5 cách làm ấm sao Hỏa không cần bom hạt nhân

Các nhà khoa học cho rằng con người có nhiều cách làm sao Hỏa ấm lên để trở thành Trái Đất thứ hai, nơi con người có thể sống.

Gợi ý các phương pháp cải tạo sao Hỏa

Elon Musk, nhà sáng lập Tập đoàn Khai phá Công nghệ Không gian (SpaceX) hôm 10/9 tuyên bố cách nhanh nhất để biến sao Hỏa thành nơi có thể sinh sống được, là đánh bom nhiệt hạch vào hai cực hành tinh đỏ.

Một số nhà khoa học cho rằng tại thời điểm nào đó trong quá khứ, sao Hỏa từng là hành tinh tràn đầy sức sống và ấm áp gần giống như Trái Đất hiện nay. Hoạt động núi lửa đóng vai trò quan trọng trong sự tuần hoàn của khí quyển, và phần lõi nóng giúp nó duy trì từ trường, bảo vệ khỏi gió Mặt Trời. Tuy nhiên, sau đó phần lõi bị lạnh đi, tất cả từ trường biến mất, không khí trở nên loãng và toàn bộ sao Hỏa bắt đầu đóng băng.

Con người có thể tạo ra vụ nổ hạt nhân trên các cực của sao Hỏa để kích hoạt hiệu ứng nhà kính. Những quả bom sẽ giải phóng nhiệt, làm tan CO2 đông lạnh ở vùng cực, khiến bầu khí quyển mỏng manh của hành tinh đỏ ngay lập tức trở nên dày hơn. Khí CO2 hấp thụ năng lượng ánh sáng Mặt trời, làm nhiệt độ gia tăng. Băng CO2 tan chảy nhiều hơn, và quá trình trên tiếp tục được lặp lại.


Con người có thể cải tạo sao Hỏa, khiến nó trở nên ẩm ướt và ấm áp hơn. (Ảnh: NASA).

Tuy nhiên, theo MNN, không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng tình với phương pháp này để cải tạo sao Hỏa. Thứ nhất, hành động đó của con người sẽ làm thay đổi vĩnh viễn một phần lớn bề mặt sao Hỏa. Thứ hai, chúng ta có thể gây ra hiệu ứng hoàn toàn trái ngược với những gì mình mong muốn.

Michael Mann, giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái Đất thuộc Đại học Penn State, Mỹ, nói với US News rằng, vụ nổ bom hạt nhân ở các cực có thể tạo ra thời kỳ "mùa đông hạt nhân".

"Khi tạo ra quá nhiều bụi và hạt nhỏ, chúng sẽ ngăn chặn đáng kể lượng ánh sáng Mặt Trời chiếu đến, khiến hành tinh trở nên lạnh hơn", Michael Mann nói.

Vì vậy, nếu không tính đến biện pháp dùng vũ khí hạt nhân, chúng ra có thể dùng 5 cách sau để cải tạo hành tinh đỏ.

Gương bay theo quỹ đạo

Một trong những ý tưởng thường gặp là việc xây dựng hệ thống gương phản chiếu khổng lồ để phản xạ ánh sáng Mặt Trời tới hai cực của sao Hỏa. Điều này sẽ làm bốc hơi CO2 đang bị mắc kẹt và kích hoạt hiệu ứng nhà kính.

Hệ thống gương có kích thước khoảng 250km với diện tích lớn hơn hồ Michigan, Mỹ. Toàn bộ các gương phản xạ nặng hơn 200.000 tấn, nhiều khả năng được xây dựng trong không gian ở độ cao 215.000km so với bề mặt sao Hỏa. Đây thực sự là một nhiệm vụ khá khó khăn.

Điều hướng thiên thạch khổng lồ nhắm vào sao Hỏa

Nhiều người tin rằng, tiểu hành tinh và sao chổi đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành khí hậu ấm áp và ẩm ướt trên sao Hỏa thời kỳ trước. Nếu giả định chúng ta có thể tóm được và/hoặc dẫn đường cho những thiên thể khổng lồ này hướng tới quỹ đạo của sao Hỏa, để chúng tự đốt cháy trong bầu khí quyển, giải phóng một lượng lớn khí nhà kính vào khí quyển hành tinh.

Giống như vũ khí hạt nhân, chỉ cần vài ba tiểu hành tinh nặng 10 tỷ tấn - sức công phá bằng 70.000 quả bom hydro một megaton va chạm trực tiếp với sao Hỏa. Cứ mỗi thiên thạch như vậy đâm vào sẽ khiến nhiệt độ của hành tinh này đột ngột tăng lên khoảng 3 độ C.

Bao phủ vùng cực trong lớp bụi sẫm màu

Tương tự như việc chúng ta mặc quần áo đen khi trời lạnh để hấp thụ sức nóng của Mặt Trời, sao Hỏa cũng trở nên ấm hơn nếu vùng cực của nó bị bao phủ trong lớp bụi sẫm màu. Chúng ta có thể khai thác loại bụi này trên hai mặt trăng Phobos và Deimos của sao Hỏa (hai trong số các thiên thể sẫm màu nhất trong hệ Mặt Trời).

Trong những năm 1970, nhà thiên văn học Carl Sagan đề xuất ý tưởng bao phủ vùng cực bằng vật liệu tối (ví dụ carbon màu đen lấy từ tiểu hành tinh nghiền nhỏ) với độ dày một mm. Chúng phải được thay thế mỗi năm, do bão bụi thường xuyên xảy ra trên sao Hỏa. Sagan ước tính một tiểu hành tinh có kích thước 600 mét, nặng hơn 100 triệu tấn, là đủ để bao phủ các tảng băng.


Minh họa quá trình cải tạo sao Hỏa. (Ảnh: Daein Ballard /WikiMedia).

Sử dụng vi sinh vật

Trong khi môi trường trên hành tinh đỏ là "án tử hình" cho sự sống, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Chuyên sâu Quốc phòng (DARPA), Mỹ mới đây tiết lộ, họ đang thiết kế những "bản đồ gene" nhằm tạo ra dạng sống mới từ gene của nhiều vi sinh vật khác nhau. Công nghệ này tạo ra loại thực vật biến đổi gene, tảo và vi sinh vật khác có thể tồn tại, phát triển mạnh trên sao Hỏa, và thậm chí làm hành tinh này nóng lên.

"Lần đầu tiên, chúng tôi có bộ công cụ kỹ thuật không chỉ dùng để cải tạo những nơi không thân thiện trên Trái Đất, mà còn giúp con người tiến xa hơn vào không gian và ở lại đó", Alicia Jackson thuộc DARPA, tuyên bố hôm 24/6.

Đưa Cách mạng công nghiệp lên sao Hỏa

Trên Trái Đất, con người đang phải đối mặt với hiện tượng nóng lên toàn cầu do các nhà máy phát thải quá nhiều khí nhà kính. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm điều đó tương tự trên sao Hỏa được hay không. Chúng ta sẽ xây dựng các nhà máy chạy bằng năng lượng tái tạo trên hành tinh đỏ, với mục đích giải phóng khí CH4, CO2, CFC, hơi nước và nhiều loại khí nhà kính khác vào khí quyển.

Trong khi phương pháp trên phải mất hàng thế kỷ để khiến sao Hỏa nóng lên, con người sẽ có nhiều thời gian hơn để định cư trên hành tinh này và biến nó trở thành "Trái Đất mới" trong tương lai.

Dù các phương pháp trên được sử dụng riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, con người vẫn phải ra tìm cách kích hoạt lại phần lõi của sao Hỏa để tạo ra từ trường ổn định. May mắn là bất kỳ bầu khí quyển nhân tạo nào cũng phải mất nhiều nghìn năm mới bị gió Mặt Trời làm tiêu tan. Do đó, chúng ta có vô số thời gian để cải tạo sao Hỏa thành Trái Đất thứ hai.

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video