Công ty Arc Aero Systems giới thiệu máy bay lai Linx P9 hứa hẹn đánh bại những mẫu trực thăng kích thước tương đương về tầm hoạt động, tốc độ, chi phí vận hành.
Thiết kế máy bay lai 9 chỗ ngồi của công ty Arc Aero Systems. (Ảnh: Arc Aero Systems).
Bộ khung của Linx P9 là sự kết hợp giữa máy bay, trực thăng và trực thăng có cánh quạt nâng tự do. Thiết kế tổng hợp này chỉ nặng 1.930kg khi không tải. Linx P9 có cabin 9 chỗ ngồi với cánh chính thuôn mảnh dài 12,6m, cặp cánh quạt đẩy 2m nhô ra từ phía sau và cánh đuôi cỡ lớn, New Atlas hôm 23/1 đưa tin.
Động cơ rotor lớn 13m có thể điều chỉnh góc quay. Linx P9 sử dụng một motor điện, giúp rotor phía trên quay đủ nhanh để phương tiện cất hạ cánh thẳng đứng. Sau khi máy bay ở trong không trung, cánh quạt đẩy hoạt động, cung cấp hơn 90% lực nâng, cho phép rotor chạy chậm lại. Thiết kế này góp phần giảm lực cản, triệt tiêu bớt lực nâng bất đối xứng. Kết quả là phương tiện có thể đạt tốc độ hành trình tối đa 370 km/h.
Cánh quạt đẩy hoạt động nhờ động cơ turbo 496 mã lực. Theo công ty, các động cơ này chạy bằng nhiên liệu hàng không bền vững, có thể thay thế bằng pin nhiên liệu hydro. Kích thước và tốc độ của Linx P9 phù hợp hơn cho lộ trình trong khu vực thay vì bay chặng ngắn trong thành phố. Công ty Arc Aero Systems cho biết phương tiện có tầm hoạt động 950 km ở cấu hình tiêu chuẩn và sử dụng 600 kg nhiên liệu, hoặc 1.300 km khi lắp thêm bình nhiên liệu.
Linx P9 có chi phí vận hành vào khoảng 505 USD mỗi giờ bay, giảm 40% so với chi phí của trực thăng kích thước tương đương. Phương tiện có hai lợi thế chủ chốt so với phần lớn thiết kế taxi bay điện cất hạ cánh thẳng đứng hiện nay. Đầu tiên, rotor lớn có thể hoạt động như chiếc dù trong trường hợp phương tiện bị trục trặc, nhờ đó máy bay có thể tự quay để hạ cánh an toàn. Thứ hai, phương tiện phù hợp để xin cấp phép theo quy định hiện nay, do đó không yêu cầu các nhà làm luật phải soạn thảo quy trình cấp phép mới.