Kiến thức thay đổi theo thời gian, chỉ có sự thật là luôn trường tồn. Và trong lịch sử, có những sự thật đã ở đó bấy lâu nay mà chúng ta vẫn chẳng hề hay biết.
Thậm chí cả đến khi khoa học tìm ra và chứng minh rồi, cũng không nhiều người nắm được. Và dưới đây chính là một số sự thật như thế, được tổng hợp từ một số phóng sự do National Geographic thực hiện.
1. Đỉnh của một kim tự tháp trông như thế nào?
Ai Cập hiện tại có hơn 100 kim tự tháp lớn nhỏ đã được phát hiện. Trong đó, lớn nhất là Đại Kim tự tháp Giza - lăng mộ của pharaoh Khufu. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi đỉnh của kim tự tháp trông như thế nào chưa? Nếu thắc mắc thì đáp án chính là tảng đá trong hình trên.
Các đỉnh kim tự tháp thường có một tảng đá được gọi là "Benben". Trên Benben có khắc một số họa tiết, thường là ký tự Ai Cập cổ đại diện cho luân hồi và cầu nguyện cho linh hồn của nhà vua.
2. Cho một con chim hoàng yến ăn ớt, nó sẽ chuyển thành màu đỏ cam
Ai cũng nghĩ rằng chim hoàng yến thì phải có màu vàng - giống như cái tên của nó vậy. Nhưng không nhé! Cơ thể của chim hoàng yến có những sắc tố tập trung ở vùng cánh, cho khả năng thay đổi màu sắc tùy thuộc vào môi trường và khẩu phần ăn.
Một con hoàng yến tiếp xúc nhiều với ánh nắng sẽ có bộ lông màu vàng óng. Nhưng nếu bạn cho nó ăn nhiều ớt, bộ lông ấy lại chuyển dần thành màu đỏ cam.
Và yên tâm đi, ớt dù cay nhưng không có hại cho loài chim này. Trái lại, đó còn là nguồn cung vitamin cực kỳ bổ dưỡng nữa.
3. Có những vùng biển mặt nước kẻ ô vuông như Photoshop
Trên thực tế, hiện tượng này không hề bí ẩn, cũng không quá hiếm, chỉ là chúng ta không biết thôi. Đó là khu vực biển giao nhau - cross sea, xảy ra khi 2 hệ sóng biển di chuyển hướng về nhau theo góc xiên. Và nếu góc xiên ấy gần với 90 độ, chúng ta sẽ có những ô biển vuông chằn chặn như thế này.
Thông thường, hiện tượng sẽ xảy ra khi sóng ở một hệ thời tiết gặp phải sóng của một hệ khác.
Hiện tượng này thường xảy ra ở những vùng biển rộng, ở khu vực cách xa 2 hệ thời tiết và là một hiện tượng khá nguy hiểm. Bởi lẽ khi giao nhau, chúng tạo thành những khu vực hết sức nguy hiểm, có thể nhấn chìm tàu thuyền.
4. Bộ râu của vua Tutankhamun
Có thể bạn không biết, mặt nạ trên quách của Tutankhamun với hình mặt người và chòm râu bên dưới là một trong những biểu tượng về pharaoh Ai Cập. Thậm chí còn được lọt vào top 10 biểu tượng của nền văn minh thế giới. Rất nhiều tác phẩm sau này về Ai Cập cổ đều có tạo hình lấy cảm hứng từ chiếc mặt nạ này.
Tuy nhiên, chiếc mặt nạ ấy đã không còn như xưa nữa. Được tìm ra vào năm 1922, trải qua rất nhiều cuộc chiến cũng chẳng làm sao. Vậy mà đến năm 2014, bộ râu ấy đã bị bẻ gãy do sơ suất của các nhân viên tại bảo tàng Ai Cập.
Nhóm người này sau đó đã cố gắng che giấu bằng việc gắn lại chòm râu với keo dán, nhưng rốt cục lại gây ra tổn hại nhiều hơn cho toàn bộ chiếc mặt nạ. Mội chuyện vỡ lở vào năm 2016, và cả nhóm liên quan đã phải hầu tòa.
5. Có những chiếc cầu vồng chẳng có màu
Không phải cầu vồng nào cũng phải có màu. Có những trường hợp cầu vồng chẳng có lấy một miếng màu sắc nào đâu, và chúng được gọi là cầu vồng trắng.
Cầu vồng trắng là hiện tượng rất hiếm gặp. Nó chỉ xuất hiện khi có sương mù (chứ không phải mưa như cầu vồng bình thường), nhưng quan trọng hơn là các giọt sương phải có bán kính rất nhỏ, tối đa là 0,05mm.
Điểm thú vị là cầu vồng trắng còn có thể xuất hiện vào ban đêm, tại thời điểm trăng đủ sáng.
6. GPS không miễn phí như bạn tưởng
Chúng ta ngày ngày vẫn sử dụng công nghệ GPS một cách thoải mái để định vị đường đi trên bản đồ. Hoàn toàn miễn phí, miễn là có mạng là dùng được.
Thế nhưng biết gì không, GPS là một hệ thống định vị gồm 24 vệ tinh khổng lồ. Và để vận hành cũng như duy trì chúng, mỗi năm chính phủ Mỹ phải bỏ ra 750 triệu USD, tương đương với 2 triệu đô mỗi ngày.
Không công ty hay cá nhân nào thu được lợi nhuận từ GPS. Tuy nhiên theo các chuyên gia đánh giá, lợi ích của GPS được thể hiện qua việc nó làm giảm hậu quả đến từ các thảm họa thiên nhiên cho nền kinh tế.
7. Sahara từng là một rừng cây trong xanh
Sahara ngày nay nóng bỏng, khô hạn và đầy chết chóc. Nhưng theo các chuyên gia thì chỉ 6000 năm trước, toàn bộ sa mạc vẫn là những đồng cỏ xanh mướt, cây cối rậm rạp giống như các khu rừng ngày nay vậy.
Nguyên nhân là vì quá trình biến đổi khí hậu! Và theo các chuyên gia thì cứ mỗi 23.000 năm, sa mạc Sahara lại chuyển mình một lần: từ rừng rậm thành sa mạc và ngược lại.
Hay nói cách khác thì theo đúng quy luật, 18.000 năm sau chúng ta sẽ có "rừng Sahara", thay vì sa mạc như hiện nay.