“Bác sĩ lồng ấp” - Ân nhân của trẻ sinh non

Được biết đến với biệt danh “Bác sĩ lồng ấp”, Martin Couney là một nhân vật gây tranh cãi vào đầu thế kỷ 20. Nhưng ngày nay, ông được công nhận là người hùng đã cứu mạng hàng nghìn trẻ sơ sinh ra đời sớm.

Dùng lồng ấp cứu trẻ

Nếu từng đến thăm đảo Coney của New York vào những năm 1930, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các điểm tham quan và thích thú dạo chơi dưới bầu trời nắng đẹp, tất cả chỉ với mức giá 10 xu. Nhưng nếu mạo hiểm đi xa hơn trên lối đi lót ván, thì chỉ thêm 25 xu, mọi người có thể nhìn thấy Martin Couney và những đứa trẻ trong lồng ấp của ông.


Những đứa trẻ trong lồng ấp được trưng bày năm 1934 ở New York, Mỹ.

Chúng là trẻ sinh non xếp thành hàng, một số chỉ cân nặng khoảng 0,5kg, đang chiến đấu để giành lấy mạng sống. Vào thời điểm đó, Martin Couney không chỉ cứu sống hàng nghìn sinh mạng, mà còn khiến thế giới phải thay đổi cách quản lý chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ sinh non.

Martin Couney, tên khai sinh là Michael Cohn, ra đời tại Krotoszyn, Ba Lan vào năm 1869. Người ta biết rất ít thông tin về cuộc đời của ông trước khi ông nhập cư vào Mỹ năm 1888. Điều này cũng do ông đã thay đổi các chi tiết về quá khứ của mình để phù hợp với câu chuyện kể ăn khách như nhiều nghệ sĩ giải trí khác vào lúc đó.

Ông cho biết, đã lấy được bằng y tế ở châu Âu, sau khi học y khoa ở Leipzig và Berlin, Đức. Nhưng các nhà sử học ngày nay đều cho rằng trên thực tế, Couney không phải là một bác sĩ được đào tạo bài bản. Đó là vì ông ta còn quá trẻ để theo học đại học, trước khi di cư từ châu Âu năm 19 tuổi.

Couney tuyên bố từng được sự dẫn dắt của bác sĩ Pierre-Constant Budin, được coi là người sáng lập ra y học sơ sinh hiện đại. Nghiên cứu đột phá của Budin về các khái niệm như máu cuống rốn, lợi ích của việc cho con bú và chăm sóc chu kỳ sinh đều được ghi nhận đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cùng tuổi thọ của cả trẻ sơ sinh và bà mẹ vào đầu thế kỷ 20 ở Pháp.

Couney cũng nói rằng, ông là người trung gian của Budin tại Triển lãm Công nghiệp lớn Berlin năm 1896, nơi trưng bày “khu ấp trẻ em” của Budin. Nhiều khả năng, Couney là một kỹ thuật viên thiết bị y tế tại triển lãm với Budin, nếu hai người thực sự biết nhau.

“Lồng ấp” của Budin từng được dùng cho gà trong các trang trại, nhưng chưa bao giờ được sử dụng với con người. Budin đã trưng bày nó vào năm 1897 tại Lễ kỷ niệm trị vì 60 năm của Nữ hoàng Victoria; vào năm 1898 tại Triển lãm xuyên Mississippi ở Omaha, Nebraska; và năm 1901 tại Triển lãm Liên Mỹ Buffalo, New York.

Mặc dù, thời gian không chắc chắn, nhưng có thể trước năm 1907, Couney đã sử dụng thành công lồng ấp để cứu trẻ sinh non, thậm chí còn cứu cả con gái của mình. Năm 1903, Martin Couney kết hôn với một y tá tên là Annabelle Maye. Bốn năm sau, Annabelle sinh sớm 6 tuần một cô con gái tên là Hildegarde, chỉ nặng 1,3kg.


Martin Couney và BS Pierre - Constant Budin (phải), được xem là cha đẻ của lồng ấp trẻ sơ sinh ngày nay.

Trạm cứu sinh nơi công viên giải trí

Vào đầu những năm 1900, trẻ sinh non cũng phổ biến như ngày nay, nhưng rất ít dịch vụ chăm sóc y tế dành cho chúng. Kết quả là có đến ba trong số bốn trẻ sinh non không sống sót.

Nhưng ngay cả khi các lồng ấp đã được triển lãm khắp nước Mỹ, các bác sĩ vẫn do dự với ý tưởng này vì hiệu quả trên con người của chúng chưa được nghiên cứu trong môi trường khoa học. Couney lúc này với kinh nghiệm triển lãm, quyết định thử theo cách khác.

Những đứa trẻ cần được cứu và ông phải làm điều gì đó, ngay cả không theo cách thông thường. Năm 1903, Couney thiết lập hai hoạt động tại hai công viên giải trí chính của đảo Coney, một ở Công viên Luna và một ở Dreamland gần đó.

Thật kỳ diệu, mặc dù, Dreamland bị thiêu rụi vào tháng 5/1911, ngay trước ngày khai trương, nhưng tất cả các em bé trong lồng ấp đã được cứu sống.

Cuộc trình diễn những trẻ sinh non được chuyển đến Công viên Luna và kéo dài đến 40 năm. Số tiền thu được sẽ tài trợ cho cả việc chăm sóc trẻ sơ sinh và duy trì “lồng ấp trẻ em”.

Vào thời điểm Couney đóng cửa triển lãm Công viên Luna của mình, có khoảng 8.000 trẻ sơ sinh được ông chăm sóc. Trong số này, ông đã cứu sống hơn 6.500 cháu - bao gồm cả con gái yêu của ông, Hildegarde, vào năm 1907 - mang lại cho Couney tỷ lệ thành công hơn 85%.

Một trong những đứa trẻ sinh non được cứu sống lúc đó là Lucille Horn. Sinh năm 1920, cô và người em song sinh của mình ra đời sớm và chỉ nặng vỏn vẹn 1kg khi chào đời. Người em đã chết ngay sau khi cô được sinh ra, và nếu không có sự trợ giúp của Couney, Horn có thể cũng không sống nổi.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn với Storycorps năm 2015: “Họ không có bất kỳ sự giúp đỡ nào cho tôi cả. Đơn giản là bạn sẽ chết vì bạn không thuộc về thế giới này”.

Đến những năm 1940, cộng đồng y tế cuối cùng cũng coi trọng khái niệm “lồng ấp trẻ em” và bắt đầu đưa chúng vào quy trình chăm sóc trẻ sơ sinh của họ trong bệnh viện. Và Martin Couney đã đóng cửa chương trình hoạt động của mình vào năm 1943. Ông qua đời năm 1950.

Sau khi “lồng ấp trẻ em” - hiện được gọi là lồng ấp - đã được chấp nhận hoàn toàn, những tiến bộ bổ sung cũng được phát triển để hoàn thiện việc chăm sóc trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ. Chẳng hạn như: “Chăm sóc Kangaroo” - liên kết giữa cha mẹ và em bé - và các kỹ thuật khử trùng tiên tiến.

Ngày nay, mặc dù cứ 10 trẻ ra đời thì có một trẻ sinh non ở Hoa Kỳ, nhưng cơ hội sống sót của chúng vẫn cao hơn bao giờ hết nhờ các “lồng ấp trẻ em” của Couney.

Cập nhật: 25/08/2021 Theo GD&TĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video