Bắt đầu bằng bài tập "nhện hít đất": Ép hai bàn tay vào nhau, dang các ngón tay xa hết sức trong khi các đầu ngón vẫn chụm vào nhau, sau đó xếp các ngón thành hình tháp chuông.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Phương, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, hội chứng ống cổ tay gây đau, cứng, tê bì ở nhiều ngón và bàn tay, có thể lan rộng lên cẳng tay hay cánh tay. Tình trạng này do dây thần kinh giữa ở cổ tay bị chèn ép gây ra. Thống kê tại Mỹ cho thấy bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm. Hiện chưa có nghiên cứu khẳng định rõ nguyên nhân gây hội chứng này. Người ta thường "đổ tội" cho nếp sống phối hợp với các yếu tố di truyền gây ra. Thực tế ghi nhận có rất nhiều yếu tố nguy cơ rất khác nhau ở các bệnh nhân.
Dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay
- Tê bàn tay: Dấu hiệu nhận biết đầu tiên là hiện tượng tê bàn tay. Giai đoạn sớm, cảm giác tê xảy ra ngắt quãng. Ở giai đoạn muộn, bàn tay sẽ bị tê liên tục, khi đang đánh máy tính, viết lách hoặc cả khi chạy xe.
- Đau bàn tay và cổ tay: Phần bàn tay và cổ tay cũng có dấu hiệu là đau và tê. Khi không hiểu nguyên nhân ở đâu và triệu chứng đau kéo dài thì hội chứng trên có thể là thủ phạm.
- Đau nhiều hơn vào ban đêm: Đau và tê thường lặp lại gây khó chịu và dần trở nên nặng hơn vào ban đêm, khiến bệnh nhân không ngủ được. Họ thường gấp cổ tay để giảm bớt cảm giác tê, nhưng điều này lại khiến ống cổ tay bị kích thích nhiều hơn. Đây là một trong những dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất.
- Bàn tay cứng vào buổi sáng: Một đêm đau nhức và khó chịu khiến bàn tay bị cứng đơ khi thức dậy vào buổi sáng, gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động đơn giản như dọn dẹp nhà hoặc chạy xe đi làm.
Đau và tê thường lặp lại gây khó chịu và dần trở nên nặng hơn vào ban đêm.
- Cơ yếu hơn so với bình thường: Nếu các triệu chứng diễn ra trong một thời gian dài, cơ tay bệnh nhân sẽ yếu dần và cảm giác khó khăn khi thực hiện những cử động đơn giản như mở nắp chai hoặc mở tủ lạnh.
- Cảm giác nóng rát: Cảm giác nóng rát lạ ở bàn tay cũng là dấu hiệu nhận biết hội chứng ống cổ tay rất đặc trưng. Khi chèn ép dây thần kinh chi phối bàn tay, nó không còn hoạt động như bình thường, gây cảm giác nóng rát tự phát.
- Ngứa: Khi bị ngứa bàn tay và cổ tay mà không phải do các nguyên nhân như dị ứng hoặc phát ban, có thể là dấu hiệu hội chứng ống cổ tay. Dây thần kinh bị chèn ép gây các phản ứng bất thường như ngứa, tê và nóng rát.
- Khó cầm nắm: Việc cầm nắm đồ vật tưởng như là điều dễ dàng và bình thường trong cuộc sống giờ trở thành khó khăn lớn. Bạn không điều khiển được bàn tay và ngón tay. Các công việc như dọn dẹp đồ đạc rơi vãi hay dọn đồ chơi cho con trở thành nỗi ám ảnh khi chẳng thể dọn sạch được.
- Gặp vấn đề về cảm giác nhiệt độ: Thông thường, cơ thể phản xạ về sự thay đổi nhiệt độ một cách nhanh chóng. Tuy nhiên hội chứng ống cổ tay đã cản trở sự chính xác và nhanh nhạy đó. Khi đó, ngay khi đụng vào một đồ vật rất nóng, bạn cũng không thể cảm nhận chính xác được độ nóng của nó. Điều này rất nguy hiểm cho cơ thể, các nguy cơ về tai nạn như bỏng nặng tăng cao hơn.
- Sưng các ngón tay: Có nhiều trường hợp sưng ở cổ tay rồi lan ra cả bàn tay và ngón tay. Một số bệnh nhân còn cảm thấy các ngón tay trở nên sưng húp và vô dụng, cho dù chúng không thật sự có những biểu hiện như vậy. Khi thấy các dấu hiệu bất thường diễn ra thường xuyên và không rõ nguyên nhân, cần đến bác sĩ để đuợc thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh và chữa trị kịp thời.
Để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay và giảm nguy cơ phẫu thuật, bác sĩ Phương khuyên mọi người nên tập một lối sống lành mạnh, giữ nhịp vận động hợp lý. Các vấn đề của ống cổ tay có thể phòng được bằng cách tập duỗi tay nhiều lần trong ngày với động tác đơn giản, không đòi hỏi bất cứ thiết bị nào. Có thể tập tại bàn giấy, khi xếp hàng hoặc bất cứ lúc nào đôi tay rảnh rỗi. Bác sĩ hướng dẫn một số bài tập cơ bản như sau:
Động tác "nhện hít đất" nhìn trong gương
Động tác "nhện hít đất".
Người tập ép hai bàn tay vào nhau. Dang các ngón tay xa nhất hết cỡ trong khi các đầu ngón vẫn chạm vào nhau. Sau đó xếp các ngón tay thành hình tháp chuông bằng cách đưa xa ra hai gan bàn tay. Tập đi tập lại nhiều lần. Động tác này có tác dụng làm duỗi cân gan bàn tay, các cấu trúc trong ống cổ tay và dây thần kinh giữa, giúp ngừa hội chứng ống cổ tay.
Rung lắc, "giũ tung" 2 bàn tay
Rung lắc 2 bàn tay.
Người tập đưa tay ra phía trước, thả lòng bản tay và vẫy vẫy tựa như động tác "giũ tung" các ngón tay cho khô sau khi rửa tay xong. Cứ sau mỗi giờ, thực hiện động tác này từ một đến 2 lần sẽ làm cho các gân gấp ngón tay và dây thần kinh giữa khỏi bị bóp chặt, tù túng. Người ta ví động tác này quan trọng như việc rửa tay thường xuyên.
Động tác căng duỗi sâu nhất
Duỗi căng tay.
Đưa thẳng tay phải ra trước, giữ khuỷu tay thẳng, cổ tay mở rộng, các ngón chúi xuống dưới, dang nhẹ. Dùng bàn tay trái để gấp nhẹ cổ tay phải xuống phía dưới. Cố gắng căng duỗi cổ tay và các ngón càng nhiều càng tốt. Khi bạn cảm thấy cổ tay đạt được độ linh hoạt mềm dẻo tối đa, giữ tư thế này trong khoảng 20 giây. Sau đó xoay nhanh các bàn tay và lặp lại như hình trên.
Cứ một tiếng đồng hồ, thực hiện động tác trên 3 lần cho mỗi bên tay. Cố gắng giữ nhịp độ tập nhiều lần trong ngày, cổ tay bạn sẽ trở nên mềm dẻo hơn sau vài tuần. "Tập căng duỗi mỗi ngày là một phần quan trọng để có sức khỏe tốt. Căng duỗi làm cho mọi bộ phận của cơ thể được tăng tưới máu, tăng vận động và linh hoạt", bác sĩ nói và khuyến khích mọi người "sáng tạo" thêm những động tác khác có tác dụng tương tự.