Bảo quản thực phẩm bằng cách dùng màng nilon bọc kín đang rất phổ biến hiện nay. Bạn có biết, đa số những màng bọc thực phẩm ngày nay được làm từ nhựa. Chúng có nguy cơ phát hành những hóa chất độc hại vào đồ ăn.Thêm vào đó, chỉ cách ly thực phẩm với oxy là chưa đủ để bảo quản chúng trong thời gian dài.
Một nghiên cứu thực hiện trong 3 năm của Đại học Quốc gia Singapore đã có thể giải quyết hoàn toàn những vấn đề này. Các nhà khoa học tạo ra một loại bao bì thực phẩm mới, được làm từ vỏ tôm và các loài giáp xác. Vật liệu có nguồn gốc tự nhiên còn giúp tăng tuổi thọ thực phẩm được bảo quản gấp 3 lần.
Bảo quản thực phẩm bằng cách dùng màng nilon bọc kín đang rất phổ biến.
Thành phần chính của màng bọc thực phẩm mới là một loại polyme có tên "chitosan". Chúng có mặt trong khung xương các loài động vật giáp xác. Theo các nhà khoa học, đây là vật liệu lý tưởng để sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Giống với nhựa, chitosan cho khả năng tạo màng mỏng tuyệt vời. Không những vậy, nó còn có thể phân hủy sinh học nhanh chóng, thứ mà nilon phải mất hàng triệu năm cho quá trình.
Quan trọng nhất, polyme mới này không độc hại. Việc sử dụng các vật liệu nhựa hóa học để chế tạo màng bọc thực phẩm liên tục được thay đổi từ khi nó ra đời. Nguyên nhân vì với bất kể một loại nhựa nào, chúng ta cũng sẽ tìm ra mối nguy hại của chúng đến sức khỏe và môi trường, từ PVC cho tới LDPE.
Bên cạnh đó, màng bọc thực phẩm mới còn có khả năng kháng vi khuẩn và nấm. Các nhà nghiên cứu thêm vào cấu trúc của polyme các chiết xuất GFSE từ hại bưởi. Đây là một chất chống oxy hóa tốt và sở hữu khả năng khử trùng, chống vi khuẩn và diệt nấm.
Nguồn gốc thiên nhiên của GFSE là vượt trội hơn hẳn ion bạc sử dụng với mục đích tương tự trong một số loại màng bọc nilon.
Nhiều nghiên cứu chứng minh, tích lũy số lượng lớn ion bạc có thể gây hại cho sức khỏe.
"Ngày càng có nhiều người quan tâm đến sự phát triển của vật liệu đóng gói thực phẩm", phó giáo sư Thian Eng San, người dẫn đầu trong dự án cho biết. "Họ cũng đang đòi hỏi vật liệu đóng gói thực phẩm phải có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường, có thể tự phân hủy và gia tăng thời gian bảo quản".
Phó giáo sư Thian Eng San (trái) và nhà nghiên cứu Tan Yi Min (phải) cùng loại màng polyme họ đang nghiên cứu.
Màng bọc thực phẩm mà Thian phát triển hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu đó. Trong thử nghiệm, các mẫu bánh mì đóng gói với màng polyme mới có tuổi thọ gấp ba lần so với màng nilon thông thường. Nấm mốc phát triển trên bánh mì sau 10 ngày, thay vì chỉ 3 ngày với màng bọc nilon.
Bước tiếp theo của nghiên cứu, Thian muốn tối ưu hóa màng bọc này với các loại thực phẩm dễ hỏng. Ông muốn kiểm soát chặt chẽ hơn sự phát triển của vi sinh vật. Sau đó, Thian có thể tính đến chuyện thương mại hóa sản phẩm của mình trong 3 đến 5 năm.
Không chỉ là một hướng đi mới có thể kiếm về bội tiền, màng bọc thực phẩm dựa trên chitosan và GFSE còn tạo nên nhiều tác động tích cực khác. "Mở rộng tuổi thọ của thực phẩm cũng có nghĩa là giảm thiểu chất thải thực phẩm. Kết quả là giảm tỉ lệ thất thoát lương thực toàn cầu", Tan Yi Min, một nhà nghiên cứu khác trong nhóm khẳng định. "Điều này sẽ mang lại lợi ích cả về mặt kinh tế lẫn môi trường".