Công nghệ áo robot đã khôi phục khả năng đi đứng của những người không may bị tàn phế vì tai nạn trong nhiều năm.
Michael Gore gặp tai nạn cách đây khoảng 11 năm và cuộc sống của anh thay đổi từ đó. Gore không thể đi được. Tuy nhiên, mọi chuyện đã trở thành quá khứ nhờ vào bộ áo robot mới, cho phép anh có thể đứng thẳng, ngồi và đi tùy ý. Bộ áo Indego Exoskeleton được thiết kế để hỗ trợ bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi sau chấn thương, hoặc khôi phục khả năng tự đi đứng ở những người bị liệt như Gore. Anh đang tập sử dụng một phiên bản áo robot kể từ năm 2010, trong lúc trải qua thời gian phục hồi chấn thương tại Trung tâm Shepherd ở Atlanta (Mỹ). “Thật là tuyệt vời. Đó là cảm giác mà bạn đã quên mất khi bị dính chặt vào chiếc ghế quá lâu”, Gore hồ hởi nói.
Áo robot của Gore được thiết kế để gắn chặt vào mắt cá và kéo dài theo chân lên thân người. Các động cơ điện tử di chuyển khớp hông và khớp gối, trong khi hành động ngả người về trước hoặc sau sẽ kiểm soát chuyển động của cỗ máy. Người mặc áo robot sử dụng cặp gậy nhằm giữ thăng bằng trong quá trình di chuyển. “Bạn có thể so sánh áo robot như là chiếc Segway với đôi chân”, theo Michael Goldfarb, nhà phát triển công nghệ mới của Đại học Vanderbilt. “Nếu người dùng ngả người về phía trước, anh ta sẽ đi tới. Nếu ngả người ra sau và giữ vài giây, có nghĩa là động tác ngồi. Lúc đang ngồi, nghiêng người về trước và giữ vài giây, thế là đứng lên”, chuyên gia Goldfarb giải thích.
Áo robot giúp người mặc có thể di chuyển bình thường mà không cần hỗ trợ - (Ảnh: Ekso)
Ryan Farris, cũng là một nhà phát triển áo robot, cho hay thiết bị trên là kết quả tích lũy qua nhiều năm của quá trình nghiên cứu về robot. Giới chuyên gia đã bắt đầu mày mò thiết kế áo robot từ thập niên 1970, và từ đó đến nay họ lần lượt đạt được tiến triển về công nghệ động cơ, pin, cảm biến, và cuối cùng áo robot đầu tiên cũng tượng hình. Phiên bản mới của áo robot do hãng Parker Hannifin Corp. chế tạo sẽ nhẹ hơn bộ áo nguyên mẫu nặng 12kg, và có thể được mặc vào trong chưa đầy 5 phút. Dự kiến Indego Exoskeleton, phiên bản thương mại dựa trên ý tưởng ban đầu của Đại học Vanderbilt, sẽ có mặt trên thị trường vào đầu năm sau. Người dùng có thể tháo lắp tùy ý áo robot để tiện cho việc di chuyển.
Người liệt chân không phải là đối tượng duy nhất được hưởng lợi từ thiết bị hỗ trợ trên. Indego Exoskeleton còn được thiết kế để giúp các bệnh nhân chấn thương cột sống học cách một lần nữa sử dụng đôi chân. “Đối với một người bị chấn thương cột sống một phần, hoặc đang trong giai đoạn hồi phục sau cơn đột quỵ hoặc thậm chí bị đa xơ cứng”, theo CNN dẫn lời chuyên gia Farris. Áo robot sẽ hoạt động theo ý muốn của người mặc, tạo điều kiện để họ theo đuổi quá trình vật lý trị liệu một cách nghiêm túc, vốn hết sức cần thiết để tái tạo các đường dẫn thần kinh sau chấn thương. “Họ phải cố gắng đi, và buộc phải nỗ lực, và thiết bị chỉ hỗ trợ khi cần thiết. Áo robot đủ thông minh để phát hiện khi nào người bệnh khá hơn, nhằm loại bớt sự hỗ trợ theo hướng giúp người mặc dần dần có thể tự đi trên đôi chân của mình”, chuyên gia Farris bổ sung.
Hồi phục khả năng đi ở bệnh nhân chấn thương cột sống rất quan trọng. Điều này do những người phải ngồi xe lăn sẽ mất đi mật độ xương và đối mặt với những vấn đề sức khỏe khác, vốn chỉ được giải quyết khi người bệnh tập đi, dù trong thời gian ngắn. Ngoài Indego Exoskeleton, còn có bộ áo sinh học ReWalk của hãng công nghệ y khoa Argo tại Israel, cho phép người mặc có thể ngồi, đứng và đi.