Bangladesh sắp trở thành quốc gia đầu tiên cho phép trồng gạo vàng biến đổi gene

Sớm thôi. Các nhà khoa học đã nói vậy từ rất lâu, khi được hỏi bao giờ thì giống gạo vàng, một loại cây trồng biến đổi gene (GM) mới được phê chuẩn để giúp ngăn ngừa mù lòa và tử vong cho trẻ em ở các nước đang phát triển.

20 năm về trước, kể từ lần đầu tiên gạo vàng được biết đến, nó đã luôn là tâm điểm cho các cuộc tranh luận về cây trồng biến đổi gene.

Những người ủng hộ coi gạo vàng là một ví dụ về lợi ích tiềm năng của việc chỉnh sửa gene cây trồng đối với cả nhân loại. Trong khi, những người phản đối chỉ trích nó là một thử nghiệm mạo hiểm và không cần thiết nếu muốn cải thiện sức khỏe cho người dân ở các nước đang phát triển.

Trong khi các cuộc tranh cãi vẫn còn đang diễn ra, có vẻ như Bangladesh sắp trở thành quốc gia đầu tiên chính thức phê duyệt trồng gạo vàng. “Thực sự phải nói rằng, chúng ta đã bước qua được lằn ranh giới”, Johnathan Napier, một nhà công nghệ sinh học thực vật tại Công ty nghiên cứu Rothamsted ở Harpenden, Anh Quốc cho biết.

Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, gạo vàng sẽ bắt đầu được phân phối tới tay những người nông dân Bangladesh, và họ có thể trồng nó vào vụ mùa năm 2021.


Bangladesh sắp trở thành quốc gia đầu tiên cho phép trồng gạo vàng biến đổi gene để chống mù lòa.

Gạo vàng được phát triển từ cuối thập niên 1990 bởi hai nhà thực vật học người Đức, Ingo Potrykus và Peter Beyer. Mục đích của họ khi tạo ra giống gạo này là để chiến đấu với tình trạng thiếu hụt vitamin A, một nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa cho trẻ em. Ngoài ra, hàm lượng vitamin A thấp cũng góp phần làm tăng nguy cơ tử vong khi mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi.

Trên thực tế, có nhiều loại thực phẩm khác như khoai lang và rau chân vịt cũng chứa nhiều vitamin A. Nhưng ở một số quốc gia, đặc biệt là những nước người dân ăn gạo như một nguồn lương thực chính yếu, tình trạng thiếu hụt vitamin A vẫn còn rất phổ biến. Ở Bangladesh, nó vẫn ảnh hưởng tới khoảng 21% trẻ em.

Những hạt gạo vàng được Potrykus và Beyer tạo ra bằng cách cấy gene beta-carotene của ngô sang lúa. Ý tưởng này đã được hiện thực hóa dưới sự trợ giúp của Syngenta, một công ty hóa chất nông nghiệp khổng lồ của Thụy Điển.

Sau khi phát triển thành công, Potrykus và Beyer đã quyên tặng giống cây chuyển gene của mình cho các viện nông nghiệp công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này đã cho phép các nhà nghiên cứu ở khắp nơi chọn lựa, lai gạo vàng vào các giống lúa phù hợp với thị hiếu và điều kiện trồng trọt ở từng quốc gia, từng địa phương mình.

Trong 2 năm qua, các cơ quan quản lý ở Hoa Kỳ, Canada, New Zealand và Úc đã phê duyệt các quy định cho phép tiêu thụ gạo vàng. Mặc dù các quốc gia này không có kế hoạch trồng giống gạo biến đổi gene, sự chấp thuận tiêu thụ của họ sẽ ngăn chặn các vấn đề phát sinh khi gạo vàng, bằng cách nào đó, vô tình xuất hiện trên thị trường của họ.


Gạo vàng được phát triển từ cuối thập niên 1990 bởi hai
nhà thực vật học người Đức, Ingo Potrykus và Peter Beyer.

Giống gạo vàng đang được xem xét chấp thuận trồng ở Bangladesh được tạo ra tại Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) ở Los Baños, Philippines. Các nhà khoa học ở đây đã đưa được các gene beta-carotene vào một giống lúa có tên dhan 29.

Giống lúa chủ lực vào mùa khô này hiện vẫn đang được trồng rộng rãi ở Bangladesh, đóng góp khoảng 14% sản lượng gạo quốc gia. Trong một loạt các thử nghiệm tại nhiều khu vực khác nhau, các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu lúa gạo nước này (BRRI) nhận thấy giống gạo mới không gặp phải bất kỳ thách thức canh tác nào ở Bangladesh.

Chất lượng của nó cũng không khác gì so với giống dhan 29 cũ, ngoại trừ hàm lượng vitamin A tăng cao.

BRRI đã gửi dữ liệu cho Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Bangladesh vào tháng 11 năm 2017. Một nhóm gồm 8 quan chức và nhà khoa học trong Ủy ban an toàn sinh học đã xem xét các rủi ro môi trường của giống gạo, chẳng hạn như khả năng trở thành cỏ dại của nó cũng như những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.

Đến nay, quá trình đánh giá đã gần hoàn tất. Vào ngày 28 tháng 10, tờ Bangladesh Tribune báo cáo rằng quyết định sẽ được đưa ra trước ngày 15 tháng 11. Giờ đã quá hạn khoảng 1 tuần, nhưng sự trì hoãn này có vẻ là do cái chết của một thành viên trong ủy ban.

Một nguồn tin thân cận cho biết một số thành viên của họ vẫn hoài nghi về gạo vàng và tự hỏi: Tại sao lại cần gạo vàng khi mọi người cũng có thể ăn nhiều rau hơn để phòng ngừa thiếu hụt vitamin A?

Tuy nhiên, phần lớn các cuộc thảo luận khá lạc quan. Bằng chứng khoa học ủng hộ gạo vàng một cách mạnh mẽ. Trước đây, ủy ban của Bangladesh cũng đã phê duyệt một loại cây trồng biến đổi gene khác. So với nó, gạo vàng còn nhận được nhiều sự ủng hộ chính trị ở Bangladesh nhiều hơn nữa, nguồn tin cho biết.


Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, gạo vàng sẽ bắt đầu được phân phối tới tay những người nông dân Bangladesh, và họ có thể trồng nó ngay vào vụ mùa năm 2021.

Chúng tôi hy vọng gạo vàng có thể sớm được bật đèn xanh", Arif Hossain, giám đốc của tập đoàn nông nghiệp Farming Future Bangladesh có trụ sở tại thủ đô Dhaka chia sẻ. Farming Future Bangladesh đã được Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ để tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách ở Bangladesh trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Theo kế hoạch, sau khi gạo vàng được Bộ Môi trường ký thông qua, nó phải được đăng ký tiếp tại một cơ quan chứng nhận hạt giống trong Bộ Nông nghiệp, yêu cầu có thêm các thử nghiệm thực địa ở nhiều nơi để kiểm tra chất lượng hạt giống. Nếu mọi việc suôn sẻ, những người nông dân Bangladesh có thể bắt đầu trồng gạo vàng vào năm 2021.

Liệu gạo vàng sẽ được trồng rộng rãi tới đây ở Bangladesh hay không? Đó vẫn là một điều chưa chắc chắn. Năm 2014, những người nông dân Bangladesh đã nhanh chóng đưa vào canh tác giống cà tím biến đổi gene để chống lại côn trùng gây hại. Ngay mùa vụ năm đó, nó đã cho hiệu quả và những người nông dân đã giảm được lượng thuốc trừ sâu.

Nhà kinh tế nông nghiệp Justus Wesseler đến từ Đại học và Trung tâm nghiên cứu Wageningen ở Hà Lan cho biết, lợi ích sức khỏe của gạo vàng sẽ xuất hiện chậm hơn. Chính phủ Bangladesh có thể cần phải có các biện pháp thúc đẩy gạo vàng, thậm chí trợ cấp cho những người nông dân trồng giống gạo này.

Sherry Tanumihardjo, nhà nghiên cứu về vitamin A và sức khỏe toàn cầu tại Đại học Wisconsin ở Madison chia sẻ về một thách thức khác, đó là liệu gạo vàng có được người tiêu dùng đón nhận hay không.

"Mọi người gặp khó khăn khi màu sắc loại thực phẩm họ ăn bị thay đổi" và nhiều người ở Bangladesh thích ăn cơm trắng, Tanumihardjo nói. Tuy nhiên, gạo vàng khi được nấu chín được cho sẽ giống như khichuri, một món ăn phổ biến từ gạo và đậu lăng nấu với nghệ. Đó có thể là một điểm cộng làm tăng sức hấp dẫn của nó.

Điều còn lại duy nhất có thể cản trở việc giới thiệu giống gạo vàng tới những người nông dân Bangladesh là sự phản đối từ một số tổ chức phi chính phủ. Tháng trước, hai nhóm ở Liên đoàn Lao động Nông nghiệp Bangladesh và Hiệp hội Nông dân & Lao động Phụ nữ Quốc gia đã kêu gọi cho một cấm đối với cả giống gạo vàng mới và cà tím chuyển gene năm 2014.


Gạo vàng được mong đợi sẽ giúp trẻ em ở các vùng nông thôn và thành phố ở Bangladesh có tỷ lệ nghèo đói và suy dinh dưỡng cao không bị thiếu hụt vitamin A.

Nhưng với sự hỗ trợ của Gates Foundation, IRRI và BRRI bây giờ đã phát triển một chiến lược để phân phối gạo vàng đến các vùng nông thôn và thành phố ở Bangladesh có tỷ lệ nghèo đói và suy dinh dưỡng cao.

Nếu giống gạo vàng này xâm nhập vào Bangladesh thành công, các giống gạo vàng khác được tinh chỉnh để thích nghi tốt hơn với khí hậu của từng địa phương sẽ theo sau. Được nhân giống tại BRRI, các giống gạo mới này hiện đã đang được thử nghiệm trong nhà kính.

Giống như tất cả các phiên bản địa phương của gạo vàng, những giống lúa này được tạo ra không phải bằng kỹ thuật di truyền, mà bằng cách lai chéo truyền thống, vì vậy chúng có thể sẽ không cần phê duyệt an toàn sinh học.

Nhưng bây giờ, mọi con mắt đều chỉ đang đổ dồn về giống dhan 29. "Thật tuyệt vời khi thấy nó được chấp thuận", Napier nói. "Một kỷ nguyên mới sắp sửa được mở ra".

Cập nhật: 25/11/2019 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video