Cơ quan Vũ trụ Australia hôm 5/9 thông báo, nước này dự định đưa robot đầu tiên tới Mặt trăng theo nhiệm vụ Artemis của NASA trong vài năm tới.
Mô phỏng robot thám hiểm đầu tiên của Australia trên bề mặt Mặt trăng. (Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Australia).
"Sử dụng công nghệ vận hành từ xa hàng đầu thế giới của Australia, robot tự hành sẽ thu thập đất đá Mặt trăng, gọi là regolith. NASA sẽ cố gắng chiết xuất oxy từ mẫu vật. Đây là một bước then chốt hướng đến việc thiết lập sự hiện diện bền vững của con người trên Mặt trăng", Cơ quan Vũ trụ Australia (ASA) cho biết.
Robot chưa có tên và ASA đang phát động một cuộc thi nhằm đặt tên cho robot tiên phong này. Cư dân Australia có thể tham gia với hạn cuối là ngày 20/10. ASA sẽ chọn ra 4 tên yêu thích nhất, sau đó mở một cuộc bình chọn công khai. Tên gọi thắng cuộc dự kiến được công bố đầu tháng 12.
NASA đang nỗ lực thiết lập sự hiện diện bền vững của con người trên và xung quanh Mặt trăng vào cuối những năm 2020 nhờ chương trình Artemis. Những kiến thức và kỹ năng học được trong quá trình này sẽ giúp con người tiến đến mục tiêu lớn tiếp theo - phóng tàu chở người đến sao Hỏa.
Tính đến nay, NASA đã triển khai thành công một nhiệm vụ thuộc chương trình Artemis, đó là Artemis 1. Trong nhiệm vụ này, tàu vũ trụ Orion không chở người đã bay tới quỹ đạo Mặt trăng và trở về Trái đất năm 2022. NASA đang chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo, Artemis 2, với mục tiêu đưa 4 phi hành gia bay xung quanh Mặt trăng. Artemis 2 dự kiến triển khai vào cuối năm 2024. Nhiệm vụ sau đó, Artemis 3, sẽ đưa phi hành gia đáp xuống gần cực nam Mặt trăng vào cuối năm 2025 hoặc 2026, nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch.
NASA đang khai thác các mối quan hệ hợp tác thương mại và quốc tế để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng của Artemis. Sự tham gia của robot tự hành Australia trong nhiệm vụ Artemis sắp tới là một ví dụ. Ngoài ra, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng cung cấp module thiết bị cho tàu Orion và tàu Starship của SpaceX sẽ là tàu đổ bộ Mặt trăng có phi hành đoàn đầu tiên của chương trình.