Nghe nhạc trong lúc chơi thể thao không những giúp bạn tăng hứng thú khi tập luyện mà còn cải thiện đáng kể thành tích. Tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khác nhau về tác dụng của âm nhạc đối với việc vận động, chuyên trang sức khỏe của báo Huffington Post (Mỹ) đã giới thiệu 7 lý do bạn nên vừa nghe nhạc vừa tập thể dục như sau:
>>> Những điều cần thay đổi khi tập thể dục trong mùa thu đông
1. Âm nhạc phân tán cảm giác cực nhọc
Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng, ngoài phân tán sự chú ý thì nghe nhạc khi luyện tập giúp người tham gia cảm thấy không quá ráng sức. Báo Anh The Guardian cho biết biện pháp "đánh lạc hướng" mệt nhọc bằng âm nhạc có thể tăng thành tích luyện tập lên 15%. Còn trang sức khỏe WebMD của Mỹ thì khẳng định nhịp điệu âm nhạc càng nhanh, hiệu quả tập luyện càng cao, bởi những giai điệu vui tươi cung cấp nhiều thông tin cho não xử lý, nên đầu óc chúng ta bị phân tán khỏi những cơn đau (chẳng hạn như xóc hông) khi vận động.
2. Tiết tấu nhanh giúp gia tăng cường độ vận động
Một nghiên cứu năm 2010 phát hiện người đi xe đạp khi nghe nhạc có nhịp điệu nhanh thường đạp mạnh hơn so với khi nghe nhạc có nhịp điệu chậm. Theo đó, những bản nhạc có nhịp độ 120-140 nhịp/phút mang lại hiệu quả tối ưu đối cho những người tập các môn thể dục có cường độ vừa phải như đi bộ hay đi xe đạp…
Ảnh: ojopelao.com
3. Bài hát khơi gợi ký ức tạo động lực tập luyện
Rõ ràng mỗi người chúng ta đều có một bài hát có thể khiến bản thân rơi vào "vùng ký ức" khi nghe nó và khoa học đã chứng minh mối liên hệ này. Theo đó, chúng ta có xu hướng liên tưởng từng bài hát với những ký ức nhất định, thường là bối cảnh nơi chúng ta nghe nó lần đầu tiên. Vì vậy, việc tập trung nhớ về kỷ niệm (hoặc ngay cả cảm xúc của ca sĩ) cũng giúp tăng cường tác dụng động viên của bài hát, thành tích luyện tập nhờ vậy cũng cải thiện.
4. Nhịp điệu đều đặn giúp duy trì tốc độ vận động
Nhịp điệu âm nhạc mà bạn nghe khi luyện tập có thể kích thích khu vực điều khiển vận động trong não, do đó nó cũng hỗ trợ cho các bài tập có tính chất nhịp nhàng như chạy bộ hoặc cử tạ. Về nguyên tắc, việc theo dõi nhịp điệu đều đặn của bài hát giúp cơ thể sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, vì duy trì tốc độ ổn định khi tập luyện dễ dàng cho cơ thể hơn là thay đổi thất thường.
5. Âm nhạc làm tâm trạng phấn chấn khi tập
Một phân tích hồi tháng 8-2013 cho thấy chúng ta thường nghe nhạc như một cách để thay đổi tâm trạng và hiểu được chính mình. Những người tham gia thử nghiệm cho biết nghe nhạc cho phép họ suy nghĩ về bản thân hoặc thoát khỏi thực tại. Dù một giờ trước đó xảy ra chuyện gì thì âm nhạc cũng giúp bạn thoát khỏi tâm trạng tiêu cực và tiếp thêm năng lượng để luyện tập.
6. Giai điệu mạnh kích thích chuyển động
Các nhà nghiên cứu phát hiện những bản nhạc có cường độ nhanh và mạnh sẽ khiến não bộ cảm thấy hào hứng và thúc đẩy người nghe chuyển động. Nói một cách đơn giản, nếu danh mục bài hát của bạn đủ khả năng làm bạn lắc lư theo (chẳng hạn như nhạc sàn), việc luyện tập đối với bạn không thành vấn đề.
Ảnh: clementinaramos.com
7. Giải pháp hoàn hảo: Vừa tập luyện vừa "sáng tác" nhạc
Theo một nghiên cứu vừa công bố trong Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, mối quan hệ giữa âm nhạc và nỗ lực tập luyện có lẽ phức tạp hơn chúng ta từng nghĩ. Tiến sĩ Tom Fritz, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nghe nhạc giúp xua tan cảm giác đau đớn và kiệt sức, nhưng quá trình sáng tạo và điều khiển tiếng nhạc cùng lúc với hoạt động rèn luyện còn có tác dụng lớn hơn, đó là cải thiện đáng kể chất lượng vận động.
Trong nghiên cứu, những người tham gia tập luyện trên máy chạy bộ được thiết kế với khả năng thay đổi giai điệu âm thanh mà họ đang nghe dựa trên tốc độ chạy của chính họ. Điều đó cho phép người chạy bộ điều chỉnh tốc độ bài hát nhanh hay chậm tùy vào tốc độ chạy của họ. Thử nghiệm cho thấy so với người chỉ nghe nhạc khi tập luyện, những người vừa chạy bộ vừa "sáng tác" nhạc cho biết cảm giác của họ giống như chưa từng tập luyện vất vả. Các số đo về lượng khí ôxy hít vào và tình trạng căng cơ cũng chứng tỏ những người kiểm soát âm nhạc sử dụng năng lượng ít hơn nhóm đối chứng.
Theo Tiến sĩ Fritz, nghiên cứu này ghi nhận một nguyên lý chưa từng được biết đến: "sáng tác nhạc trong khi vận động làm cho hoạt động thể chất ít mệt hơn".