Loài cây này hiếm gặp tới mức nhiều người ví von việc tìm thấy nó khó như kiếm lá diêu bông.
Loài cây độc đáo của Việt Nam
Ở Việt Nam có một loài cây vô cùng độc đáo. Nó chỉ có duy nhất một chiếc lá hình trái tim. Vì vậy, loài cây này được gọi tên là cây một lá.
Cây một lá có tên khoa học là Nervilia fordii (Hance) Schultze, thuộc họ Orchidaceae (Lan) là một chi gồm các loài thực vật độc đáo thuộc họ Lan, có đặc điểm chung là chỉ có một chiếc lá duy nhất trong vòng đời của mình. Nó còn có tên gọi khác là thanh thiên quỳ, lan một lá, lan cờ, châu diệp, slam lài, bửa thoọc (Tày), bầu thoọc…
Đây là các loài cây thân thảo lâu năm, có củ hình tròn hoặc hình bầu dục, lá hình trái tim với các đường gân tỏa như rẻ quạt, mọc ra từ một chiếc cuống nối với củ rễ. Lan một lá có một hoặc hai hoa mọc ra từ một thân thẳng. Khi ra hoa, cây không có lá. Chỉ sau khi hoa nở hết, chiếc lá mới bắt đầu phát triển.
Tại Việt Nam, có 5 loài lan một lá đã được ghi nhận.
Hiện nay, khoảng 80 loài lan một lá đã được phát hiện, phân bố rộng rãi ở lục địa châu Phi, châu Á và các các đảo khác nhau của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Cây một lá tái sinh tự nhiên bằng các tia củ, vì thế trong một nhóm cây trong tự nhiên thường có nhiều cây ở các lứa tuổi khác nhau.
Tại Việt Nam, có 5 loài lan một lá đã được ghi nhận, gồm Nervilia aragoana, Nervilia crispata, Nervilia fordii, Nervilia plicata và Nervilia prainiana. Loài cây này thường được tìm thấy ở các vùng núi đá vôi và nơi ẩm ướt ở các chân núi. Cây thường mọc ở Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tây, Sơn La, Lai Châu,…
Trong dân gian, từ lâu nay, lan một lá đã được coi là cây thuốc quý. Tất cả các bộ phận của cây một lá đều có thể làm thuốc, dùng tươi hoặc phơi khô.
Theo cuốn "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội" thì lá và rễ củ cây một lá có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính bình, mát và có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, giảm ho, tán ứ, giải độc, làm dịu đau. Lá và cây còn được dùng làm thuốc giải độc, nhất là ngộ độc nấm, làm mát phổi, chữa ho lao, ho lâu năm, viêm phế quản. Nhai rễ củ tươi làm giải khát, bồi dưỡng cơ thể.
Cận cảnh củ của cây một lá. (Ảnh: Ineternet).
Trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học của các hợp chất chiết xuất từ cây một lá. Kết quả cho thấy, cây một lá chứa terpenoids, flavonoid, axit amin và một số loại dầu dễ bay hơi. Các hợp chất này có hoạt tính dược lý chống viêm, chống vi rút, giảm đau, giảm ho, hen suyễn và viêm phế quản mãn tính, viêm phổi cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Hiện nay, cây một lá đang được nghiên cứu để điều trị các chứng ung thư phổi, ung thư vòm họng. Với giá trị kinh tế và dược lý cao, cây một lá được coi là một trong những loài cây cần được ưu tiên trong bảo tồn nguồn gen hiếm.
Theo khuyến cao của các chuyên gia, khi thu hoạch, để bảo vệ cây chỉ nên thu hái toàn cây, hoặc chỉ lấy lá, dành củ cho cây phát triển. Lá cây có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc khô đều được. Thu hái về để riêng lá to và lá nhỏ, sơ chế.
Loài cây "hiếm có khó tìm"
Theo báo An ninh thủ đô, cây một lá là loài cây có giá trị dược liệu quý nên chúng chủ yếu dùng để xuất khẩu, trong nước rất ít dùng. Vì lý do này, nhiều người dân ở khu vực có cây một lá sinh sống cũng hiếm có dịp được nhìn thấy nó. Nhiều người còn đánh giá rằng, việc tìm thấy cây một lá cũng khó như tìm lá diêu bông.
Tuy nhiên, cây một lá thường bị nhầm với cây bát giác liên (Dysosma chengii) vì đó cũng là loại cây củ và một lá. Tuy nhiên, lá của cây bát giác có 6 cạnh, còn cây một lá là hình tim. Thậm chí, có nhiều người còn nhầm lẫn cây một lá với lá cây mã đề.
Vì loài cây này có giá trị dược liệu quý nên chúng chủ yếu dùng để xuất khẩu, trong nước rất hiếm người dân bản địa có cơ hội thấy. (Ảnh: Internet).
Ngoài làm dược liệu, cây một lá còn được người chơi cây cảnh trên thế giới yêu thích, sưu tầm vì sự độc đáo và hiếm gặp.
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trữ lượng cây một lá trong tự nhiên ở Việt Nam ngày càng suy giảm do bị khai thác nhiều. Lượng cây một lá trong tự nhiên không nhiều (ở Vườn quốc gia Pù Mát là 10 - 15 cây/100m2) khiến cho loài cây này trở nên quý hiếm và có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Cây một lá được ghi vào danh sách các loài cây cần được bảo vệ trong "Sách đỏ Việt Nam".
Nghiên cứu và bảo tồn loài cây quý hiếm
Cũng theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện các nhà nghiên cứu đang tiến hành nhân giống loài cây quý hiếm này tại Lạng Sơn. Lạng Sơn là tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai, địa hình thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều nguồn gen dược liệu quý hiếm, trong đó có cây một lá. Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gene cây một lá" trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm thu thập bảo quản nguồn gene cây một lá, xây dựng phương pháp lưu trữ, bảo quản, phục tráng, nhân giống nguồn gene; xây dựng các mô hình bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen quý này để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tiến hành nhân giống để bảo tồn loài cây quý hiếm này. (Ảnh: Internet).
Các nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống cây một lá cho thấy, thời vụ trồng cây tốt nhất là tháng 3-4 hàng năm (tỷ lệ sống đạt từ 96,0-96,7%, tỷ lệ nảy mầm đạt 87,33-95,3%). Kích thước củ có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây một lá. Củ giống có đường kính từ 1,0 đến lớn hơn 2,0 cm đều cho tỷ lệ nảy mầm cao (87,33-97,33%).
Do bị khai thác nhiều, trữ lượng lan một lá trong tự nhiên ở Việt Nam ngày càng suy giảm. Việc tiến hành nghiên cứu để nhân giống loài cây quý này đã được thực hiện ở nước ta những năm gần đây.