Bác sĩ robot trong cấp cứu đột quị

Robot RP-7 đón bệnh nhân tại phòng cấp cứu, màn hình trên đầu hiển thị ảnh của một bác sĩ chuyên khoa (Ảnh: physorg)

Bắt đầu từ tháng tới, bệnh nhân đột quị được chuyển đến phòng cấp cứu của 21 bệnh viện ở bang Michigan (Mỹ) có thể băn khoăn đôi chút khi thấy “bác sĩ” cao 1,5 m với đầu là màn hình có gắn camera. Đừng vội lo lắng! Bởi bác sĩ robot này có kết nối thông qua Internet với một chuyên gia đột quị luôn trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp dù cho đang ở cách xa hàng trăm km. Khuynh hướng sử dụng robot làm cầu nối giữa bác sĩ tuyến trên với bác sĩ tuyến dưới trong các ca cấp cứu đột quị có thể cải thiện đáng kể cơ hội hồi phục cho người bệnh.

Bệnh viện St.Joseph Mercy Oakland (SJMO) là nơi đầu tiên ở Mỹ tham gia dự án Mạng lưới Đột quị Michigan (được thành lập giữa tháng 10-2006), cho phép các bác sĩ chuyên khoa đột quị ở bệnh viện lớn cùng bang chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp tại những bệnh viện nhỏ hơn. Khi trở thành thành viên của dự án, các trung tâm điều trị sẽ được bố trí một bác sĩ đầu ngành sẵn sàng hỗ trợ 24/24. Khi đó, bác sĩ được chỉ định sử dụng máy tính xách tay và Internet để kết nối với robot ở bệnh viện thành viên, qua đó hội chẩn từ xa với đồng nghiệp đang ở gần người bệnh.

Giám đốc điều hành SJMO Jack Weiner cho biết: “Khi liên kết với bác sĩ từ xa thông qua Internet, trên thực tế chúng tôi có một bác sĩ túc trực tại bệnh viện vùng xa để thực hiện những chỉ dẫn trong cấp cứu, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân”. Đây là sự chọn lựa tốt hơn việc chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên có trang thiết bị hiện đại, ông Weiner nói. Ngoài chi phí, việc di chuyển này có thể làm chậm đáng kể quá trình chữa trị. Theo chương trình mới, một số bệnh nhân sẽ được chuyển đến SJMO nhưng chỉ khi cơ thể họ không phản ứng với thuốc tan huyết khối.

Tập đoàn Matsushita vừa giới thiệu đội robot vận chuyển máu cho các phòng thí nghiệm tại Nhật. 10 robot làm việc đồng bộ và có thể phục vụ mỗi giờ 9.000 túi máu (ảnh). (Theo Kyodo)

Các chương trình bác sĩ từ xa tương tự dành cho điều trị đột quị đang được phát triển hoặc thí điểm tại một số bang và thành phố ở Mỹ gồm Alaska, Colorado, Georgia, Illinois, Kansas, Missouri, Nevada, New Mexico, New York, Tennessee và Washington. Theo Tiến sĩ Gregory Albers, nhà thần kinh học đứng đầu trung tâm đột quị thuộc Đại học Stanford, nhiều bệnh nhân sẽ nhận được thuốc đặc trị thông qua các chương trình này và bệnh viện tham gia không tốn khoản chi phí nào. SJMO đã đầu tư 2,5 triệu USD thanh toán trước công nghệ thiết lập mạng lưới và sẽ gánh chi phí hàng năm 2 triệu USD, trong đó 50% dùng thuê, bảo dưỡng robot và phần còn lại dành cho chi trả lương. Chương trình cũng bao gồm các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn cho bác sĩ ở các bệnh viện thành viên.

Trong khi nhiều chương trình y tế từ xa trông cậy vào công nghệ hội nghị truyền hình, SJMO chọn lựa sử dụng robot RP-7 bởi tính cơ động làm chúng trở nên thân thiện với người sử dụng hơn. Ngoài ra, robot cũng đã được dùng rộng rãi trong bệnh viện và góp phần thay đổi bản chất tương tác trong việc khám chữa bệnh từ thụ động sang chủ động. Chẳng hạn, robot sẽ đóng vai trò là cặp mắt của bác sĩ từ xa giúp họ quan sát quá trình điều trị toàn diện hơn hoặc sẽ hỗ trợ bác sĩ trong lúc hội chẩn khẩn cấp trong phòng cấp cứu. Các chuyên gia dự đoán mạng lưới này sớm được ứng dụng cho những chuyên khoa khác.

TUYẾT HỒNG

Theo Xinhua, Reuters, Báo Cần Thơ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video