9 hiện tượng tự nhiên khoa học chưa thể lý giải

Thế giới vốn luôn muôn hình muôn vẻ và vô cùng huyền bí. Với con người mà nói, rất nhiều hiện tượng tự nhiên, mặc dù đã có một số lời giải thích mang tính khoa học đã dược đưa ra, nhưng vẫn còn chưa thấu đáo, hay nói cách khác, những hiện tượng đó vẫn còn là một ẩn đố, thần bí.

Sét hòn, cồn cát biết hát, khu rừng cong là nằm trong số nhiều hiện tượng tự nhiên bí ẩn mà con người chưa thể lý giải.

Âm thanh của cồn cát


Ảnh: Nepenthes/Wikimedia Commons.

Theo Mother Nature Network, nhiều cồn cát ở sa mạc châu Phi, Trung Quốc, Qatar và California, Mỹ, phát ra những âm thanh cường độ cao, giống như tiếng kêu vo ve của loài ong hay giai điệu thánh ca Gregorian.

Các nhà khoa học nhận thấy âm thanh phát ra từ cồn cát phụ thuộc vào kích thước và tốc độ chuyển động của cát. Nhưng họ chưa thể giải thích được nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.

Chất nhầy ngôi sao


Ảnh: Wikimedia Commons.

Chất nhầy ngôi sao (Star jelly) là chất lỏng dính, nhầy kỳ lạ rơi xuống từ bầu trời, thường xuất hiện trên cánh đồng và bãi cỏ sau các trận mưa sao băng. Các nhà khoa học chưa biết chất lỏng này là gì, do nó tiêu tan khá nhanh trước khi được mang đi phân tích. Nguồn gốc và thành phần hóa học của chất nhầy ngôi sao vẫn là bí ẩn lớn đối với giới nghiên cứu.

Sét hòn


Ảnh: Thierry GRUN/Alamy.

Sét hòn là hình thức đặc biệt của tia sét, trông giống quả cầu ánh sáng trôi nổi trong không khí. Nó có kích thước từ quả bóng golf cho tới quả bóng đá, không phát sinh nhiệt và âm thanh.

Năm 2012, các nhà nhiên cứu Trung Quốc ghi lại hình ảnh video tốc độ cao hiện tượng sét hòn và chụp ảnh quang phổ phát xạ của nó lần đầu tiên. Kết quả phân tích cho thấy, sét hòn được tạo ra bởi các khoáng chất bay hơi từ đất. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng một quan sát đơn lẻ như vậy không thể giải thích toàn bộ nguyên nhân tạo ra sét hòn.

Sét Catatumbo


Ảnh: Wikimedia Commons.

Sét Catatumbo là hiện tượng tự nhiên xảy ra trên một đầm lầy ở khu vực sông Catalumbo đổ vào hồ Maracaibo, Venezuela. Đây cũng là địa điểm có nhiều sét nhất thế giới. Các trận giông tố thường kéo dài 10 giờ mỗi đêm, với trung bình 28 lần sét đánh mỗi phút.

Một số người cho rằng những cơn giông tố xuất hiện liên tục do khối không khí nóng ven biển tiếp xúc với khối không khí lạnh vượt qua dãy núi Andes. Nhiều người khác tin hiện tượng trên có thể liên quan đến lượng khí mêtan (CH4) thoát ra khỏi hồ Maracaibo.

Khu rừng cong


Ảnh: Wikimedia Commons.

Khu rừng cong (Crooked Forest) tại West Pomerania, Ba Lan, là vùng đất chứa khoảng 400 cây thông uốn cong 90 độ ở gốc, trong khi thân cây mọc thẳng đứng. Nguyên nhân gây ra hiện tượng trên đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Một giả thuyết được đưa ra là một nhóm người nào đó uốn các cây sau khi trồng chúng vào năm 1930. Họ hy vọng có thể sản xuất đồ nội thất từ những cây cong và can thiệp vào quá trình phát triển khi cây non 10 tuổi. Nhưng Thế chiế II bùng nổ ngăn cản họ thu hoạch gỗ, để lại cánh rừng kỳ lạ như ngày nay.

Tín hiệu "Wow"

Ảnh: Wikimedia Commons.

Năm 1977, tiến sĩ Jerry Ehman phát hiện tín hiệu "Wow!" khi đang tham gia dự án Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất (SETI). Tín hiệu sóng vô tuyến lạ kéo dài 72 giây và không bao giờ lặp lại. Nó được gọi là Wow! bởi đây là từ mà Ehman viết trên bản in của tín hiệu.

Tín hiệu dường như đến từ chòm sao Sagittarius, cách Trái Đất khoảng 120 năm ánh sáng. Giới học giả chưa rõ nó có phải do người ngoài hành tinh phát ra hay không.

Hố sâu Devil's Kette


Ảnh: Roy Luck/Flickr.

Sông Brule chảy qua khu vực bang Minnesota, Mỹ. Khi tới công viên Judge C. R. Magney State, dòng sông này bị chia đôi dòng chảy bởi một tảng đá nhô lên chính giữa tạo thành thác nước đôi Devil's Kettle. Một thác nước chảy xuống hồ Superior, thác còn lại đổ vào hố sâu gọi là Devil's Kette (Chiếc ấm của Quỷ dữ) và biến mất ngay tại đó.

Các nhà khoa học tin rằng phải có điểm kết thúc cho dòng chảy xuống hố sâu. Họ làm đủ mọi cách như đổ thuốc nhuộm, thả bóng bàn, khúc gỗ vào hố Devil's Kettle, sau đó chờ đợi chúng nổi trên mặt hồ Superior. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ cho vào hố đều biến mất không để lại dấu vết.

Quả cầu ánh sáng


Ảnh: National Geographic.

Tại thung lũng Hessdalen, miền trung Na Uy, thường xuất hiện những quả cầu ánh sáng kỳ lạ có màu sắc và hình dạng khác nhau. Chúng đôi khi lóe sáng rồi vụt tắt, di chuyển rất nhanh hoặc trôi lơ lửng trên bầu trời. Giới khoa học gọi đây là "ánh sáng Hessdalen", đặt theo tên thung lũng nơi chúng xảy ra. Thời điểm ánh sáng Hessdalen xuất hiện nhiều nhất có thể tới 10-20 lần mỗi tuần. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đi tìm nguồn gốc năng lượng và nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.

Ảo ảnh

Ảo ảnh dường như là một điều gì đó bí ẩn chứ không phải đơn giản chỉ là một “trò đùa của ánh sáng”. Theo khoa học giải thích, hiệu ứng này xảy ra khi có sự chênh lệch đáng kể giữa nhiệt độ và mật độ giữa các lớp không khí khác nhau. Ảo ảnh là một sự phản xạ ánh sáng mà theo một cách nào đó nó bị phóng to và biến dạng. Tuy nhiên, vẫn có thể còn một nguyên nhân siêu thường nào khác tạo nên hiện tượng này.

Cập nhật: 27/02/2020 Theo VnExpress/trithuc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video