoài ra, nó còn có khả năng ngăn chặn xung đột thần kinh, nghĩa là điều chỉnh một số phản xạ cơ thể, như làm chậm nhịp tim trong khi phẫu thuật.

Cập nhật: 14/01/2019 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video