Australia công bố báo cáo cuối cùng về hoạt động tìm kiếm máy bay MH370

Cục An toàn Giao thông Australia khẳng định: "Chưa thể xác định chắc chắn nguyên nhân máy bay MH370 mất tích cho đến khi tìm thấy máy bay".

Ngày 3/10, Cục An toàn Giao thông Australia (ATSB), cơ quan phụ trách giám sát hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines, đã công bố báo cáo cuối cùng về công tác tìm kiếm, trong đó bày tỏ rất tiếc vì đã không tìm thấy chiếc máy bay mất tích, đồng thời nhấn mạnh đây là điều "không thể chấp nhận được".

Báo cáo của ATSB nêu rõ: "Chưa thể xác định chắc chắn nguyên nhân máy bay MH370 mất tích cho đến khi tìm thấy máy bay". Báo cáo cũng nhấn mạnh "Không thể tưởng tượng được và về mặt xã hội không thể chấp nhận được là trong một kỷ nguyên hàng không hiện đại này một chiếc máy bay thương mại lớn bị mất tích, và thế giới không biết chắc điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay đó cũng như những người trên máy bay".

Ngày 8/3/2014, chiếc máy bay Boeing 777 thực hiện chuyến bay mang số hiệu MH370 trên hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) với 239 người gồm hành khách và phi hành đoàn trên máy bay đã mất liên lạc với mặt đất. Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn nhất trong lịch sử hàng không, do Australia dẫn đầu với sự tham gia của Trung Quốc và Malaysia, đã được tiến hành.


Thông điệp tưởng nhớ các nạn nhân MH370, nhân tưởng niệm một năm vụ mất tích máy bay này ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 6/3/2015. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Theo giả thiết ban đầu, máy bay đã đổi hướng bay và rơi tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển Tây Australia. Hoạt động tìm kiếm ban đầu được tiến hành trong khu vực rộng 60.000km2, đến tháng 5/2015 đã tăng gấp đôi.

Đến nay, 27 mảnh vỡ đã được tìm thấy, trong đó có 2 mảnh vỡ từ Nam Phi được phát hiện cách đây 2 tuần. Trong số này, chỉ có 3 mảnh vỡ được xác nhận thuộc máy bay MH370, 5 mảnh vỡ khác được xác định là “gần như chắc chắn” từ máy bay Boeing 777. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được vị trí máy bay, không tìm thấy thi thể nạn nhân nào, cũng như không xác định được nguyên nhân chính xác gây ra thảm họa này.

Cuộc tìm kiếm đã phải dừng lại từ tháng 1/2017 sau hơn 2 năm rưỡi nỗ lực không ngừng cùng với các nguồn lực và kinh nghiệm chuyên môn từ các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thuộc nhiều chính phủ khác nhau và nhiều cá nhân.

Trong báo cáo dày 440 trang công bố ngày 3/10, ATSB trình bày chi tiết cuộc tìm kiếm không thành công trong 1.046 ngày trên mặt biển và dưới biển sâu ở Ấn Độ Dương, cùng với những phân tích khoa học đối với các ảnh chụp qua vệ tinh, các dòng hải lưu và những mảnh vỡ tìm thấy.

Báo cáo nêu rõ hoạt động tìm kiếm dưới biển đã rà soát hầu hết các khu vực nhiều khả năng máy bay rơi xuống. Báo cáo bày tỏ "vô cùng tiếc vì đã không tìm thấy chiếc máy bay mất tích cũng như những người người trên máy bay".

Người đứng đầu ATSB Greg Hood bày tỏ chia buồn cùng gia đình người thân của 239 hành khách và phi hành đoàn mất tích trong sự cố mà ông mô tả là "một thảm họa lớn". Tuy nhiên, ông hy vọng họ được an ủi vì "tổ tìm kiếm đã làm việc hết mình để tìm ra câu trả lời".

Malaysia đã tiếp tục tiến hành điều tra để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Tháng 8 vừa qua, nhà chức trách nước này cho biết đã nhận được đề nghị từ công ty thám hiểm đáy biển tư nhân Ocean Infinity nối lại hoạt động tìm kiếm.

Cập nhật: 03/10/2017 Theo TTXVN/Báo Tin Tức
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video