Bão Etau mạnh lên, bốn tỉnh sơ tán dân

Do ảnh hưởng của bão số 12, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khanh Hòa đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa (tính từ 19h ngày 9/11 đến 04h ngày 10/11) phổ biến 50-150mm.

Hồi 04 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.


Hướng di chuyển của bão Etau. (Ảnh: NCHMF).

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 10/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 11/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Cam-pu-chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12, biển động rất mạnh, sóng biển cao 4,0-6,0m.

Gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Ngãi và Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7.

Mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 12/11, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 450mm; Quảng Bình, phía Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Khánh Hòa - Phú Yên, hai tỉnh được dự báo có khả năng là tâm bão đổ bộ, từ chiều 9/11 đã có mưa lớn. Trên bờ biển Nha Trang, các ghế phục vụ khách được dọn dẹp, nhiều biển cấm được dựng lên, tàu thuyền neo vào bờ. Nhiều người dân ra bờ biển xúc cát về chằng chống nhà cửa.

"Nhà tôi dưới chân núi, rất dễ sập nếu bão đổ bộ. Tôi rất lo lắng", anh Đào Văn Trí (30 tuổi, ở TP Nha Trang) nói khi cùng vợ lái xe tải chở 50 bao cát về dằn mái căn cấp bốn ở xã Phước Đồng, cách bãi biển chừng 5 km.


Anh Trí cùng vợ xúc cát bên bờ biển Nha Trang để về dằn mái nhà, ngày 9/11. (Ảnh: Xuân Ngọc).

Trong khi đó, nghe tin bão vào, ông Cao Văn Thái (46 tuổi, thị xã Đông Hòa, Phú Yên) lo lắng cho 15.000 con tôm hùm giống nuôi tại Vũng Rô. Từ chiều qua, ông đã cùng người nhà thả thêm neo cho các lồng và buộc dây xung quanh. "Cố gắng làm để giảm thiệt hại, vì đó tài sản lớn của gia đình", ông Thái nói.

Đến chiều qua, Khánh Hòa và Phú Yên đã sơ tán gần 8.500 người tại các điểm xung yếu, thấp trũng có nguy cơ sạt lở. 1.500 du khách lưu trú trên đảo, ven biển đã yêu cầu chủ động phòng tránh bão, đảm bảo an toàn.

Gần 20.000 người đang làm việc trên tàu và các lồng bè được yêu cầu vào bờ. Những hộ trên lồng bè cố tình ở lại sẽ bị cưỡng chế. Khánh Hòa và Phú Yên là tỉnh ít chịu thiệt hại do bão, nhưng năm 2017, bão Damrey đã làm 46 người chết; hơn 3.200 nhà sập, trên 130.000 căn tốc mái; 1.300 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng...

Cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, Ninh Thuận và Bình Định chưa thống kê cụ thể, nhưng đã di dời dân ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, sạt lở. Chi cục Thủy sản Ninh Thuận đã kêu gọi 26.000 ngư dân trên biển tìm nơi trú tránh. Người dân trên 273 bè nuôi trồng thủy sản không được ở lại lồng bè.

Ông Hồ Đắc Chương, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, vừa qua, bão số 9 - Molave khiến 6 tàu cá bị chìm, 26 ngư dân thị xã Hoài Nhơn mất tích (cứu được 3 người) nên tỉnh đặc biệt lưu ý việc liên lạc, hướng dẫn đường đi cho các tàu cá.

Etau là cơn bão thứ 12 vào Biển Đông trong năm nay. Trước đó, trong tháng 10, miền Trung hứng chịu bốn cơn bão và một áp thấp nhiệt đới, nhiều bằng tháng 10/1993, tháng được ghi nhận nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nhất theo quan trắc của cơ quan khí tượng Việt Nam. Ba đợt lũ cùng 13 vụ lở núi trong tháng qua làm 159 người chết, 71 người khác đang mất tích.

Hai cơn bão gần nhất, số 10 và số 11, bị suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ vào miền Trung, nhưng gây mưa lớn, ngập nhiều tỉnh thành.

Cập nhật: 10/11/2020 Theo VnExpress/NCHMF
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video