Sau mùa bão năm ngoái với những cơn có sức mạnh kỷ lục, các nhà khoa học dự báo mùa bão năm nay có thể gây ra thiên tai nhiều hơn mức trung bình nhiều năm bao gồm lở đất và số cơn bão đổ bộ vào bờ.
Hai cơn bão El Nino và La Nina (Nguồn: nasa.gov) |
Theo Viện Khí tượng Thủy văn (IMH) Việt Nam, đa số mô hình thống kê và động lực đều cho rằng trạng thái trung gian của ENSO (tức là giữa El Nino và La Nina) đã quay trở lại và dự báo các điều kiện trung gian của ENSO ở nhiệt đới Thái Bình Dương tồn tại đến hết năm 2006. IMH cũng nhận định điều kiện khí hậu ba tháng tới là trung gian của ENSO.
Nghĩa là, số xoáy thuận nhiệt đới (bão và áp thấp nhiệt đới) hoạt động trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương (tức gần hoặc trong vùng biển nước ta) sẽ xấp xỉ trung bình nhiều năm thời kỳ 1965-2005.
Từ nay đến tháng 8, bên cạnh 3-4 đợt không khí lạnh, IMH dự đoán có khoảng 7-8 cơn xoáy thuận nhiệt đới hoạt động ở tây bắc TBD trong đó 4 cơn hoạt động ở biển Đông.
Tuy nhiên, cũng như mọi năm, phân tích của IMH không hề đề cập đến mức độ khốc hại của xoáy thuận nhiệt đới. “Những hiện tượng cực trị như thế rất khó dự đoán”, bà Dương Liên Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng&Thủy văn Quốc gia, nói.
Năm ngoái, IMH không đưa ra bất cứ cảnh báo nào về diễn biến bất thường thời tiết và mưa bão. Trong khi đó, theo một báo cáo công bố ngày 6/12/2005 tại hội nghị về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc, năm 2005 được đánh giá là năm nóng nhất, nhiều bão nhất và khô hạn nhất từng ghi nhận trên hành tinh. Cơ quan Hàng không&Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2005 tăng nhẹ so với năm 1998.
Tổn thất kinh tế toàn cầu năm 2005 do bão gây ra vượt qua 200 tỷ USD. Trong khi đó, tổn thất vì bão năm 2004 chỉ ở mức 145 tỷ USD.
Ấm nóng toàn cầu làm bão khốc liệt hơn
Một nhà khoa học nói ông không thể đưa ra bằng chứng cụ thể về xu thế khốc liệt của mùa năm nay song những thống kê hồi cứu cho phép ông nhận định khả năng đó rất dễ xảy ra. Bằng chứng đầu tiên ông viện dẫn là sự xuất hiện của bão Chanchu vừa qua với cường độ lớn nhất vào thời điểm tháng 5 trong năm kể từ khi có lịch sử ghi chép bão trên khu vực biển Đông.
“Tần xuất hiện các cơn bão không thay đổi”- Bà Dương Liên Châu nói- “Nhưng dường như năng lượng của các cơn bão tăng lên mặc dù chưa có thống kê chính thức”. TS Emanuel cho rằng năng lượng của các cơn bão tăng gấp đôi trong vòng 30 năm qua và thiên tai ngày càng khắc nghiệt.
Không phải ngẫu nhiên khi mới đây chủ đề này cũng được đưa ra bàn luận tại Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ (AMS) tổ chức ở Montery, California, sau khi một nghiên cứu của Kerry Emanuel (giáo sư quyển khí tại Học viện Công nghệ Massachusetts) đăng trên tạp chí The Nature (tự nhiên) chỉ ra mối liên hệ giữa ấm nóng toàn cầu với sự xuất hiện nhiều cơn bão mạnh hơn.
Báo cáo của GS K.Emanuel chỉ ra kết quả đo đạc nhiệt độ bề mặt nước biển từ năm 1970 đến nay tăng 0,4oC và hoạt động của nhiều trong số hàng nghìn cơn bão khoảng thời gian này cũng tăng về cường độ.
Khu vực biển Đông của Việt Nam cũng ghi nhận hiện tượng nước biển tăng nhiệt độ và số cơn bão mạnh tăng trong tổng số 430 cơn kể từ năm 1961.
Trong nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí Science, 150 năm qua, mực nước biển tăng nhanh hơn hai lần so với các thế kỷ trước.
GS Emanuel chỉ ra mối liên hệ giữa hai hiện tượng này bằng cách chứng minh năng lượng của bão có mối liên hệ rất chặt với nhiệt độ nước biển. “Thậm chí nếu tính lùi trở lại thế kỷ 19, tôi cũng thấy mối liên hệ giữa hai thông số này”, TS Emanuel khẳng định
Theo GS. Thomas Stocker, ĐH Bern, Thụy Sỹ, lượng carbon dioxide (CO2) trong không khí hiện nay cao hơn 30% so với con số từng được ghi nhận từ trước đến nay. Còn khí methane cao hơn 130%.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, cho biết, con người phải chịu một phần trách nhiệm trước hiện tượng thiên tai ngày càng dữ dội. “Tác động của con người ảnh hưởng rất nhiều đến quy luật tự nhiên”- TS Sinh nói- “Viện sĩ Nga Verasky ngay từ thập niên 60 của thế kỷ trước từng cảnh báo tác động của con người lên tự nhiên có thể sánh với tác động của biến động địa chất”.
QD