Mỹ và Ấn Độ, hai quốc gia vừa thành công trong việc gửi tàu thăm dò bay vào quỹ đạo sao Hỏa, vào ngày 30/9 đã đạt được thỏa thuận hợp tác trong tương lai nhằm khám phá hành tinh đỏ.
Hai thỏa thuận đã được ký kết trong cuộc gặp tại Toronto (Canada) giữa Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Charles Bolden và Chủ tịch K. Radhakrishnan của Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO).
Mỹ và Ấn Độ vừa đạt được thỏa thuận cùng nhau khám phá sao Hỏa và phóng vệ tinh quan sát Trái đất - (Ảnh: AFP)
Trong đó, một thỏa thuận mở đường cho các sứ mệnh chung trong tương lai nhằm khám phá sao Hỏa, trong khi thỏa thuận còn lại là sự hợp tác phóng một vệ tinh quan sát Trái đất.
"Việc ký kết hai văn kiện này cho thấy cam kết mạnh mẽ giữa NASA và ISRO nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học và đời sống trên Trái đất", AFP dẫn lời ông Bolden cho biết trong một tuyên bố.
Theo NASA thì cơ quan vũ trụ của hai nước sẽ có kế hoạch kết hợp những dữ liệu phân tích khoa học do hai tàu vũ trụ Maven và Mars Orbiter Mission thu thập được.
Tàu Maven, viết tắt của Sứ mệnh Khí quyển và Tiến hóa bất ổn của sao Hỏa, của NASA hôm 22/9 đã thâm nhập thành công vào quỹ đạo sao Hỏa, bắt đầu cho sứ mệnh nghiên cứu sự thay đổi khí hậu để trả lời câu hỏi vì sao hành tinh đỏ lại mất đi sự ấm áp và nước theo thời gian.
Tàu Mars Orbiter Mission, còn gọi là Mangalyaan, bay vào quỹ đạo sao Hỏa sau đó hai ngày, vào hôm 24/9, mang sứ mệnh nghiên cứu khí quyển sao Hỏa, nhằm tìm kiếm dấu vết của khí methane - dấu chỉ báo cho sự tồn tại của sự sống; chụp các bức ảnh màu của hành tinh đỏ; tìm xem liệu có nước trên đó hay không.
Trong khi đó, vệ tinh quan sát Trái đất, còn có tên sứ mệnh NASA-ISRO Synthetic Aperture Radar (NISAR), dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo trong năm 2020.