Những người dân làng ở một hòn đảo Ireland rất kinh ngạc và vui mừng khi phát hiện toàn bộ bãi biển dài 300m bị cuốn trôi cách đây 33 năm bất ngờ xuất hiện trở lại chỉ sau một đêm nhờ thủy triều.
Bãi biển tuyệt đẹp gần làng Dooagh trên đảo Achill, Ireland biến mất trong đợt bão mùa xuân năm 1984 sau khi những con sóng cuốn trôi tất cả cát. Với khung cảnh chỉ còn trơ lại những bãi sỏi đá, gần như tất cả khách sạn, nhà nghỉ và quán cà phê trong làng phải đóng cửa. Tuy nhiên, nhờ thủy triều mạnh, hàng trăm nghìn tấn cát đổ dồn lên bãi biển trong suốt 10 ngày tháng 4, tái tạo lại bãi biển dài 300m, theo Sun.
Hàng đống cát được bồi đắp chỉ sau một tuần, khiến cư dân địa phương hết sức vui mừng.
Những người dân địa phương hy vọng bãi biển sẽ vẫn lưu lại ở đây để chính thức được công nhận trong cuộc xét duyệt năm sau.
"Trước khi biến mất, bãi biển đã có ở đó từ rất lâu và gần như liên tục cho đến năm 1984 - 1985. Trong suốt thời gian ấy, một số cơn bão lớn thực sự phá hủy bãi biển và nó hoàn toàn bị rửa trôi. Năm 1984 là năm cuối cùng bãi biển còn ở đó. Sau đó vào tháng 4, chúng tôi có một đợt lạnh kéo dài qua lễ Phục sinh với gió thổi tới từ phương bắc. Gió thổi thường xuyên và ổn định, mang đến vật chất xói mòn từ nơi khác", Sean Molly, người quản lý ở Achill Tourism, cho biết.
Theo Molly, hàng đống cát được bồi đắp chỉ sau một tuần, khiến cư dân địa phương hết sức vui mừng. "Thật tốt khi bãi biển xuất hiện trở lại. Đây là một ví dụ khó tin về sức mạnh của tự nhiên và cách bờ biển thay đổi chỉ trong vài ngày", Molly nói.
Tiến sĩ Ivan Haigh, phó giáo sư hải dương học ở Đại học Southampton, cát dọc bờ biển luôn trong tình trạng thường xuyên thay đổi, bị dịch chuyển bởi bão, sóng và gió. Nó cũng chịu ảnh hưởng của nguồn cung cấp trầm tích từ những bãi bồi nhiều khi ở cách xa 100km. Sức mạnh của bão và sóng biển cũng như môi trường thay đổi cung cấp điều kiện lý tưởng để tích tụ cát.