Không thể phủ nhận công nghệ đang đổi thay cuộc sống của chúng ta qua từng ngày, nhưng bạn có nhận ra sự đóng góp thầm lặng của chúng không?
Công nghệ thay đổi cuộc sống thường nhật của chúng ta một cách chóng mặt. Chỉ tính riêng một thập niên gần đây nhất, công nghệ đã khiến việc sinh hoạt bình thường của chúng ta trở nên khác đi qua từng ngày. Công nghệ không chỉ giúp chúng ta tiếp cận thông tin nhiều hơn và dễ dàng hơn, mà còn tạo nên những khái niệm chưa từng xuất hiện trong quá khứ.
Ở cấp độ quy mô lớn, công nghệ giúp loài người khám phá vô số những điều mới lạ ở khắp các lĩnh vực. Con người đã dần mở rộng chân trời hiểu biết đến xa hơn, trong vũ trụ, dưới đáy đại dương, ngược dòng lịch sử, hay thậm chí là sâu vào bên trong cơ thể của chính con người.
Vậy công nghệ còn giúp chúng ta có được những tiện nghi nào nữa? Hãy cùng điểm qua những cách mà công nghệ thay đổi thế giới trong tương lai gần. Cũng xem thử óc tưởng tượng của chúng ta phong phú đến thế nào nhé.
1. Trí tuệ nhân tạo và Robot
Trí tuệ nhân tạo (AI) càng ngày càng thông minh hơn, chúng có thể hoàn thành được nhiều công việc phức tạp và thậm chí là làm tốt hơn cả con người. Không thể đếm xuể và không hề cường điệu, nhưng rõ ràng trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi mọi ngành công nghiệp trên hành tinh này, từ y học sang nông nghiệp, từ công nghiệp nhẹ sang các ngành trọng tâm.
Trong khi AI là một bộ não giúp phán đoán và xử lý công việc, thì robot chính là thân thể được tạo ra để giúp bộ óc đó hoạt động thực tế hơn. Robot với các cánh tay cơ khí, sẽ giải quyết hàng tấn công việc vốn dành cho hàng ngàn nhân công hay ở những nơi nguy hiểm mà con người không thể đánh đổi sức khỏe để làm.
Hãy cùng điểm sơ qua những điều kì diệu mà AI có thể thực hiện. Có lẽ bạn sẽ bất ngờ nhưng trí tuệ nhân tạo giờ đây đã có thể chẩn đoán bệnh và đưa ra cách điều trị một cách chính xác, chúng được học một khối lượng dữ liệu lớn về các căn bệnh rồi đưa ra phán đoán nhanh và đúng hơn so với bác sĩ con người.
Trí tuệ nhân tạo khi được nạp vào hàng ngàn gương mặt, chúng sẽ nhận biết được từng người dù cho có quan sát ở những góc mặt khác nhau. Điều này được ứng dụng thực tiễn cho công tác nhân sự hay phòng chống tội phạm. AI cũng biết quan sát thời tiết và căn chỉnh điều kiện lý tưởng cho các nông trại hiện đại.
2. Công nghệ In 3D
In 3D ban đầu là công nghệ được sử dụng để in linh kiện, bộ phận phục vụ cho ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng dần dần nó được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau và đóng góp vai trò to lớn trong cuộc sống của chúng ta.
Đối với nhiều người, in 3D có lẽ vẫn còn là thứ gì đó lạ lẫm, nhưng các tập đoàn lớn trên thế giới đã áp dụng công nghệ này cho các sản phẩm của mình nhằm giúp giảm giá thành và đạt được hiệu quả cao hơn.
Adidas và Nike đã cho ra mắt những mẫu giày in 3D, chúng sử dụng vật liệu siêu nhẹ và bền giúp tạo ra những đôi giày tân tiến. Công ty Aprecia Pharmaceuticals thậm chí đã in ra các cơ quan nội tạng người bằng công nghệ này. Trong khi đó, NASA cho biết sẽ tiến hành in 3D để xây nhà trên Sao Hỏa cho các du hành gia đến ở tại hành tinh đỏ trong tương lai.
Công ty ICON với sứ mệnh “Thay đổi cách mọi người sống” đã bắt đầu “in” những ngôi nhà bằng công nghệ in 3D và thậm chí là tạo ra một cộng đồng nhà in 3D tại Levitton.
Năm 2018, ICON đã xây căn nhà đầu tiên tại Austin, Texas, công ty này đã mất rất nhiều thời gian để lên ý tưởng, vẽ bản thiết kế, thu hút sự đầu tư và sự chú ý của báo giới. Giờ đây, những ngôi nhà chắc chắn được xây dựng chỉ trong một vài ngày và với giá chỉ 4.000 USD.
3. Xe tự lái
Bạn hãy sẵn sàng tâm lý và đừng sốc khi biết rằng chỉ trong khoảng 10 năm tới, những chiếc xe hơi không có tài xế sẽ chạy rong ruổi khắp phố phường. Uber và Tesla không phải là những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp chế tạo xe hơi tự lái, nhưng họ chính là những gã khổng lồ ngành vận tải thúc đẩy sự phát triển của công nghệ này.
Những chiếc xe tự lái có thể khiến chuyến đi của bạn trở nên nhàm chán và mất đi cơ hội tán tỉnh bác tài, nhưng đổi lại, chúng ta sẽ trống thêm một chỗ ngồi giúp việc vận chuyển hàng hóa, chuyển cấp cứu bệnh nhân trở nên thuận tiện hơn.
Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xe hơi tự lái không chỉ tự khởi động và lướt bánh xe trên đường, mà nó còn biết đường tình hình giao thông hiện tại để đưa ra lối đi thích hợp, cũng như ngừng xe đúng thời điểm để tránh xảy ra tai nạn giao thông.
4. Công nghệ thực tế ảo (AR/VR)
Sự phát triển của kỹ xảo và đồ họa giúp game và điện ảnh ngày nay trở nên chân thật hơn bao giờ hết. Nhưng không chỉ ngừng lại ở việc xem bằng mắt từ màn hình, công nghệ thực tế ảo giúp người dùng có được những trải nghiệm thật hơn nữa bằng cách nhập vai vào chính trò chơi hay bộ phim đó.
Nhưng vượt xa hơn nhu cầu giải trí, công nghệ thực tế ảo đang giúp đào tạo các y bác sĩ thành thục hơn trong việc phẫu thuật, kiến trúc sư có thể quan sát được cận cảnh các công trình kiến trúc, giúp cắt giảm rất nhiều chi phí so với cách đi thực tế trước đây.
5. Máy bay không người lái (Drone)
Từ những cậu bé tinh nghịch cho đến quân đội chuyên nghiệp, drone dần trở nên một thứ đồ dùng không thể thiếu và phục vụ rất nhiều cho sinh hoạt thường ngày của chúng ta.
Ở quy mô dân dụng, drone giúp vận chuyển hàng hóa nhanh chóng vì tránh được kẹt xe ở đường bộ, quản lý nhà cửa và tài sản khi quan sát được từ trên cao, chụp ảnh thành phố ở góc ảnh chưa ai nhìn thấy được.
Ở cấp độ lớn hơn, drone giúp cứu hộ và viện trợ nhân đạo khi thiên tai xảy ra, cũng như chụp ảnh những khu vực thiên nhiên bị đe dọa nguy hại, giúp các nhà khoa học kịp thời đưa ra phương án.
6. Công nghệ blockchain
Blockchain là công nghệ lưu trữ thông tin thế hệ mới có độ bảo mật rất cao. Thông tin được lưu trữ trong từng khối (block) đơn lẻ và được liên kết với nhau thành chuỗi (chain). Chuỗi liên kết của các khối này không thể sửa đổi và không thể đánh cắp thông tin mà không bị phát hiện.
Nhờ tính bảo mật cực kỳ cao, công nghệ này hứa hẹn sẽ được áp dụng cho mục đích lưu trữ các tài liệu quan trọng hay xử lý các giao dịch tài chính có giá trị lớn. Trong các năm gần đây, blockchain được ứng dụng cho Bitcoin - một loại tiền ảo đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng công nghệ.
7. Big Data và các ứng dụng
Trí tuệ nhân tạo muốn phát huy công năng phải cần nạp vào một khối lượng dữ liệu siêu lớn, từ cơ sở dữ liệu này chúng sẽ tổng hợp và phân tích để đưa ra kết luận cho các tình huống. Hàng tấn dữ liệu này được tập hợp lại và được gọi là Big Data.
Big Data giúp giải quyết vấn đề ở quy mô rộng lớn, như cả một thành phố hay thậm chí là một đất nước. AI sẽ phân tích và sử dụng thuật toán để giải quyết hàng loạt vấn đề với độ chính xác cực kỳ cao. Công nghệ này kỳ vọng sẽ tạo nên thành phố thông minh và chính quyền điện tử trong tương lai.