Theo truyền hình quốc gia Ấn Độ, ngày 5/11 tên lửa đẩy mang theo tàu thăm dò không người lái đã được phóng lên vào lúc 9h08 giờ GMT (tức 16h08 giờ Việt Nam) từ bệ phóng ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh, đánh dấu hành trình kéo dài 300 ngày trong nhiệm vụ nghiên cứu bầu khí quyển của sao Hỏa.
>>> Ấn Độ phóng tàu thăm dò sao Hỏa
Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ nặng 1.350kg, tương đương kích thước một chiếc xe ô tô nhỏ, được đẩy bằng một quả tên lửa nặng 350 tấn, nhỏ hơn nhiều so với các tên lửa đẩy tương đương của Mỹ và Nga.
Do không đủ năng lượng để bay trực tiếp, tàu sẽ bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất trong gần một tháng để “tích lũy” đủ vận tốc cần thiết trước khi bật ra ngoài vũ trụ. Chỉ khi đó nó mới bắt đầu giai đoạn hai của cuộc hành trình dài 9 tháng tới "hành tinh Đỏ".
Trước thời điểm phóng, Deviprasad Karnik, người phát ngôn của Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết: “Quá trình đếm ngược diễn ra suôn sẻ. Tất cả các cuộc thử nghiệm đều cho kết quả tốt. Thời tiết bình thường, Có một chút mây nhưng không thành vấn đề”.
Tên lửa mang theo tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ được phóng lên không gian. (Ảnh chụp màn hình - nguồn: Skynews)
Sứ mệnh tàu vũ trụ thám hiểm sao Hỏa, được biết đến dưới cái tên “Mangalyaan” ở Ấn Độ, được Thủ tướng Manmohan Singh tuyên bố 15 tháng trước, không lâu sau khi một tàu thám hiểm vũ trụ Trung Quốc thất bại khi trong việc thoát khỏi bầu khí quyển Trái Đất.
Bất chấp những bác bỏ của ISRO, thời điểm Ấn Độ đưa ra thông tin trên đã dẫn đến suy đoán rằng quốc gia này đang tìm cách tỏ quan điểm với người hàng xóm hùng mạnh về quân sự và kinh tế. “Chúng tôi đang ở trong cuộc chạy đua với chính mình trong những lĩnh vực mà chúng tôi đã vẽ ra”, chủ tịch ISRO K. Radhkrishnan nói.
Ấn Độ đã chi ra 4,5 tỉ rupee (khoảng 73 triệu USD) cho dự án này, chỉ bằng 1/6 mức chi phí 455 triệu USD mà NASA công bố cho một tàu thám hiểm vũ trụ Sao Hỏa của cơ quan này, dự kiến sẽ được phóng lên vào ngày 18/11.
Joe Grebowsky, nhà khoa học dự án tàu thám hiểm vũ trụ của NASA nói: “Chúng tôi đã không tin là họ sẽ có thể phóng con tàu sớm thế này. Nếu cuộc phóng thành công, điều này thật là tuyệt vời”. Joe nhấn mạnh Sao Hỏa có một quỹ đạo phức tạp. Nó cách Trái Đất khoảng từ 50 – 400 triệu km, phức tạp và rộng lớn hơn nhiều so với một sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng. Các tín hiệu liên lạc mất 12 phút để truyền đi giữa Trái Đất và Sao Hỏa.
Ấn Độ chưa từng tham gia vào một sứ mệnh thám hiểm bên trong một hành tinh nào trước đó. Điều này có nghĩa là quốc gia này đã phải phát triển thêm công nghệ mới để chắc chắn tàu thám hiểm vũ trụ của họ có thể hoạt động một cách độc lập.
Cho tới nay, có tới hơn một nửa các dự án sao Hỏa gặp thất bại, trong đó có một sứ mạng do Trung Quốc thực hiện năm 2011 và một của Nhật Bản vào năm 2003 và chỉ có Mỹ, Nga và EU đưa được tàu thăm dò tới hành tinh này. Mỹ hiện là quốc gia duy nhất đã gửi thành công các robot thám hiểm lên Sao Hỏa. Robot thám hiểm gần đây nhất là robot mang tên Curiosity đã hạ cánh xuống “hành tinh Đỏ” vào tháng 8/2012.