Báo The Daily Mail cho biết, trong 3 năm tới Anh sẽ thay thế tiền giấy bằng tiền polymer (còn gọi là tiền plastic hoặc tiền chất dẻo). Ngân hàng Anh đã đấu thầu việc in tiền các mệnh giá với số tiền đặt cọc là 1 tỷ bảng Anh.
Tiền polymer bền hơn các loại tiền giấy. Nếu các loại tiền giấy thường thời gian sử dụng chỉ được 6 tháng thì tiền polymer có thể quay vòng được hơn 3 năm. Tiền polymer vệ sinh hơn vì ít giữ lại những vi trùng vi khuẩn, khó bị hư hỏng, ngoài ra nó còn không thấm nước, chịu được giặt giũ cả trong máy giặt. Tiền polymer có lợi hơn về mặt sinh thái, vì để sản xuất ra chung cần ít lao động hơn…
Anh có thể sử dụng tiền polymer thay cho tiền giấy.
Nhược điểm của tiền polymer là việc in ấn có chi phí cao hơn và cần thời gian để các hệ thống thiết bị và nhân viên ngân hàng thích nghi với loại tiền mới. Vì thế, trước hết, người ta sẽ áp dụng việc chuyển đổi với các loại tiền có mệnh giá nhỏ, từ 5 bảng Anh trở xuống.
Tiền polymer lần đầu tiên được áp dụng ở Australia nhằm đối phó với việc in tiền giả. Thí nghiệm tỏ ra thành công. Sau đó, tiền polymer đi vào hệ thống tiền tệ và ngân hàng ở các nước như New Zealand, Romania, Papua New-Guinea, Mexico, Việt Nam. Tại Bắc Ireland đồng 5 bảng bằng polymer đã được phát hành năm 1999 để kỷ niệm thiên niên kỷ mới.
Trước đây người ta đã biết chính phủ Mỹ đã từng có ý định bỏ đồng tiền giấy mệnh giá là 1 đôla. Riêng biện pháp này đã cho phép Washington tiết kiệm được 4,4 tỷ đôla trong 30 năm, như tuyên bố của Giám đốc cơ quan in tiền của Kho bạc Mỹ Laurel Saint-James, trong khi chuyển tiền giấy thành tiền kim loại đắt hơn khoảng 531 triệu đôla.
Hãng thông tấn AP cho biết, các công dân Mỹ không tán thành lắm với quyết định này của Chính phủ Mỹ, vì đồng tiền kim loại không thuận tiện khi quay vòng và đồng 1 đôla kim loại tạo cho người ta cảm giác đó là tiền lẻ.