Australia cho phép phi thuyền Việt Nam đầu tiên đưa người lên không gian vào tháng 5 tới

“Phi thuyền không gian” đầu tiên do nhóm kỹ sư Việt trẻ, đứng đầu là Phạm Gia Vinh chế tạo thử nghiệm sẽ đưa người lên không gian vào tháng 5/2018.

Trả lời PV, thạc sỹ Phạm Gia Vinh, người đứng đầu nhóm chế tạo cho biết về cơ bản việc hợp tác giữa Đông Giang Việt Nam và phía cơ quan chức năng Australia để đưa người lên tầng bình lưu đã được Cục An toàn hàng không dân dụng Australia (CASA) đồng ý.

Trước đó, theo quy định an toàn của phía Australia, mọi thiết bị đều phải có dự phòng. Vì vậy, trong tháng 1/2018, nhóm dự án đã thử nghiệm phương án thu hồi bằng dù kép. Việc này đòi hỏi phải tính toán kỹ việc bố trí hai dù hãm song song làm sao cho hai chiếc dù đều mở hoàn toàn mà không gây ảnh hưởng tới chiếc còn lại.

Việc thử nghiệm phải đảm bảo rằng nếu một chiếc không mở thì chiếc còn lại vẫn đủ sức đưa thiết bị đáp xuống với tốc độ an toàn cho phi công.

Vì vậy, tháng 1/2018, nhóm nghiên cứu của Phạm Gia Vinh đã chứng minh được phương án thu hồi bằng dù an toàn trước CASA.

“Quá trình bay thử nghiệm diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi không gặp trục trặc gì”, thạc sỹ Phạm Gia Vinh thông tin.

Ông Vinh thông tin thêm việc sử dụng dù kép cho thiết bị bay ở tầng bình lưu là chưa có tiền lệ nên nhóm thực hiện dự án phải thiết kế từ đầu và phải cân nhắc các phương án để chọn ra thiết kế tối ưu và an toàn nhất.

“Giải pháp của chúng tôi là tốt nên đã đáp ứng được các yêu cầu an toàn từ phía CASA”, ông Vinh nói với PV.

Ngay khi việc thử nghiệm thành công, công ty Đông Giang Việt Nam nộp hồ sơ xin bay có người. Dự kiến thời gian triển khai bay có người vào tháng 5/2018.


Phạm Gia Vinh và thiết bị bay có trần bay gần 30km do anh và các cộng sự nghiên cứu chế tạo.

Thạc sỹ Phạm Gia Vinh thông tin thêm, hiện nay nhóm nghiên cứu đang lựa chọn các ứng viên nước ngoài để bay thử nghiệm có người lái.

“Chúng tôi sẽ lựa chọn một phi công người nước ngoài từ hồ sơ của 3 ứng viên. Tuy nhiên, phải gần đến thời gian bay chúng tôi mới có thể tiết lộ đó là người nào. Hiện tại, chúng tôi chưa thể tiết lộ được thông tin này”, ông Vinh nói.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu này cũng cho biết việc thử nghiệm thành công đối với các giải pháp an toàn là một điều bình thường và không ngoài dự đoán.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện trong nhiều năm nay. Bước thử nghiệm an toàn vừa rồi cũng chỉ là bước thủ tục khi phía CASA yêu cầu. Đó không phải là thử nghiệm kỹ thuật mới. Vì vậy, kết quả thử nghiệm thành công giải pháp an toàn không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi”, thạc sỹ Phạm Gia Vinh nói.

Ông Vinh khẳng định thiết bị bay có người lái sẽ đưa người lên không trung vào tháng 5 tại một địa điểm tại Úc. Tuy nhiên, tháng 5 là giai đoạn chuyển mùa ở Úc nên thời tiết có nhiều biến đổi. Vì vậy, nhóm nghiên cứu sẽ căn cứ vào tình hình thời tiết để có lịch trình bay phù hợp.

Trước đó, tháng 5/2017, thạc sỹ Phạm Gia Vinh đã cho biết các cơ quan chức năng của Australia đã cấp phép cho “phi thuyền không gian” của công ty Đông Giang bay ở tầng bình lưu có người đi kèm.

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới trong việc thử nghiệm các khí cụ bay do công ty Đông Giang của Phạm Gia Vinh và các kỹ sư người Việt chế tạo.

Việc cấp phép cho các thiết bị bay không người lái thực hiện ở giai đoạn 2 ở một quốc gia phát triển như Australia là việc không hề đơn giản.

Thạc sỹ Phạm Gia Vinh cho biết, để thiết bị không người lái của anh được bay thử nghiệm ở Australia, đòi hỏi phải đáp ứng được những điều kiện khắt khe nhất theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.

Trước đó, lúc 4h sáng 16/5/2016, từ thị trấn Alice Spring (Ausralia), “phi thuyền” do nhóm kỹ sư Việt Nam chế tạo đã được phóng vào không gian và bay thành công ở trần bay 25 km.

"Phi thuyền không gian" có tên gọi đầy đủ là khí cụ bay tầng bình lưu. Theo thạc sỹ Phạm Gia Vinh - trưởng nhóm thiết kế, chế tạo, "phi thuyền không gian" đầu tiên của Việt Nam đã được phóng vào môi trường cận vũ trụ ở và hoạt động ổn định ở độ cao 25km và được mô phỏng một vệ tinh viễn thông.

Anh Vinh cho biết thêm "phi thuyền" - gọi theo đúng thuật ngữ khoa học là khí cụ bay tầng bình lưu trước đó đã được bay thử nghiệm trong bán kính 200km với trần bay tối thiểu 28 km, thời gian bay 5 tiếng.


Phạm Gia Vinh (điều khiển máy tính) và các nhà khoa học Ấn Độ trong lần bay thử nghiệm tại Ấn Độ.

Ngày 13/5/2015, "phi thuyền" do Phạm Gia Vinh làm kiến trúc sư trưởng chế tao đã mang thành công chuột vào không gian ở độ cao 29,5km trong cuộc thử nghiệm bay tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ).

Sau gần 2 tiếng đồng hồ bay ở độ cao cận vũ trụ, phi thuyền mang theo 3 con chuột đã trở về trái đất an toàn trong niềm vui bất tận của nhóm nghiên cứu, chế tạo. Dự án chế tao khí cụ bay tầng bình lưu được liên kết với tập đoàn InGenius của Singapore.

Chanel News Asia dẫn lời ông Lim Seng, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc quản lý của tập đoàn InGenius cho biết 3 con chuột vẫn an toàn trở về sau chuyến đi qua cả giới hạn Armstrong (độ cao mà áp suất không khí cực thấp) bằng cách sử dụng kinh khí cầu tầng bình lưu.

Trước đó, ngày 6/4/2015, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân và các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về khoa học hàng không đã có cuộc gặp gỡ cởi mở với Phạm Gia Vinh và nhóm kỹ sư người Việt chế tạo “phi thuyền không gian”.

Sau khi nghe Phạm Gia Vinh trình bày, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng sẽ còn nhiều việc phải làm để đưa sản phẩm này ứng dụng ra thực tế nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng hỗ trợ tối đa để phát triển công trình này.

Bộ trưởng Quân gợi ý việc có thể đưa thiết bị của Vinh thử nghiệm để nghiên cứu đường đi, cường độ của các cơn bão khi mùa mưa bão ở Việt Nam.

Tháng 8/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến cho phép bay trình diễn khí cụ bay tầng bình lưu của Công ty CP nghiên cứu phát triển Đông Giang Việt Nam do Phạm Gia Vinh điều hành, quản lý.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, cấp phép bay thử nghiệm trình diễn khí cụ bay tầng bình lưu của Công ty trên theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau 2 năm, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chưa cấp phép cho khí cụ bay tầng bình lưu của Công ty CP nghiên cứu phát triển Đông Giang Việt Nam có dịp thử nghiệm ở Việt Nam.

Điều này khiến nhiều nhà khoa học cũng bày tỏ sự băn khoăn khi “phi thuyền không gian” này đã được cấp phép và bay thử nghiệm thành công ở nhiều nước trên thế giới khi đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất.

Những lo ngại về “chảy máu chất xám” này có cơ sở khi nhiều nhà khoa học cho rằng đang gặp khó trên chính đất nước của mình.

Nhân sự việc này, nhiều người lại nghĩ ngay đến những phát biểu thẳng thắn của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 được tổ chức ngày hôm qua 17/5.

Tại hội nghị với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Đột phá về công nghệ vũ trụ

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa từng có một khí cụ bay dân sự nào có thể đạt đến trần bay 30km. Chiếc “phi thuyền” của nhóm Phạm Gia Vinh đã vượt xa tầm hoạt động của các máy bay dân dụng, sánh ngang với một số ít quốc gia phát triển sở hữu công nghệ chế tạo khí cụ bay có trần bay trên 30 km như Mỹ, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Ấn Độ…


Phạm Gia Vinh cho biết sẽ sớm cho thử nghiệm ở Việt Nam với những thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học.

Các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam khẳng định, chiếc “phi thuyền” không gian của Phạm Gia Vinh và nhóm kỹ sư hàng không Việt sở hữu những tính năng vượt trội, là cánh cửa mở ra cơ hội to lớn trong nghiên cứu công nghệ vũ trụ.

Với trần bay cao từ 30-50km, thiết bị cho phép thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của trái đất, gửi dữ liệu, ảnh đa phổ trực tiếp về hiện trường.Các nhà khoa học có thể tìm hiểu nguồn nước, độ phủ xanh của đất, quan sát được mầm bệnh của cây trồng.

Đồng thời, thiết bị này sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão ở độ cao này. Ưu điểm của thiết bị là có thể chuyển dữ liệu về nhanh hơn vệ tinh bằng cách gửi trực tiếp hình ảnh thu thập được về trái đất.

Trong lĩnh vực an ninh thông tin, khi vệ tinh hỏng có thể sử dụng khí cụ bay như một trạm thu, phát sóng trong thời gian một tuần để phục vụ sửa chữa. Bên cạnh đó, nó có thể được dùng làm các hệ thống radar phục vụ cho quốc phòng và nghiên cứu khoa học.

Cập nhật: 05/03/2018 Theo VTC
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video