6 kiêng kỵ sai lầm của người bị ung thư

Bệnh nhân ung thư không ăn đường, đậu nành mà thay bằng mật ong... là sai lầm.

Các chuyên gia của Trung tâm ung thư Parkway, Singapore, cho rằng sự hiểu biết đúng đắn về nhu cầu dinh dưỡng và ăn uống khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống ung thư. Trên thực tế bệnh nhân bị ung thư thường lên các diễn đàn mạng tìm hiểu hoặc nghe theo bạn bè, người thân khuyên nên kiêng một số thực phẩm nhất định hoặc bổ sung thực phẩm chức năng. Những nguồn thông tin này đôi khi mâu thuẫn với nhau và gây nhầm lẫn, khó hiểu hoặc hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Các bác sĩ đúc kết 6 quan điểm sai lầm phổ biến về chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư như sau:

Không được ăn đường

Một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể là carbohydrate, đây cũng là nguồn năng lượng duy nhất của não. Carbohydrate được chuyển hóa thành đường đơn trong quá trình tiêu hóa, đây là chất dinh dưỡng đơn giản nhất mà tế bào hấp thu được.

Carbohydrate có trong các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày như trái cây, chế phẩm từ sữa, gạo, các loại mì, bánh quy, thực phẩm từ đậu, rau củ có tinh bột như khoai tây, bắp, bột sắn và hầu hết các loại nước uống, món tráng miệng ngọt.

Các bác sĩ khuyên bệnh nhân ung thư không cần kiêng đường hoàn toàn. Tuy nhiên cũng không khuyến khích tiêu thụ nhiều đường vì chúng không có giá trị dinh dưỡng nào khác ngoài cung cấp calo. Tiêu thụ đường đơn quá mức còn làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn so với khi hấp thụ carbohydrate từ thực phẩm. Khi lượng đường trong máu cao, tuyến tụy sẽ tạo ra insulin để chuyển hóa đường dẫn đến hội chứng thừa insulin trong máu, hoặc khi cơ thể sản xuất quá mức insulin cũng gây ra phản ứng viêm, làm tăng nguy cơ ung thư.


Bệnh nhân ung thư không cần kiêng đường hoàn toàn. (Ảnh minh họa: Faiza Alam).

Không ăn sữa và thực phẩm chế biến từ sữa

Hormone tăng trưởng tái tổ hợp bò (rbGH) là một loại hormone bò tổng hợp được tiêm vào bò sữa để chúng lớn nhanh và cho nhiều sữa hơn. Hormone này không có hại nhưng nhiều ý kiến lo ngại chúng có thể làm tăng nồng độ các hóa chất trong cơ thể và dẫn đến ung thư.

Đến nay chưa có bằng chứng nào chứng minh về nhận định trên, song nhiều nước như Nhật, Canada, Australia, New Zealand và liên minh châu Âu đã cấm sử dụng hormone rbGH. Trong khi đó, Cục quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ vẫn tán thành sử dụng rbGH trong giới hạn không gây hại về mặt sinh học cho cơ thể người. Các chuyên gia ung thư cũng không khuyên bệnh nhân từ bỏ hoàn toàn sữa bò và các chế phẩm từ sữa.

Nên ăn mật ong thay đường

Mật ong được cấu tạo bởi đường fructose (khoảng 38%), đường glucose (31%), nước (17%) và carbohydrate là maltose (đường mạch nha), sucrose (đường ăn) và vài carbohydrate phức tạp khác. Loại thực phẩm này chỉ chứa lượng nhỏ vitamin và khoáng chất như vitamin C, sắt, canxi, phot phat...

Mật ong rất tốt vì có tính kháng khuẩn, chống nấm và là chống oxy hóa. Tuy nhiên, các bệnh nhân đang hóa trị, xạ trị hoặc trong quá trình cấy ghép tế bào gốc mà sử dụng mật ong sẽ không an toàn. Bởi hầu hết mật ong hiện nay không qua tiệt trùng, nó có thể chứa phấn hoa và vi khuẩn, là nguyên nhân gây ra dị ứng và nhiễm trùng. Bạn có thể mua mật ong tiệt trùng để dùng nhưng nó có nhược điểm là không giữ được các dưỡng chất nguyên thủy vì enzyme hoạt tính đã bị phá hủy dưới nhiệt độ cao trong quá trình tiệt trùng.

Không được ăn thịt đỏ

Các loại thịt đỏ cung cấp lượng dưỡng chất không có ở thịt trắng như sắt, kẽm và vitamin B12. Những chất dinh dưỡng này rất cần thiết cho việc tạo hồng cầu và haemoglobin. Bổ sung thịt đỏ một đến hai lần mỗi tuần sẽ giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Dù vậy, không ăn thịt đỏ thường xuyên hoặc tiêu thụ loại có nhiều mỡ vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và ung thư.

Bệnh nhân ung thư vú kiêng ăn đậu nành

Isoflavones là dưỡng chất thực vật được tìm thấy rất nhiều trong đậu nành, hay còn gọi là phyto-estrogen. Đây là loại estrogen thực vật đóng vai trò như estrogen trong cơ thể người. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy phyto-estrogen trong đậu nành không gây ra phản ứng tiêu cực đối với các bệnh nhân ung thư vú. Vì vậy, bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân ung thư nên ăn đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành.

Không bồi dưỡng quá mức

Nhiều người cho rằng, bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... còn sau đó chỉ nên ăn gạo lứt, muối vừng để không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần. Nhiều người còn không uống sữa, ăn thịt, trứng mà chỉ ăn chay... Sai lầm này khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, rút ngắn thời gian sống đồng thời làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong.

Theo các bác sĩ, chế độ ăn uống cần đầy đủ và cân đối gồm rau, hoa quả, sữa chua, tránh thực phẩm giàu đạm, đường, lipid, kiêng đồ cay, nóng, chất kích thích trước, trong và sau quá trình điều trị. Nhờ vậy người bệnh nâng cao thể lực, đủ sức theo hết liệu trình điều trị và giảm tác dụng phụ không mong muốn.

Cập nhật: 11/05/2019 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video