5 nguyên nhân khiến lũ quét, sạt lở tàn phá miền núi phía Bắc

Theo chuyên gia, yếu tố địa hình, độ dốc, địa chất, ảnh hưởng biến đổi khí hậu với những đợt mưa lớn sau bão là nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở tại các tỉnh vùng núi.

Hơn một tuần sau bão Yagi và hoàn lưu bão gây mưa lũ, sạt lở đất khiến nhiều địa phương phía Bắc bị thiệt hại nặng nề, trong đó 292 người chết, 38 mất tích 1.908 bị thương. Lào Cai là tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất, 118 người chết và 50 người mất tích. Riêng trận sạt lở, lũ quét tại Làng Nủ, huyện Bảo Yên sáng 10/9 đã san phẳng 33 nóc nhà khiến 52 người chết và còn 14 người mất tích. Một số tỉnh vùng núi Tây Bắc cũng trở thành "điểm nóng" hứng chịu lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng như Yên Bái, Cao Bằng.

PGS.TS Trần Lê Lựu, điều phối viên Chương trình thạc sĩ Công nghệ, Tái sử dụng và quản lý nước (trường Đại học Việt Đức) có nhiều nguyên nhân gây ra lũ quét nhưng chủ yếu do mưa nhiều và tích tụ nước trên đỉnh đồi núi có nền địa chất yếu sau các trận mưa lớn và dài. Khi ngậm nhiều nước, liên kết trong đất trên các đồi núi trọc trở nên lỏng lẻo, bị tơi ra, gây ra sạt lở và lũ quét.

Theo PGS Lựu, có nhiều yếu tố quyết định mức độ nguy hiểm của lũ quét như: địa hình dốc cao, nền địa chất yếu, đứt gãy hay thiếu các mảng thực vật và cây rừng lớn để giữ đất. Tuy nhiên nguy hiểm nhất vẫn là lượng mưa nhiều trên núi thoát xuống dưới không kịp, bị tích tụ, vỡ ra và gây lũ quét. Hiện tượng này cũng giống như việc vỡ hồ chứa nước và đất trên đỉnh đồi.

"Lũ quét tại khu vực núi cao và độ dốc lớn thường nặng nề hơn do khối lượng đất đá bị sạt trượt xuống nhiều cùng với lượng nước lớn bị tích tụ", theo ông Lựu. Khi trọng lực lớn của nước tác động lên một sườn dốc vượt quá lực cản sẽ xảy ra trượt lở. Do đó quá trình thường sẽ diễn biến nhanh, bất ngờ, người dân không kịp chuẩn bị ứng phó và sơ tán.


Cơ chế hình thành và vận động của lũ quét. (Ảnh: NVCC).

ThS Thái Bá Ngọc, chuyên gia về địa chất môi trường, Đại học Quốc gia TP HCM cho hay, lũ quét hay sạt lở đều thuộc về loại tai biến địa chất có nguồn gốc ngoại sinh.

Lũ quét thường xảy ra tại các địa hình dốc như chân đồi núi hoặc địa hình thung lũng. Hiện tượng nguy hiểm này cũng xuất hiện ở vùng địa hình có mật độ che phủ thực vật thấp, dẫn đến bề mặt lớp đất không ổn định. Lũ quét xảy ra khi xuất hiện cả 2 yếu tố đồng thời, gồm đất đá bở rời kém gắn kết trên đường đi của dòng chảy và xuất hiện dòng chảy với tốc độ đủ lớn để cuốn theo.


Hiện trường vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, ngày 12/9. (Ảnh: Ngọc Thành).

Còn hiện tượng sạt lở đấthậu quả của sự xuất hiện các chấn động địa chất tự nhiên, do hiện tượng phong hóa, hoặc thay đổi độ ẩm trong đất, dịch chuyển của kết cấu bảo vệ của phần chân của mái dốc. Kết quả của những chấn động tự nhiên làm mất liên kết của đất, đá trên sườn đồi và núi ở vùng có địa hình dốc lớn, địa chất yếu có độ rỗng lớn, vùng đất pha cát/đá và vùng rừng thưa. Nó cũng có thể do ở địa hình đồi núi cao, dốc lớn, xây dựng công trình thiếu nghiên cứu các yếu tố địa chất. Ví dụ quá trình sản xuất lúa nước một vụ ở ruộng bậc thang, nước ngấm sâu vào lòng đất làm đất tơi xốp, khi trổ nước vào ruộng làm cho đất mềm. Nắng nóng kéo dài gây ra nứt đất, khi có mưa to sẽ tạo thành đường trượt gây sụt đất hay sạt lở đất, đá trượt nhanh từ sườn dốc, mái dốc xuống gây ra sạt cả mảng đồi trượt xa hàng km.

Theo ông Ngọc lượng mưa thường là nguyên nhân ban đầu dẫn đến tai biến địa chất. Sau một đợt mưa kéo dài, đất đá ở sườn núi sạt lở xuống lòng suối, dồn ứ lại, tạo thành đập tự nhiên, thành hồ trên núi dẫn tới đất đá ở đáy và vách hồ bị ngâm nước dài ngày. Khi tiếp tục có mưa dài, lượng nước tích tụ ngày càng nhiều gây vỡ đập, tạo dòng lũ với hỗn hợp nước, bùn, đá và cây cối chảy siết phá hủy tất cả những vật cản trên đường đi của dòng lũ. Khi gặp địa hình bằng phẳng hơn lòng dẫn mở rộng vận tốc, dòng chảy suy giảm, vật liệu đất đá sẽ tích đọng lại bao phủ lên toàn khu vực.

Song ông cho hay mặc dù yếu tố kích hoạt trượt lở đất đá là mưa lớn, việc có xảy ra sạt lở đất hay không còn tùy thuộc vào tính chất địa hình, độ dốc, địa chất ở nơi khác nhau. Điều này cũng lý giải nguyên nhân các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng hứng chịu lũ quét, sạt lở hàng loạt.

ThS Ngọc cho biết, về mặt địa chất, phần lớn diện tích khu vực miền núi phía Bắc được cấu tạo bởi các loại đá cổ bị phong hóa mạnh. Lớp vỏ phong hóa như đất đạt độ sâu từ 15 - 30 m. Trong lớp vỏ này thường chứa các khoáng vật sét (nhất là monmorilonit) thay đổi đặc tính rất mạnh, đặc biệt là trương nở rất lớn khi có nước, quyết định đặc tính dễ biến dạng và tan rã của loại đất này.

Đặc biệt, khi miền Bắc chịu một đợt nắng nóng kéo dài (từ tháng 4 đến tháng 7), cấu trúc của đất đã bị phá hủy đáng kể. Tiếp theo, các đợt mưa dài ngày liên tiếp của tháng 8 và đầu tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến cấu trúc của đất vốn đã bị suy yếu gặp nước dễ dàng bão hòa và chảy nhão như bùn. "Các mái dốc ở miền núi trong điều kiện tự nhiên vốn ổn định song khi gặp các điều kiện bất lợi, độ bền của đất suy giảm và sụp đổ vùi lấp mọi thứ ở dưới chân mái dốc", ông nói. Khi mái dốc cao, thể tích khối đất lớn bị sụp đổ gây hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng chính là nguyên nhân gây lũ quét tại Làng Nủ.

Theo ThS Ngọc, tùy thuộc vào độ dài quãng đường và độ dốc địa hình mà nó trượt qua, mức độ tàn phá của lũ quét sẽ càng lớn. Khi dòng chảy của lũ quét gặp vật cản lớn như đê, đập của các công trình, khối lượng nước khổng lồ sẽ có hiện tượng dội lại, gộp với khối lượng nước đang tiếp tục chảy xiết tới, tạo ra các tình huống như xuất hiện xoáy nước với tốc độ kinh hoàng nhấn chìm mọi vật thể.

Bên cạnh đó chuyên gia đánh giá sự chuyển pha từ El Nino sang La Nina khiến thời tiết phức tạp, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến La Nina có yếu tố dị thường, tác động mạnh hơn khiến mưa lớn lũ lụt, sạt lở xảy ra nghiêm trọng và kéo dài. Ngoài ra tại các sông hoặc sườn dốc có độ dốc cao và các mái dốc chịu tác động của hoạt động của con người như phá rừng và cắt xẻ dốc có khuynh hướng phổ biến xảy ra tai biến địa chất, ông Ngọc nói.


Lũ quét tại thôn Làng Nủ san phẳng mọi thứ. (Ảnh: Ngọc Thành).

Ông Thái Bá Ngọc nói thêm, việc phòng chống các loại hình tai biến địa chất như lũ quét, sạt lở đất là một vấn đề khó, bởi địa hình các khu vực này rất rộng với đồi núi có độ dốc cao, không thể xây dựng đủ các công trình để ứng phó.

Theo đó ở vùng đồi núi cần phải khoanh vùng, xác định nơi có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Với ngành địa chất, các địa phương phải xác định trọng tâm trên địa bàn một tỉnh, chỗ nào nguy cơ cao để theo dõi, cảnh báo cho người dân. Cần nghiên cứu, phân tích và xác định sự phân bố không gian của các dạng địa hình, phân loại độ dốc và các quá trình địa mạo để rõ nguyên nhân chủ đạo gây ra từng loại tai biến, từ đó làm cơ sở cho việc phân vùng dự báo tiềm năng gây tai biến.

Ông Ngọc đề xuất thời gian tới cần xây dựng hệ thống quan trắc đủ bao phủ các điểm để cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cũng như hệ thống công trình đập ngăn bùn đá và công trình phụ trợ. Để thực hiện các giải pháp quan trắc, cần có nghiên cứu tiền khả thi như khảo sát kỹ đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn, công trình, làm rõ có đứt gãy hoạt động hay không và mô hình hóa, dự báo khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Với công trình tại vùng có nguy cơ sạt lở cao, cần thực hiện xẻ rãnh thoát nước trên các mạch nước chảy ra từ chân núi ra đường giao thông. Đồng thời tạo nhiều bậc dọc sườn - ta luy đường để thiết kế phù hợp.

Về lâu dài, PGS Trần Lê Lựu cho rằng cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quy hoạch nhà ở lưng chừng núi và thung lũng. Không xây dựng nhà cửa ở sát các triền núi đề phòng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Cần trồng rừng phủ kín đồi núi trọc. Lắp đặt các rọ đá, lưới sắt ở các lưng chừng núi để chống sạt trượt và rửa trôi đất. Trước mỗi mùa mưa bão, các cơ quan chuyên môn cần làm khảo sát, đánh giá khả năng lũ quét tại khu vực mình đang ở và có kế hoạch chuẩn bị diễn tập, sơ tán khi cần thiết.

Đề cập vấn đề lũ quét Làng Nủ (Lào Cai), PGS Lựu nói sau khi tái định cư cho dân, nhà chức trách cần đánh giá khả năng tiếp tục bị sạt lở ở khu vực này để đưa ra phương án sử dụng đất phù hợp. Ông cho rằng cần có các chương trình bảo vệ môi trường, dự báo, kế hoạch diễn tập để giúp người dân ứng phó nhanh với các sự số thiên tai có thể sớm xảy ra.

Cập nhật: 17/09/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video