Khoảnh khắc 5 cầu vồng rực rỡ sắc màu chiếu sáng bầu trời bang New Jersey, Mỹ, lúc hoàng hôn lọt vào ống kính nhiếp ảnh gia.
Nhiếp ảnh gia John Entwistle bắt gặp 5 cầu vồng vắt qua nền trời khi đang chụp ảnh hoàng hôn ở New Jersey, Mỹ, theo Live Science. "Tôi có thể sai nhưng cảnh tượng đó chắc chắn trông giống 5 cầu vồng vào lúc hoàng hôn ở vùng ven biển Jersey Shore", Entwistle viết trên mạng xã hội Instagram hôm 18/9.
Cầu vồng liên tiếp xuất hiện lúc hoàng hôn. (Ảnh: John Entwistle).
Cầu vồng liên tiếp (supernumerary rainbow) kiểu này bao gồm một cầu vồng chính sáng nhất và nhìn rõ nhất, cùng với ít nhất hai cầu vồng phụ khác kém rực rỡ hơn. Trong trường hợp Entwistle nhìn thấy, 5 cầu vồng liên tiếp đều có thể quan sát rõ từ xa.
"Nhìn chung, cầu vồng liên tiếp khá phổ biến. Có nhiều ảnh chụp 2 - 3 cầu vồng liên tiếp", Gunther Können, nhà nghiên cứu khí hậu ở Viện khí tượng học hoàng gia Hà Lan, cho biết. "Nhưng sự hiện diện của 5 cầu vồng liên tiếp trong tự nhiên quả là đặc biệt".
"Cầu vồng liên tiếp thực sự dễ xuất hiện nhưng rất khó trông thấy những cầu vồng này bởi chúng không sáng và có xu hướng bị che khuất bởi màu sắc nổi trội của cầu vồng chính", Raymond Lee, giáo sư nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Hải quân Mỹ tại Annapolis, Maryland, chia sẻ.
Cầu vồng thông thường hình thành khi ánh sáng Mặt Trời chiếu qua giọt nước đặc hơn không khí xung quanh, khiến ánh sáng bị bẻ cong hoặc khúc xạ. Khi ở trong giọt nước, ánh sáng cũng phản chiếu ngược lại. Các bước sóng ánh sáng khác nhau bị bẻ cong ở mức độ khác nhau, xảy ra ở nhiều giọt nước cực nhỏ, tạo nên cầu vồng.
Cầu vồng liên tiếp xảy ra do ánh sáng lan tỏa và triệt tiêu lẫn nhau khi tiếp xúc với không khí. Loại cầu vồng này cũng dễ nhìn rõ hơn do những giọt nước tương đối đồng nhất về hình dạng. "Cầu vồng liên tiếp xuất hiện theo hình nón, có nghĩa khoảng cách giữa các cầu vồng nhỏ dần từ đỉnh tới gần đường chân trời", Können giải thích.