Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cho biết, nhờ những nỗ lực bảo tồn nên loài cự đà xanh đặc hữu của đảo Grand Cayman, Vương quốc Anh thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng.
Theo trang Mongabay, loài cự đà xanh (có tên khoa học Cyclura lewisi) từng là “vua” của đảo Grand Cayman. Chúng có đôi mắt đỏ, chiều dài cơ thể khoảng 1,5m với trọng lượng chừng 11kg và có thể “sống thọ” hơn 60 năm. Sau này, những gì xảy ra với loài cự đà xanh thật không thể tưởng tượng được: môi trường sống bị phá hủy, quá trình đô thị hóa và việc chó, mèo ngày càng nhiều đã “phế truất ngôi vương” của chúng.
Năm 2002, các nhà nghiên cứu ước tính còn 10 - 25 cá thể cự đà xanh, báo động loài này có thể bị tuyệt chủng trong tương lai gần. Các nhà bảo tồn đã bắt đầu thực hiện một nỗ lực cuối cùng để cứu loài cự đà xanh.
Cự đà xanh trên đảo Grand Cayman. Ảnh: Julie Larsen Maher/WCS
Nhờ chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ quốc tế cùng hợp sức trong “Chương trình phục hồi cự đà xanh” (BIRP) nên kết quả đạt được tương đối khả quan. Trong vòng 9 năm, số lượng loài cự đà xanh đã tăng lên hơn 500 con, hiện sống “lang thang” trong khu bảo tồn Salina trên đảo Grand Cayman.
Các nhà khoa học thực hiện được điều kỳ diệu trên như thế nào?
Ban đầu, họ chăm sóc và nhân giống cự đà xanh trong điều kiện nuôi nhốt, mãi cho tới khi chúng được 2 năm tuổi (đủ lớn để chống chọi với sự săn lùng của những con mèo hoang dã trên đảo này), rồi thả chúng vào khu bảo tồn Salina có diện tích khoảng 253ha và sau đó, chúng được giám sát chặt chẽ.
Một con cự đà xanh chưa trưởng thành đang đợi được kiểm tra sức khỏe. Ảnh: Julie Larsen Maher/WCS
“Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã thành công khi thả thêm hàng trăm con cự đà xanh vào quần thể hoang dã tại khu bảo tồn Salina. Tất cả chúng đều được kiểm tra sức khỏe trước khi được thả”, tiến sĩ Paul Calle, giám đốc phụ trách sức khỏe cho động vật tại sở thú Bronx thuộc WCS, người đã kiểm tra sức khỏe cho cự đà xanh, nói.
“Trong tháng này, chúng tôi đã giải phóng lứa cự đà xanh đầu tiên vào Colliers - một khu bảo tồn hoang dã mới được thành lập. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển quần thể cự đà xanh lên khoảng 1.000 con, đến nay có thể nói nguyện vọng của chúng tôi sắp trở thành hiện thực”, ông Fred Burton - giám đốc BIRP phát biểu trong một thông cáo báo chí.