Mẹo chăm sóc mắt cho dân văn phòng trong mùa đông

Giảm thời gian ngồi máy tính, điều chỉnh tư thế ngồi, bố trí ánh sáng phù hợp, mát-xa và vệ sinh mắt... là những mẹo hạn chế tật khúc xạ, mỏi điều tiết và khô mắt cho dân văn phòng.

80% là tỷ lệ giới văn phòng tham gia chương trình tư vấn trực tuyến chăm sóc mắt do Vnexpress tổ chức ngày 10/11. Theo bác sỹ Lê Phước Quang Huy - Phó giám đốc bệnh viện Mắt Hitec, có khoảng từ 25% đến 40% dân văn phòng mắc các tật khúc xạ về mắt, chủ yếu là cận thị. Tỷ lệ người mắc hội chứng thị lực máy tính (CVS) với các triệu chứng mỏi điều tiết, khô mắt, thậm chí còn gấp đôi con số này. Nếu không được chăm sóc đúng cách, các triệu chứng thường trầm trọng hơn trong mùa lạnh.

Điều chỉnh tư thế ngồi

Theo bác sĩ Huy, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến mắt của dân văn phòng là tư thế ngồi làm việc. Đặc điểm nhận dạng tư thế sai, chính là biểu hiện mỏi mắt, hoa mày chóng mặt và đau nhức cột sống cổ lúc tan tầm. Về lâu dài, mắt có nguy cơ cận thị hoặc tăng nhanh độ cận.


Tư thế ngồi sai khiến mắt nhanh chóng bị nhức, mỏi

Bác sĩ Huy khuyên, mắt chỉ nên nhìn máy tính tối đa 8 tiếng một ngày. Để tránh mỏi mắt và cột sống cổ, bàn làm việc hoặc màn hình máy tính cần chếch lên 15 - 20 độ so với mặt phẳng nằm ngang. Khoảng cách từ mắt tới màn hình không ngắn hơn chiều dài một cánh tay (tính từ khuỷu tay cho đến lòng bàn tay).

Bố trí ánh sáng phù hợp

Ánh sáng yếu, quá mạnh hay ánh sáng vàng đều khiến mắt phải điều tiết nhiều. Lựa chọn hiệu quả là kết hợp ánh sáng tự nhiên và nhân tạo ở nơi làm việc để bảo vệ đôi mắt. Nên sử dụng đèn công suất thấp, có thau chụp để hạn chế ánh sáng chói từ các bóng đèn trên cao. Không ngồi hướng đối diện điều hòa để tránh bị khô mắt.

Để giảm thiểu ánh sáng chói phản xạ từ máy tính, có thể nâng cấp màn hình hoặc đeo kính có phủ lớp phản quang. Sử dụng cỡ chữ lớn khi soạn thảo văn bản, thường xuyên lau bụi bẩn trên màn hình để tăng độ sắc nét của chữ.

Mát-xa mắt thường xuyên

Sau khoảng 40 - 45 phút làm việc, bạn nên nhắm mắt 2 - 3 phút và mát-xa vùng quanh mắt khoảng 5 phút để máu lưu thông tốt hơn. Điều này giúp mắt hồi phục nhanh hơn, tránh hiện tượng mỏi điều tiết.

Cách mát-xa mắt đúng là dùng ngón tay xoay nhẹ nhàng vòng quay mắt; vuốt nhẹ vùng bầu mắt trên và bầu mắt dưới; dùng tay day giữa hai chân mày . Nên rửa tay sạch trước khi mát-xa để tránh gây viêm nhiễm cho mắt.

Ngoài ra, nên uống nhiều nước, khoảng 2 lít và ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày để mắt thêm khỏe mạnh.

Vệ sinh mắt và các dụng cụ về mắt

Khi ra ngoài đường, bạn nên đeo kính bảo vệ để tránh gió và không khí lạnh làm khô mắt. Có thể dùng nước mắt nhân tạo (thuốc nhỏ mắt) để làm sạch bụi bẩn và tăng cường điều tiết mắt. Khi bị dầu gió, sữa rửa mắt, các chất gây kích ứng... rơi vào mắt, nên rửa bằng nước sạch trong khoảng 10 - 15 phút.


Gió và không khí lạnh mùa đông dễ làm khô mắt, thậm chí lớp mascara trang điểm

Bác sĩ Huy lưu ý, đeo kính áp tròng có hiệu quả thẩm mỹ cao hơn kính thường, nhưng dễ gây viêm nhiễm cho mắt, có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng và làm giảm thị lực vĩnh viễn. Vì vậy, bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt các bước vệ sinh kính mà nhà sản xuất khuyến cáo. Ngoài ra, chị em cũng cần tẩy trang mắt và vệ sinh các dụng cụ trang điểm như mascara, bút kẻ, cọ phấn mắt... trước khi đi ngủ.

Bổ sung dinh dưỡng cho mắt

Theo Dược sĩ Nguyễn Thu Hương, 75% dân văn phòng bị khô mắt là do tiếp xúc liên tục với máy tính, làm giảm tần suất chớp mắt, dẫn đến khô màng phim nước mắt trước giác mạc. Ngoài ra, những tia sáng xanh phát ra từ máy vi tính (blue light) có bước sóng 400nm - 500nm còn ảnh hưởng nhiều đến tế bào võng mạc. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Dược Gifu (Nhật Bản) thực hiện trên khỉ, ánh sáng xanh có thể phá hủy 80% tế bào võng mạc.

Dược sĩ khuyên, dân văn phòng nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu dưỡng chất cho mắt và có khả năng chống lại tia sáng xanh, chẳng hạn như cà rốt, ớt chuông, cà chua, gấc, mỡ cá, lòng đỏ trứng gà... Ngoài ra, nên có chế độ thư giãn hợp lý, tăng cường các hoạt động ngoài trời, hạn chế đồ uống có cồn.

Thăm khám mắt định kỳ

Khi thấy các triệu chứng của tật khúc xạ như phải nheo mắt mới thấy chữ, nhìn chữ và vật bị nhòe, khô và mỏi mắt, sưng đỏ, viêm bờ mi, ... nên đi khám bác sĩ nhãn khoa và tái khám định kỳ 6 tháng một lần.

Nếu được chẩn đoán mắc tật khúc xạ, bạn cần đeo kính đúng số. Bác sĩ Huy cảnh báo, không đeo kính đúng số có thể tăng nhanh độ cận, nhanh mỏi mắt lúc làm việc... Đối với giới văn phòng trên 40 tuổi, mắt thường có triệu chứng suy giảm điều tiết, mỏi nhiều hơn người trẻ. Vì vậy, nhóm người này nên đi thay kính sau khoảng 5 năm.

Không tự ý sử dụng thuốc

Nếu bạn bị kích ứng hoặc dị ứng mắt, đừng bao giờ tự ý sử dụng thuốc. Mắt là một bộ phận cực kì nhạy cảm của cơ thể và không bao giờ nên được đem ra để thử nghiệm hoặc xem nhẹ. Dù bạn chỉ bị khô mắt đi chăng nữa, tốt nhất hãy đến gặp bác sĩ để được chỉ định loại thuốc nhỏ mắt phù hợp nhất.

Không dùng chung mắt kính

Đừng bao giờ sử dụng chung kính với người thân hay bạn bè. Dù họ có độ thị lực tương đương với bạn, việc dùng chung kính vẫn là một việc không đảm bảo vệ sinh. Điều này đặc biệt đúng khi người đó bị nhiễm trùng mắt; khi đó, hãy giữ các vật dụng cá nhân của bạn tách biệt, vì khăn mặt, xà bông hay thậm chí cả quần áo cũng có thể lây truyền vi khuẩn.


Đừng bao giờ sử dụng chung kính với người thân hay bạn bè.

Những điều cần chú ý khi chăm sóc mắt

Hãy đảm bảo rằng kính của bạn vừa vặn và thoải mái - không quá nặng, không quá lỏng hay mất cân bằng. Hãy luôn luôn chọn gọng kính nhẹ và chắc chắn. Bên cạnh đó, đừng dụi mắt bằng tay vì việc này có thể khiến vi khuẩn hoặc virus từ tay xâm nhập vào mắt. Bạn có thể dùng khăn sạch để lau gỉ mắt và nước mắt.

Cập nhật: 22/11/2019 Theo Vnexpress/VOV
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video