Vén màn cái chết bí ẩn của vị vua Pharaoh Tutankhamun

  •  
  • 5.701

Nguyên nhân gây ra cái chết của Tutankhamun, vị hoàng đế Ai Cập trẻ nhất, là một trong những bí ẩn lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nó có thể đã được giải đáp nhờ sử dụng công nghệ quét và xét nghiệm ADN mới.

Pharaoh Tutankhamun, còn được biết đến với tên gọi Vua Tut, là vị Pharaoh trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Ông chào đời vào khoảng năm 1341 trước công nguyên (TCN) ở vùng Ankhetalen (Tell el Amarna thuộc Ai Cập ngày nay).

Tutankhamun là người cuối cùng trong hoàng tộc trị vì vào cuối vương triều thứ 19 ở giai đoạn Tân Vương quốc Ai Cập (kéo dài từ giữa thế kỷ thứ 16 trước Công nguyên đến thế kỷ 11 trước Công nguyên).

Tên "Tutankhamun" trong ngôn ngữ Hieroglyphic - Ai Cập cổ đại có nghĩa là "hình ảnh sống động của thần Amun".

Pharaoh Tutankhamun
Pharaoh Tutankhamun - (Ảnh: Tahrirnews).

Vua Tutankhamun được coi là vị Pharaoh nổi tiếng nhất, nhưng không phải do những thành tựu của ông hoặc chiến thắng trong các trận chiến như các pharaoh khác mà vì lý do lịch sử quan trọng khác.

Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều sự việc quan trọng sau khi khám phá lăng mộ và bí ẩn xung quanh cái chết của vị vua này.

Nhiều người cho rằng cái chết của Pharaoh khi tuổi còn quá trẻ là bất thường, đặc biệt là với sự xuất hiện của các vết nứt tại xương đùi, sọ và việc vợ ông kết hôn với vị Pharaoh kế nhiệm sau khi ông qua đời.

Tất cả những sự kiện bí ẩn và những huyền thoại về lời nguyền của Pharaon liên quan đến ngôi mộ của Tutankhamun đã được sử dụng trong phim ảnh, và trò chơi điện tử khiến Tutankhamun trở thành vị Pharaoh nổi tiếng.

Các nhà khảo cổ học cho rằng cái chết của vua Tutankhamun là một trong những vụ ám sát lâu đời nhất trong lịch sử loài người.

Việc khai quật ngôi mộ của vua Tutankhamun diễn ra vào đầu thế kỷ trước, kéo dài trong 15 năm. Nhóm khai quật của nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter khám phá ra ngôi mộ có xác ướp và 4 căn phòng chứa 600 món tài sản của vị vua này.

Kho báu bên trong lăng mộ của vị vua trẻ tuổi
Kho báu bên trong lăng mộ của vị vua trẻ tuổi - (Ảnh: Elbalad.news).

Tuy nhiên, phải đợi tới năm 1924, nhóm khảo cổ mới khám phá ra chiếc quách đá chứa quan tài bằng vàng khối đựng xác ướp Vua Tut, mang đến hy vọng về việc tìm ra nguyên nhân cái chết của vị hoàng đế này.

Mặc dù vậy, phải đợi tới năm 1968, xác ướp của Vua Tut mới được các các nhà khoa học khám nghiệm kĩ càng hơn bằng cách chụp X-Quang. Kết quả khám nghiệm cho thấy, có 2 mảnh xương bị vỡ vụn bên trong hộp sọ của pharaoh Tutankhamun.

Phát hiện này đã dẫn tới một loạt giả thiết cho rằng vị vua trẻ tuổi đã bị ám sát bởi một cú đánh chí mạng vào sau gáy khiến ông qua đời ngay tức khắc. Kể từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu đã cân nhắc kỹ lưỡng về giả thiết này trong nhiều năm qua.

Cận cảnh khuôn mặt của pharaoh Tutankhamun
Cận cảnh khuôn mặt của pharaoh Tutankhamun - (Ảnh: Elbalad.news).

Song mới đây nhất, nhà khảo cổ học Ai Cập nổi tiếng Zahi Hawass đã đặt dấu chấm hết cho mọi giả thuyết về cái chết của pharaoh Tutankhamun với công trình nghiên cứu của mình, theo tờ Express.

Bằng việc sử dụng công nghệ quét và xét nghiệm ADN mới, nhà khảo cổ học này khẳng định, Vua Tut không hề bị ám sát như những giả thuyết trước đây.

"Chúng tôi đã có được kết luận sau khi thực hiện một xét nghiệm ADN và chụp cắt lớp xác ướp pharaoh Tutankhamun. Chúng tôi phát hiện vị hoàng đế trẻ này không phải bị sát hại như giả thuyết trước đó. Điều này vô cùng quan trọng", tiến sĩ Zahi Hawass trả lời trang Express.

Đáng chú ý, nhà khảo cổ học Zahi Hawass còn đưa ra một số nghi vấn khác về việc Pharaoh Tutankhamun có thể qua đời vì bị nhiễm trùng sau khi gặp tai nạn.

"Chúng tôi còn phát hiện Tutankhamun có một vết nứt ở phần xương chân trái. Nó cho thấy vị pharaoh trẻ tuổi này đã gặp phải một tai nạn khoảng 2 ngày trước khi qua đời".

"Hiện tại, chúng tôi có một cỗ máy mới có tên gọi Dự án xác ướp Ai Cập và nó sẽ giúp xác định xem liệu pharaoh Tutankhamun có bị các bệnh di truyền hay không. Cỗ máy này cũng cho biết có hay không sự nhiễm trùng ở vết thương bên chân trái vị hoàng đế trẻ. Nếu bị nhiễm trùng, điều này đồng nghĩa với việc Tutankhamun chết là do gặp tai nạn. Nguyên nhân chính xác về cái chết của vị hoàng đế Ai Cập trẻ nhất sẽ được chúng tôi công bố vào năm 2020", ông Zahi chia sẻ với Express.

Vua Tutankhamun bị dị tật bẩm sinh.
Vua Tutankhamun bị dị tật bẩm sinh.

Trước đó, vào năm 2014, các nhà khoa học áp dụng kỹ thuật "mổ tử thi ảo" bằng cách chụp cắt lớp thi thể Tutankhamun với hơn 2.000 lượt quét kỹ thuật số. Kết quả cho thấy, vị vua 19 tuổi này có một hàm răng hô, khuôn mặt lệch, một bàn chân bị vẹo, hông dị tật và mắc bệnh động kinh.

Các nhà khoa học khẳng định, vị vua được mệnh danh là "hiện thân của thần Amun" có một cơ thể dị tật là hệ quả của việc giao phối cận huyết. Bằng cách kết hợp hình ảnh 3D và kết quả phân tích những mã di truyền DNA của gia đình vua Tutankhamun cho thấy Tutankhamun có bố là Akhenaten và mẹ chính là em gái ruột của Akhenaten.

Do bàn chân vẹo nên vị vua 19 tuổi không thể tự đứng vững, và thường phải chống gậy khi đi lại. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến vị vua này bị tai nạn và gặp phải một vết thương nặng ở chân trái.

Cập nhật: 13/11/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 5.701