Ăn bỏng ngô bằng đũa, hóa ra bí mật của hạnh phúc đơn giản chỉ là vậy

Tại sao mọi niềm vui trong đời bạn đều phai nhạt dần theo thời gian?

Ăn bỏng ngô bằng đũa! Đó là một ý tưởng hết sức kỳ quặc phải không? Nhưng các nhà khoa học nói rằng tất cả chúng ta đều sẽ hạnh phúc hơn nếu làm điều đó. Vậy thì cũng đáng để thử.

Hãy nhớ lần cuối cùng bạn uống một lon Coca-cola. Có phải bạn đã tu một hơi thật dài, đến nỗi hương vị của lon nước áp đảo tất cả các cảm xúc khác của bạn. Nhưng chỉ một phút sau, bạn hầu như chẳng thấy hương vị của Coca-cola còn hấp dẫn nữa. Cảm giác đầu tiên lúc nào cũng là sự thỏa mãn và nó phai nhạt dần.

Khi mua một chiếc điện thoại mới cũng vậy, bạn nghĩ rằng nó sẽ tạo ra niềm vui mỗi ngày. Nhưng một tuần sau, cảm giác có chiếc điện thoại mới sẽ biến đâu mất. Bây giờ, nó chỉ còn là một chiếc điện thoại, nếu không muốn nói là một công cụ bình thường để nghe gọi, nhắn tin, lướt Facebook.


Cảm giác đầu tiên lúc nào cũng là sự thỏa mãn và nó phai nhạt dần.

Những cảm xúc nhất thời dường như đều bị pha loãng ra bởi thời gian, hiện tượng này được gọi là “hedonic adaptation”, xảy ra đối với gần như tất cả mọi thứ làm cho chúng ta hạnh phúc. Nói một cách thẳng thắn thì nó chính là nguyên nhân khiến cho mọi thứ trong cuộc đời bạn nhạt nhẽo dần đi.

Vậy làm thế nào chúng ta chống lại được hiện tượng pha loãng khoái cảm này, để cảm nhận mọi hạnh phúc đều như mới đây?

Trong một loạt các nghiên cứu sắp được công bố trên tạp chí Personality and Social Psychology Bulletin , các nhà khoa học nhận thấy việc trải nghiệm mọi thứ theo những cách độc đáo sẽ làm tăng thêm cảm giác thích thú cho mọi người.

Nghệ thuật của sự chú ý

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã yêu cầu 68 người tham gia một thử nghiệm ăn bỏng ngô. Một nửa trong số họ sẽ ăn theo cách thông thường, bốc tay từng hạt một, phần còn lại sẽ ăn bỏng ngô bằng đũa.

Kết quả chỉ ra, mặc dù tốc độ ăn của cả 2 nhóm đều như nhau, họ được yêu cầu nhai chậm, nhưng những người dùng đũa tỏ ra thích ăn bỏng hơn. Nó là một hiệu ứng kinh điển trong tâm lý học: Khi có một cái gì đó có vẻ mới, mọi người chú ý đến nó nhiều hơn. Và khi mọi người chú ý nhiều hơn, họ có xu hướng tận hưởng nó.

Đây là lý do bạn luôn tìm kiếm một thứ gì đó mới mẻ, đổi nhãn hiệu dầu gội đầu, ăn một món ăn mới, tại một quán ăn mới. Chúng ta mua một thứ gì đó, và dùng nó một thời gian cho đến khi trở nên quen thuộc và buồn tẻ. Sau đó, chúng ta mua một thứ khác thay thế, nghĩ rằng điều này sẽ khiến mình hạnh phúc hơn.

Thật không may, thay thế sẽ tốn kém, và trong nhiều trường hợp bạn không thể làm điều đó được. Ví dụ mua một căn nhà mới đối với nhiều người là bất khả thi. Bây giờ, nghiên cứu khoa học sẽ cho bạn một lựa chọn khác: Thay vì thay thế một cái gì đó sau khi bạn chán nó, hãy thử sử dụng hoặc tương tác với nó theo những cách độc đáo.

Đừng giới hạn sự sáng tạo, bạn có thể nghĩ ra cả tỷ cách uống nước


Một phi hành gia đùa nghịch với nước trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Trong một thí nghiệm khác, các nhà khoa học quan sát 300 người khi họ làm một việc cực kỳ đơn giản: uống nước.

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia sáng tạo ra một cách uống nước độc đáo. Có rất nhiều câu trả lời đã được đưa ra, từ việc uống nước bằng cốc uống rượu cho đến việc liếm nước như mèo liếm sữa. Một người thậm chí còn đề xuất mọi người nên thử uống nước bằng phong bì.

Sau khi các cách uống nước sáng tạo và khả thi nhất được tập hợp lại, các nhà khoa học chia 300 người thành 3 nhóm. Tất cả được yêu cầu uống 5 ngụm nước. Nhóm đầu tiên uống nước bằng cốc như bình thường. Nhóm thứ 2 uống nước theo một cách sáng tạo nào đó lặp đi lặp lại. Còn nhóm thứ ba uống nước 5 lần, theo 5 cách sáng tạo khác nhau.

Kết quả ghi nhận lại được, càng về cuối thử nghiệm, nhóm thứ ba càng cảm thấy vui vẻ hơn. Nói cách khác, sự hưởng thụ của họ không bị suy giảm theo thời gian. Điều đối lập được quan sát thấy trong cả 2 nhóm còn lại, cho thấy vai trò của việc thay đổi cách thức trải nghiệm.

Bài học rút ra ở đây: Miễn là bạn có thể tìm thấy những cách mới và thú vị để tương tác với một cái gì đó, bạn sẽ không còn chán nó nữa.

Áp dụng vào thực tế

Những nghiên cứu tâm lý học như ăn bỏng ngô bằng đũa không chỉ là chuyện vẽ vời trên giấy. Nhiều công ty đã đọc và áp dụng chúng để tạo ra lợi thế kinh doanh, từ việc cung cấp nhiều trải nghiệm thú vị hơn cho khách hàng.

Những chiếc ghế đôi trong rạp chiếu phim, một cửa hàng thời trang chỉ bán đồ màu đen và trắng, những ngôi nhà trên cây… tất cả đều áp dụng nguyên tắc đổi mới để ngăn chặn hedonic adaptation.

Nhà hàng cũng là một lĩnh vực liên tục được làm mới. Bạn có thể tìm thấy trên trang Reddit WeWantPlates này đủ thể loại ăn uống độc đáo trên thế giới. Những nhà hàng cho phép bạn ăn trên giường, trên không trung hay thậm chí thức ăn được phục vụ trên mình những người mẫu khỏa thân.


Bịt mắt trong khi ăn uống, ý tưởng sáng tạo của một nhà hàng.

Trong khi nhiều sự sáng tạo phải bắt đầu ngay từ thời điểm ban đầu, vẫn có những thứ rất đơn giản mà bạn có thể tự áp dụng.

Ví dụ, khi ăn một chiếc pizza tại nhà hàng, bạn thường cắt nó thành 6 miếng nhưng chỉ ăn theo cùng một cách. Tại sao không thử những cách khác nhau: gấp miếng pizza làm đôi, ăn ngược từ đầu dưới lên, ăn pizza bằng đũa, ăn trong khi bịt mắt…

Nếu thử làm những điều này, các nhà khoa học tin rằng bạn sẽ thưởng thức được miếng pizza cuối cùng vẫn ngon như miếng đầu tiên.

Điểm mấu chốt ở đây, thay đổi chính là gia vị của cuộc sống, không cần phải thay đổi những gì bạn làm mà chỉ cần thay đổi cách bạn làm chúng. Đó là một bí mật quyền năng, và sẽ đem sự hạnh phúc trở lại trong cuộc sống của bạn.

Cập nhật: 05/07/2018 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video