Bạn sẽ choáng khi biết quy trình chặt chẽ để huấn luyện một chú chó cảnh sát

Đội ngũ cảnh khuyển đã luôn có vai trò quan trọng đối với lực lượng cảnh sát trên toàn thế giới. Nhưng đằng sau những chú chó đầy kỷ luật là một quy trình huấn luyện chặt chẽ và vất vả đến giật mình.

Trên phim, bạn thấy con người dùng cảnh khuyển nhiều như thế nào thì thực tế cũng không khác là bao, vì chó là một đội ngũ không thể thiếu của lực lượng cảnh sát.

Bằng khứu giác cực nhạy, chúng lần theo dấu vết tội phạm, rà soát dò tìm chất nổ, chất cấm... mà máy móc hiện đại khó phát hiện được. Chưa kể, khả năng tấn công tội phạm, bảo vệ chủ cũng cực kỳ tuyệt vời.

Tuy vậy, mọi thứ không tự nhiên mà có. Để có được đội ngũ cảnh khuyển hữu dụng, những chú chó sẽ được gửi đến các trường huấn luyện với "lịch học" cực kỳ chặt chẽ tùy theo mục đích sau này. Và chỉ khi vượt qua các bài kiểm tra, các chú mới được phép bước chân vào hàng ngũ cảnh sát mà thôi.


Chó luôn có vai trò quan trọng đối với lực lượng cảnh sát trên toàn thế giới.

Vậy hãy xem, hành trình để trở thành một chú chó cảnh sát sẽ vất vả như thế nào, bằng cách zoom vào cách huấn luyện của trường luyện chó tại Mỹ.

Chỉ "con ông cháu cha" mới được làm chó cảnh sát

Câu này ám chỉ không phải cứ là chó to, chó khỏe là đủ được tuyển vào làm cảnh khuyển, mà phải... đúng giống nữa.

Thông thường, cảnh khuyển được chọn từ các giống Bẹc-giê Đức (German Shepherd) hoặc Malinois (còn gọi là bẹc-giê Bỉ). Đây là các giống chó đảm bảo được tiêu chí: to lớn, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, và quan trọng nhất là thông minh, dễ dạy.


German Shepherd là lựa chọn số 1 cho hàng ngũ cảnh khuyển.

Ngoài ra trong các nhiệm vụ đòi hỏi đến khứu giác, các chuyên gia còn tuyển thêm cả Labrador hoặc Bloodhound (chó đánh hơi của Bỉ). Tuy nhiên, bẹc-giê Đức vẫn được ưa chuộng hơn cả, vì chúng có thể hoàn thành tốt cả 2 nhiệm vụ là cảnh vệ và truy đuổi.

Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để được nhận vào trường huấn luyện đâu, mà tính cách cũng phải thật phù hợp. Một chú chó cảnh sát cần thông minh nhưng cảnh giác, bình tĩnh, biết vâng lời. Các đức tính như lo lắng, sợ sệt, căng thẳng, ngượng ngùng đều sẽ bị loại, vì trong thực chiến sẽ gây nguy hiểm cho toàn đội.


Bloodhound cũng được tin dùng, dù hãn hữu hơn.

Sau khi hoàn thành tuyển chọn, mỗi chú chó sẽ được bắt cặp với một sĩ quan (cũng qua tuyển chọn gắt gao không kém).

Hành trình huấn luyện rất chặt chẽ...

Bài học đầu tiên khi "nhập trường", và cũng là bài quan trọng nhất: huấn luyện nghe lệnh. Chó sẽ phải học cách đứng, ngồi, bước tới, lùi lại... theo mệnh lệnh. Trong đó, mỗi giai đoạn đều có các bài kiểm tra mà chúng phải vượt qua. Nếu không làm được, chó sẽ phải huấn luyện lại từ đầu, và trong trường hợp xấu nhất sẽ bị... đuổi học.


Một trong những bài học về sự kiểm soát bản thân: tất cả ngồi im không được đuổi theo khi mèo chạy qua.

Sau khi vượt qua các bài kiểm tra cơ bản, khuyển cảnh sẽ được huấn luyện theo các chương trình khác nhau, tùy vào mục đích của sở cảnh sát khi gửi chúng đến. Thông thường tại Mỹ, chó cảnh sát được huấn luyện theo 2 kiểu: mục đích đơn (single purpose) hoặc "kép" (dual purpose).

Trong đó, kiểu "đơn" là những chú chó chuyên theo mục đích phòng vệ và theo dấu vết. Kiểu "kép" được ưa chuộng hơn: chúng có thể làm tất cả mọi việc của kiểu "đơn", cộng thêm khả năng ngửi được mùi chất nổ và ma túy.


Chó học cách ngửi mùi heroin, phân biệt với dầu và thức ăn.

Có một điểm cần chú ý rằng một chú khuyển cảnh không thể cùng lúc ngửi được mùi chất nổ và ma túy, vì 2 mùi này rất khác nhau, mà chó thì không thể truyền đạt cụ thể chúng tìm thấy gì. Trên thực tế, nếu chó tìm ma túy lên tiếng, cảnh sát sẽ chỉ lục soát. Còn nếu chó "chất nổ" ra tín hiệu, lập tức toàn bộ khu vực phải bị phong tỏa với cảnh giới tối đa.

Quay trở lại với bài huấn luyện. Dù theo chương trình nào, một chú chó cảnh sát vẫn phải đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ trong môi trường nhiều áp lực với các tín hiệu gây nhiễu loạn vây quanh, thậm chí cả khi gần như không có hướng dẫn của chủ.


Những bài tập thực chiến.

Chính vì thế, chúng phải trải qua muôn vàn bài kiểm tra với các tình huống thực tế: đấu súng, truy đuổi tội phạm (do một cảnh sát đóng), truy đuổi ô tô, dò tìm chất nổ giữa một bãi chiến trường...


Đại khái thì phim sao, đời gần như vậy.

...nhưng không kém phần vui nhộn

Có nhiều kiểu huấn luyện chó, bao gồm cả dạy cho chúng biết sợ. Tuy nhiên, đa phần các trường huấn luyện ngày nay đều sử dụng phương pháp "vui nhộn kèm thưởng". Tức là, mọi nhiệm vụ với các chú cảnh khuyển đều là trò chơi, để các chú không mất đi sự hứng thú trong công việc.

Việc huấn luyện này sẽ không bao giờ dừng lại, kể cả khi chó đã tốt nghiệp và sang tay người chủ mới. Mỗi khi không phải canh gác, chúng vẫn cần được rèn luyện để luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Và thông thường, tuổi công tác của một chú chó sẽ kéo dài khoảng 6 năm, trước khi được một gia đình thương yêu động vật nhận nuôi.


Thông thường, tuổi công tác của một chú chó sẽ kéo dài khoảng 6 năm.

Kết

Tuân lệnh tuyệt đối, luôn luôn trung thành và sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình - đó là lý do vì sao cảnh khuyển luôn là đội ngũ đóng vai trò quan trọng đối với lực lượng cảnh sát của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cập nhật: 27/07/2017 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video