Ấn Độ phóng thành công sứ mệnh Mặt trăng lịch sử

Ấn Độ nhiều khả năng sẽ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh tàu vũ trụ trên Mặt trăng.

Vào lúc 16 giờ ngày 14/7, Ấn Độ phóng thành công tên lửa Launch Vehicle Mark-3 (LVM3) từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, thuộc đảo Sriharikota.


Ấn Độ phóng thành công tàu đổ bộ Mặt trăng Chandrayaan-3 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan vào ngày 14/7 (Ảnh: ISRO).

Tên lửa mang theo tàu vũ trụ Chandrayaan-3, thực hiện hành trình đầy tham vọng mới nhất tới Mặt trăng của đất nước 1,4 tỷ dân.

Khoảng 16 phút sau khi cất cánh, tàu Chandrayaan-3 tách khỏi tên lửa LVM3 theo đúng lộ trình và tiến vào quỹ đạo Trái đất. Tại đây, nó sẽ bắt đầu hành trình tiết kiệm nhiên liệu trước khi tăng tốc, và tiến vào quỹ đạo của Mặt trăng.

Nếu phần còn lại của sứ mệnh diễn ra theo đúng kế hoạch, Ấn Độ sẽ sớm trở thành quốc gia thứ 4 - sau Mỹ, Liên Xô cũ và Trung Quốc - hạ cánh trên Mặt trăng.

Thành công của sứ mệnh được kỳ vọng là sẽ đẩy nhanh tham vọng khám phá không gian chi phí thấp của Ấn Độ trong bối cảnh ngày một nhiều quốc gia đang cạnh tranh để thiết lập sự hiện diện lâu dài của họ trên Mặt trăng.

Ước tính, toàn bộ sứ mệnh tiêu tốn của Ấn Độ khoảng 6 tỷ rupee (73 triệu USD). Đây là một con số không quá lớn, nếu so sánh với các sứ mệnh tương tự.


Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 tại trung tâm của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ. (Ảnh: ISRO).

Sau buổi phóng thành công, các quan chức tại Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã cho biết họ tin tưởng vào thành công trong lần phóng này. Sự tự tin đó sẽ được kiểm chứng trong nhiều tháng tới, khi tàu vũ trụ thực hiện theo lộ trình và tiến vào quỹ đạo của Mặt trăng.

Quan trọng nhất vẫn là khâu hạ cánh, khi tàu phải thực hiện một loạt các thao tác chính xác để đáp xuống gần cực nam của Mặt trăng, dự kiến vào ngày 23/8. Khu vực này nằm ở 69,367621 vĩ độ nam và 32,348126 kinh độ đông, gần địa điểm hạ cánh theo kế hoạch của tàu vũ trụ Luna-25 (Nga), sẽ phóng trong tháng 8 tới đây.

Giới chuyên môn nhận định đây sẽ là màn hạ cánh tàu vũ trụ mang tính lịch sử của Ấn Độ. Vào tháng 11/2019, ISRO từng thất bại với tàu Chandrayaan-2 do trục trặc kỹ thuật, khiến toàn bộ tải trọng của nó đâm xuống bề mặt Mặt trăng.

Thay vì thuật toán cho phép diễn giải tốc độ từ các hình ảnh tĩnh như với tàu Chandrayaan-2 đã làm, công nghệ mới trên tàu Chandrayaan-3 được thiết kế để ước tính tốc độ của tàu vũ trụ trong thời gian thực khi tàu đổ bộ xuống bề mặt Mặt trăng.

Cùng với đó, chân của tàu Chandrayaan-3 cũng được tăng cường sức mạnh để giúp nó sống sót khi hạ cánh với tốc độ cao.

Cập nhật: 15/07/2023 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video