10 hiện tượng thiên nhiên hiếm thấy

Có những hiện tượng thiên nhiên bạn chưa biết đến, vì ít khi chúng xảy ra hay vì  bạn ở một vị trí địa lý không xảy ra những bất thường. Những hiện tượng ấy hoặc rất kỳ lạ, hoặc rất huy hoàng mà chứng kiến một lần có thể để lại trong ta những ấn tượng mạnh, mãi mãi không quên.

Hãy thử xem bạn có biết đến những hiện tượng này không nhé:

1. Lốc nước

Lốc nước là hiện tượng xuất hiện một vũng xoáy rất lớn và cực kỳ mạnh mẽ trên mặt nước, có khả năng cuốn hút bất cứ vật gì rơi vào vòng khống chế của nó và nhận chìm xuống tận đáy nước. Vùng lốc nước được mô tả đầu tiên là ở Moskstraumen (Hà Lan), do hai dòng hải lưu rất mạnh gây ra. Đáy biển đó là nơi giao nhau của hai luồng nước ngầm thể hiện thành hai hải lưu đó.

2. Cầu vồng lửa

Thuật ngữ “cầu vồng lửa” có thể gây hiểu lầm. Thực chất đó là một vòng cung bao quanh chân trời (circumhorizon arc). Nó chủ yếu là tập hợp muối băng (ice halo), do các tinh thể băng nằm trong các đám mây ở rất cao trên bầu trời. Cảnh tượng trình diễn màu sắc này không hiếm lắm, thường thấy ở vùng gần vĩ độ vào mùa hè, song rất ít khi xuất hiện ở Trung hay Bắc Âu.

Tất nhiên, nó không hình thành như những cầu vồng như chúng ta thường thấy. Ánh sáng đi qua những tinh thể băng hình lục giác theo chiều thẳng đứng và đi qua mặt đáy nằm ngang gần nhất. Khi sắp xếp lại theo đường thẳng, nó làm cho toàn bộ đám mây ánh lên bảy sắc cầu vồng.

3. Vòi rồng

Vòi rồng là một cột nước xoáy tròn bốc từ dưới mặt nước lên, liên kết từng khối với nhau thành một đám mây tầng.

Thông thường chúng yếu hơn những cơn lốc trên mặt đất, nhưng cũng có những vòi rồng mãnh liệt hơn rất nhiều và cuốn nước lên trời với tốc độ rất cao và sức mạnh cực lớn.

Chúng có thể là những cơn lốc hoặc không phải là những cơn lốc. Khi không phải là cơn lốc, chúng yếu hơn và không nguy hiểm bằng vì tốc độ gió dưới 30 m/giây. Ở loại vòi rồng là cơn lốc thì lốc là “lõi” của vòi rồng. Khối lượng nước bị cuốn theo vòi rồng rất lớn và nếu bạn đã chứng kiến một lần thì không thể nào quên.

“Anh em họ” của vòi rồng là “vòi rồng tuyết” (snowspout) hoặc “vòi rồng băng” (icespout).  “Vòi rồng tuyết” hình thành khi một cơn lốc xảy ra trong một trận mưa tuyết. Nó hiếm hoi đến mức người ta chỉ chụp được có 6 bức ảnh về nó từ xưa tới nay.

4. Mưa cá ở Honduras

Hiện tượng này thật phi thường. Vậy mà đã hơn một thế kỷ qua, cứ mỗi năm lại mưa cá một lần.

Hàng năm, cứ vào giữa Tháng năm và Tháng bảy, một đám mây đen xuất hiện trên bầu trời, tiếp đó là sấm chớp và mưa lớn kéo dài 2-3 giờ liền. Cuối cơn mưa, đi ra phố người ta bắt được hàng trăm con cá còn đang sống, dãy dụa trên mặt đất, đương nhiên sẽ trở thành món ăn tự hào của những người may mắn.

Chưa giải thích được lý do nhưng ai cũng cho rằng những trận gió mạnh và lốc đã đưa lũ cá lên trời, chu du đến 200 km. Tất cả đều không phải cá biển, mà là cá nước ngọt. Tạp chí National Geographic đã cử một đoàn đến khảo sát. Họ thấy không phải là cá trong vùng, và tất cả đều bị mù, nên đưa ra giả thuyết là lũ cá này sống ở một dòng sông ngầm nào đó chưa phát hiện ra. Đến Honduras vào mùa hè, biết đâu bạn chẳng may mắn bắt được một con.

5. Cầu vồng trăng

Chắc bạn nhiều lần thấy cầu vồng sau cơn mưa, những bạn đã gặp cầu vồng vào ban đêm chưa? Hiếm nhưng có. Người ta gọi là “cầu vồng trăng” (tiếng Anh gọi là moonbow, lunar rainbow hoặc white rainbow). Dĩ nhiên ánh sáng do Trăng phát ra thì yếu hơn ánh sáng Mặt trời rồi, nên mắt thường không nhìn thấy màu sắc (hoặc rất mờ nhạt) khiến cầu vồng trăng chỉ là một quầng sáng hình vòng cung trăng trắng mà thôi.

Cơ hội lớn nhất để bạn được chiêm ngưỡng cầu vồng trăng là vào đêm rằm hoặc 16 âm lịch khi ánh trăng tỏ nhất, trời không mây và mưa rơi ngay phía trước mặt trăng.

6. Bãi chông băng

Băng kết tinh thành khối nhọn hoắt mọc bên nhau làm thành một bãi chông băng khổng lồ, chỉ thấy ở những vĩ độ cao. Chiều cao của những cây chông băng thay đổi từ vài centimet đến 2 mét hoặc hơn nữa. Bãi chông băng trắng muốt, lung linh đã làm biết bao nhà nghiên cứu say mê kể từ thời Darwin. Nhà tự nhiên học vĩ đại này lần đầu tiên trông thấy và mô tả về chúng.

Cơ chế hình thành bãi đá chông khá phức tạp, do nhiều yếu tố tác động: quá trình nóng chảy của băng ở chỗ này, thăng hoa ở chỗ kia làm bề mặt băng không bằng phẳng nữa. Gió đẩy mạnh sự khác biệt làm bề mặt băng ngày càng trở nên lồi lõm. Những bức xạ mặt trời phản xạ trên bề mặt lồi lõm ấy không đồng đều càng góp phần đưa sự khác biệt đến cực đai khiến chỗ này là đáy sâu, chỗ kia thành đỉnh nhọn, lâu dần hình thành bãi chông băng.

7. Siêu ổ dông (Supercell)

Siêu ổ dông là những luồng khí - nước xoay tròn hút từ dưới lên trong một trận dông bão lớn. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới, kéo dài 2 – 3 giờ liền, có khi chia làm đôi, thành hai trận bão có hướng ngược nhau.

Siêu ổ dông thường sinh ra mưa đá, hoặc mưa rào rất to, những trận gió rất mạnh và khi hướng xuống dưới, chúng cuốn theo những viên nước đá lớn.

8. Những tảng băng tròn

Hiện tượng những tảng băng tròn vành vạnh nổi trên mặt nước hiếm khi xảy ra, chỉ thấy ở những vùng nước chảy rất chậm và khí hậu lạnh như ở Bắc Âu và Mỹ.

Có hai loại tảng băng, tuỳ thuộc vào điều kiện hình thành.

Loại thứ nhất hình thành trong điều kiện trời không mưa, nhiệt độ dưới 0oC trong nhiều ngày ở những nơi sông uốn vòng cung. Do tác động của những lực chuyển động, nó làm rìa quanh tảng băng bị vở, rồi bị bào mòn lâu ngày, trở thành những vòng tròn hoàn hảo.

Loại thứ hai trông còn đẹp hơn. Cũng là những tảng băng hình lòng chảo, hình thành ở giữa sông. Đôi khi giữa tảng băng tròn kích thước lớn lại có nước, trông tựa như một cái ao nổi giữa lòng sông.

9. Băng hình trứng


Ảnh: Risto Mattila.

Những quả trứng băng tròn bao phủ các bãi biển ở Hailuoto đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng vào hồi cuối năm ngoái. Theo CNN, hiện tượng này được hình thành do nước biển gần bờ phá vỡ lớp băng mềm. Tuyết tan dính lại với nhau và tích tụ trong nước siêu lạnh, sau đó sóng biển làm cho băng quay xung quanh và tạo thành những quả bóng mịn. Chuyên gia về băng tại Viện khí tượng Phần Lan, Jouni vainio cho biết hiện tượng này không phổ biến, nhưng có thể xảy ra một năm một lần trong những điều kiện thời tiết thích hợp.

10. Mây hình ống ở vịnh Carpentaria


Ảnh: Wikimedia Commons.

Nơi duy nhất xuất hiện tượng hiếm gặp này có thể được dự đoán và quan sát định kỳ là vịnh Carpentaria ở Australia. Mây hình ống có thể dài đến 1.000 km, cao 1-2 km và thường chỉ cách mặt đất 100-200 m. Hiện tượng này thường xảy ra từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11 khi độ ẩm trong không khí cao kết hợp gió biển thổi mạnh.

Cập nhật: 08/10/2024 Theo Vietnamnet/Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video