Nằm giữa vùng đồng bằng nhưng không được chú ý trong nhiều thập kỷ, công trình đá cự thạch hình bánh xe kỳ lạ gần biển hồ Galilee, Israel, vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Công trình bánh xe khổng lồ 5000 tuổi tại Israel
Theo Ancient Origins, tượng đài cổ đại bao gồm những vòng tròn đá khổng lồ tồn tại từ đầu thời đồ đồng. Tác giả và lý do những vòng tròn đá ra đời chưa được làm rõ. Tàn tích cổ đại này nằm trên cao nguyên Golan giữa Israel và Syria, hình thành từ những viên đá khổng lồ chất đống hình bánh xe. Theo ước tính, công trình được dựng bằng 40.000 tấn đá bazan màu đen, tạo thành ít nhất 5 vòng tròn đồng tâm, với ụ đá dùng để chôn cất ở chính giữa, Haaretz đưa tin.
Công trình trông giống một bánh xe khổng lồ khi nhìn từ trên cao. (Ảnh: Flickr).
Công trình mang tên Rujm el-Hiri trong tiếng Arab, có nghĩa "bãi đá của mèo hoang". Trong tiếng Do Thái, nó có tên Gigal Refaim, hay "bánh xe của người khổng lồ". Cách gọi này liên quan tới giống người khổng lồ Rephaite trong Kinh thánh, được cho là những người xây lên công trình tượng đài phức tạp.
Các nhà khoa học ước tính công trình có niên đại khoảng 5.000 năm tuổi. Ra đời từ đầu thời đồ đồng (năm 3.000 - 2.700 trước Công nguyên), Rujm el-Hiri có thể tồn tại cùng thời với tượng đài tiền sử Stonehenge ở Anh.
Theo Reuters, tầng trên mặt đất của công trình giống như tàn tích của những bức tường đá đổ nát. Hàng trăm cấu trúc bằng đá nằm rải rác dọc theo cánh đồng trải rộng. Khảo sát trên không do các nhà khảo cổ học tiến hành vào cuối những năm 1960 hé lộ đầy đủ quy mô và hình dáng của công trình.
Trong số 5 - 9 vòng tròn khổng lồ bao quanh nơi chôn cất ở trung tâm, vòng tròn lớn nhất rộng hơn 152m, cao 1 - 2,5m. Các vòng tròn không hoàn chỉnh, một số được nối với những bức tường ngắn, tạo thành hình nan hoa bánh xe.
Công trình được tạo thành từ 40.000 tấn đá bazan màu đen. (Ảnh: Wikimedia Commons).
Các bức tường có độ dày khá đồng nhất, từ 3,2 đến 3,3m. Những chuyên gia khảo cổ chưa rõ ụ đá để chôn cất ở chính giữa công trình đá cự thạch tiền sử này có ra đời cùng thời với những vòng tròn đá hay không. Bãi đá ở trung tâm cao 5m, đường kính 20 - 25m.
Rất ít đồ tạo tác quý giác được tìm thấy ở Rujm el-Hiri, do niên đại của công trình cũng như lịch sử bị cướp bóc, ngoại trừ một chiếc đinh ghim thời đồng đá. Các nhà khoa học cho rằng ụ đá trung tâm từng một thời lưu giữ trang sức và vũ khí. Công tác khai quật ở những gian phòng chứa có tường bao quanh không phát hiện đồ tạo tác, chứng tỏ chúng không được sử dụng để cất giữ đồ hoặc làm nơi sinh sống.
Một giả thuyết về mục đích của công trình là lịch chiêm tinh. Vào ngày hạ chí tháng 6 và đông chí tháng 12, mặt trời mọc thẳng hàng với những khe hở trên bãi đá. Một số nhà nghiên cứu tin rằng khu vực được sử dụng làm nơi thực hiện nghi thức quan sát chiêm tinh hoặc thờ cúng Mặt Trời trước khi xây dựng ụ đá chôn cất và ánh sáng Mặt Trời sẽ bị công trình ngăn lại vào những ngày đặc biệt.
Lối vào ụ đá ở trung tâm công trình. (Ảnh: Wikimedia Commons).
Dù một ngôi mộ nằm ở trung tâm bánh xe, các nhà khoa học không tìm thấy hài cốt con người bên trong. Tiến sĩ Rami Arav, Giáo sư Tôn giáo và Triết học tại Đại học Nebraska, Mỹ, cho rằng điều này là do quá trình mai táng bao gồm lọc xương cốt thông qua các loài chim hoặc thú hoang. Sau đó, hài cốt người chết được người địa phương thu nhặt và đặt trong những chiếc hộp.
Vấn đề người xây dựng công trình còn phức tạp hơn. Theo ước tính của các nhà khoa học, tượng đài khổng lồ này cần hơn 25.000 ngày làm việc để xây dựng. Ngoài ra, việc thu gom và vận chuyển đá đòi hỏi một hệ thống trợ giúp rất lớn, rất khó thực hiện với những cộng đồng du cư.