9 nơi thích hợp để tìm sự sống ngoài trái đất

Sao Hỏa, tinh vân Orion, vệ tinh Europa của sao Mộc là những nơi mà loài người nên chú ý trong quá trình tìm kiếm sự sống trong vũ trụ.

Discovery liệt kê những nơi mà con người có thể tới để tìm dấu hiệu của sự sống trong không gian.

1. Vệ tinh Callisto của sao Mộc


Ảnh: NASA.

Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) từng cho rằng Callisto là một vệ tinh “chết”. Nhưng vào năm 1996 và 1997, tàu vũ trụ Galileo của NASA đã bay qua vệ tinh lớn thứ hai của sao Mộc này và nhận thấy từ trường của Callisto có sự thay đổi. Năm 2001, tàu Galileo phát hiện có một tiểu hành tinh đâm vào Callisto, hình thành lòng chảo Valhalla.

Thông thường, những va chạm lớn như vậy sẽ tạo nên những chấn động mạnh lan khắp hành tinh, nhưng tàu Galileo lại không ghi nhận được bất kỳ tác động nào. Điều này khiến các nhà khoa học đưa ra giả thuyết có một đại dương đã làm giảm tác động của vụ va chạm. Do sự hiện diện của nước đồng nghĩa với sự sống, các nhà thiên văn học tin tưởng nếu một đại dương như vậy thực sự tồn tại trên Callisto thì những dạng sống phức tạp cũng có thể có mặt ở đó.

2. Sao Hỏa

Một số nghiên cứu trước đây cho thấy sao Hỏa từng là một hành tinh có khí hậu ấm áp và nước ở dạng lỏng - hai điều kiện cần thiết để sự sống hình thành. Năm 2008, tàu vũ trụ Phoenix của Mỹ gửi về trái đất hình ảnh về những mẩu băng bên dưới lớp đất bề mặt. Một năm sau các nhà khoa học Mỹ phát hiện khí metan (CH4) trong bầu khí quyển của sao Hỏa - một dấu hiệu cho thấy hành tinh đỏ có thể vẫn đang duy trì sự sống. Vi khuẩn tạo khí metan là một trọng những dạng sống sơ khai nhất trên địa cầu. Nếu những dạng sống tương tự đang tồn tại trên sao Hỏa thì có lẽ chúng trú ẩn dưới bề mặt của hành tinh.

3. Vệ tinh Europa của sao Mộc

Giới khoa học dự đoán thiên thể này chứa cả những vi sinh vật đơn giản và các dạng sống phức tạp. Trong nhiều năm họ tin vào giả thuyết rằng có một đại dương chứa oxy nằm dưới bề mặt đóng băng của Europa. Trong một nghiên cứu vào năm 2009, chuyên gia Richard Greenberg của trường Đại học Arizona tại Mỹ ước tính rằng lượng oxy trong đại dương dưới bề mặt Europa đủ lớn để duy trì sự sống cho khoảng 3 triệu tấn vi sinh vật.

Tuy nhiên, cho đến nay loài người vẫn chưa tìm được bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của một đại dương nằm dưới bề mặt băng giá của Europa.

4. Những hành tinh gần ngôi sao khổng lồ đỏ


Một ngôi sao khổng lồ đỏ đang hấp hối. (Ảnh: hubpages.com).

Trái đất là nơi lý tưởng cho sự sống bởi vị trí của nó. Trái đất không quá xa và cũng chẳng quá gần mặt trời. Nếu quá gần thì nước trên hành tinh của chúng ta sẽ bốc hơi hết, còn nếu quá xa thì trái đất sẽ là một nơi lạnh giá khắc nghiệt khiến nước chỉ có thể tồn tại ở dạng băng. Trong khi đó nước ở dạng lỏng là nguyên liệu cực kỳ cần thiết đối với sự sống.

Trước khi một ngôi sao khổng lồ đỏ chết, nó bùng nổ thành một khối cầu khổng lồ, với kích thước và độ sáng tăng rất nhanh. Nó phóng ra ngoài không gian những phóng xạ có thể làm một hành tinh ấm lên. Năm 2005, một nhóm chuyên gia thiên văn quốc tế phát hiện ra rằng, nếu những tia sáng từ một ngôi sao như vậy chạm tới bề mặt của những hành tinh băng giá thì bề mặt đóng băng của chúng sẽ tan chảy thành thể lỏng, tạo cơ sở cho sự sống hình thành.


5. Vệ tinh Titan của sao Thổ

Titan nằm ở vị trí không nhận được ánh sáng mặt trời nên nhiệt độ bề mặt của nó thường xuyên ở mức -190 độ C. Năm 2005, tàu thăm dò không người lái Huygens của NASA phát hiện chất giống như metan dạng lỏng trên bề mặt tiểu hành tinh này. Tháng 5/2010, tàu vũ trụ Cassini của NASA phát hiện Titan chứa một hỗn hợp hydro và acetylene.

Nếu sự sống tồn tại trên Titan thì điều đó có nghĩa là sự sống có thể hiện diện trong môi trường hoàn toàn khác địa cầu. Do đó loài người sẽ phải xem xét lại mọi hiểu biết về hoạt động của sự sống.

6. Vệ tinh Enceladus của sao Thổ


Hình minh họa vệ tinh Enceladus của sao Thổ (trên) và trái đất (dưới). Ảnh: adimuro.com.

Khi tàu vũ trụ Cassini bay qua một trong những mạch ngầm sinh ra băng và khí của Enceladus vào năm 2005, nó phát hiện cacbon, hydro, nitơ và oxy. Đây là các nguyên tố cần thiết để nuôi dưỡng sinh vật sống. Ngoài ra, nhiệt độ và độ đặc của không khí trên bề mặt thiên thể này cũng cho thấy nó có thể chứa một nguồn nước ấm bên dưới bề mặt. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa có bằng chứng nào xác nhận sự sống hiện diện nơi đây.

Trên trái đất, các vi sinh vật tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt được tìm thấy ở những miệng núi lửa dưới biển và trong lớp băng vùng Bắc Cực – nơi không nhận được ánh sáng mặt trời. Vì vậy các nhà khoa học hy vọng những vi sinh vật như vậy cũng tồn tại trên Enceladus.

7. Thiên thạch

Loài người thống kê được khoảng 22.000 thiên thạch rơi vào trái đất, trong đó, nhiều thiên thạch có chứa các hợp chất hữu cơ.

Năm 1996, một nhóm nhà khoa học tuyên bố họ tìm thấy bằng chứng thuyết phục về các hóa thạch siêu nhỏ trên một thiên thạch từ sao Hỏa được tìm thấy ở Nam Cực. Phát hiện này khiến các nhà sinh học đặt ra giả thuyết: Sự sống có thể đã tồn tại trên hành tinh đỏ từ khoảng 3,6 tỉ năm trước.

Nếu giả thuyết trên đúng thì nó không hề mâu thuẫn với học thuyết “nguồn gốc sự sống bắt nguồn từ vũ trụ”. Thuyết này cho rằng sự sống bắt nguồn từ một hành tinh nào đó và "di cư" tới trái đất. Trên những hành tinh khác thì sinh vật sống chỉ là vi khuẩn. Chúng có thể ngừng hoạt động tạm thời khi môi trường sống trở nên khắc nghiệt.

8. Tinh vân Orion


Ảnh: NASA.

Vào tháng 5/2010, các nhà khoa học của Đài quan sát Herschel của Cơ quan Vũ trụ châu Âu nhận thấy tinh vân Orion, cách trái đất 1.500 năm ánh sáng, có thể chứa các chất hữu cơ phù hợp cho sự sống tồn tại. Dữ liệu mà kính thiên văn thu thập được cho thấy nhiều loại phân tử có khả năng hỗ trợ sự sống đang tồn tại trên tinh vân Orion, như carbon monoxide (CO), formaldehyde (HCHO), sulfur dioxide (SO2) và hydrogen cyanide (HCN).

9. Các hành tinh ngoài hệ mặt trời

Dải Ngân Hà chứa khoảng 400 tỉ ngôi sao và hành tinh. Vì vậy, rất có khả năng hàng tỉ thiên thể trong vũ trụ chứa sự sống.

Chúng ta mới chỉ khám phá những hành tinh ngoài hệ mặt trời trong thập niên 90 của thế kỷ 20. Mỗi năm giới khoa học lại phát hiện thêm hàng chục hành tinh có thể chứa hợp chất hữu cơ. Chẳng hạn, hành tinh HD 209458b chứa nước, metan và cacbon dioxide – những yếu tố cơ bản cho sự sống – trong bầu khí quyển. Ngoài ra loài người vẫn còn vô vàn cơ hội tìm thấy các hành tinh khác thích hợp cho sự sống phát triển trong vũ trụ.

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video