Lần đầu tiên, một giống cây có chứa dưỡng chất trong dầu cá đã được lai tạo thành công bằng phương pháp biến đổi gene tại Anh.
Các nhà khoa học đã chọn cây Camelina, một giống cây phổ biến ở châu Âu và Bắc Mỹ, có nguồn dầu thực vật phong phú để lai tạo. Qua bổ sung, lai ghép với 7 loại gene từ tảo biển, Camelina có khả năng sản sinh ra 2 axít béo omega-3 hữu ích thường có trong dầu cá là EPA và DHA.
Ảnh: josefshomperlenblog.org
Giáo sư Jonathan Napier, chủ trì dự án kéo dài 15 năm qua, cho biết nhóm của ông đã thành công trong việc tạo ra cây Camelina biến đổi gene trong nhà kính và giờ đây thách thức của họ là đưa cây này ra trồng trong thực địa.
Dự án nói trên do Chính phủ Anh tài trợ nhằm hướng tới mục tiêu phát triển thêm các loại thực phẩm giàu dưỡng chất giúp chống bệnh tim, như axít béo omega-3. Hiện nguồn dưỡng chất này vẫn chủ yếu được khai thác và sản xuất từ cá biển nhưng theo các nhà khoa học, trong 10 năm tới, cây trồng biến đổi gene từ tảo biển có thể đóng góp đáng kể để tăng nguồn cung omega-3.
Đơn xin phép của các nhà khoa học đã được gửi tới Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn Anh.
Nếu được cấp phép, các nhà khoa học có thể bắt đầu gieo trồng giống cây Camelina mới này tại khu vực nghiên cứu được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt ở Hertfordshire - địa điểm cũng đã diễn ra các vụ gieo trồng thử nghiệm lúa mì biến đổi gen trong 2 năm qua.