Bão ở biển Đông được hình thành ra sao?

Quá trình hình thành bão ở biển Đông

Bão nhiệt đới hình thành trên những vùng biển lớn có nhiệt độ ấm. Trên thế giới có ba khu vực thích hợp bao gồm Biển Đông, Vịnh Bengal và Vịnh Mexico.

Một cơn bão nhiệt đới được tiếp năng lượng nhờ vào hơi nước bốc lên từ bề mặt đại dương, chúng tạo nên các hình khối mây và mưa vốn thường đi kèm với bão. Do đó, sự hiện diện của một khối nước lớn (biển, đại dương) là một điều kiện quan trọng.

Biển Đông, Vịnh Bengal và Vịnh Mexico đều nằm trong dải nhiệt đới, đáp ứng đủ các điều kiện giúp bão hình thành, đặc biệt là nhiệt độ bề mặt nước biển ấm.

Trong phạm vi dải nhiệt đới, bão thường được quan sát giữa vĩ tuyến 10 - 30, không quá sát đường xích đạo. Sở dĩ như vậy vì ở gần xích đạo, Lực Coriolis giúp các cơn bão chuyển động xoáy rất yếu.

Ngoài ra, bão nhiệt đới thường hình thành gần Đới hội tụ liên chí tuyến (ITCZ), là nơi hội tụ của hai luồng gió mậu dịch đông bắc và đông nam. ITCZ là một thành phần quan trọng vì nó kích hoạt chuyển động của luồng không khí thấp, cuối cùng phát triển thành bão.


Biển Đông là một trong ba khu vực trên thế giới thường xuyên hình thành bão nhiệt đới - (Ảnh: accuweather).

"Hầu hết bão nhiệt đới hình thành từ các khu vực áp suất thấp, xoáy lên cao và tách ra khỏi một dải áp suất thấp rộng lớn gọi là máng gió mùa. Cách hình thành này khác với bão ở Đại Tây Dương, vốn phát triển từ sóng nhiệt đới Tây Phi" - nhà khí tượng học Dan Kottlowski của trang AccuWeather.com giải thích.

Bão nhiệt đới xảy ra quanh năm ở khu vực bắc Biển Đông. Tuy nhiên, "mùa bão" - khoảng thời gian bão xuất hiện nhiều nhất ở Biển Đông - thường bắt đầu từ lúc chuyển tiếp mùa thu (tháng 10) đến nửa đầu mùa gió mùa đông bắc (tháng 11-12).

Bão xuất hiện trong thời gian gió mùa tây nam (tháng 3-9) thường hình thành ở phía đông đảo Luzon của Philippines. Ban đầu chúng di chuyển về hướng Đài Loan, và sau đó bẻ ngoặt theo hướng đông bắc về phía nam Nhật Bản. Các cơn bão này ảnh hưởng gián tiếp đến Biển Đông, gây sóng cao và gió mạnh.

Nhưng dần về cuối năm, từ tháng 10-12, bão nhiệt đới chủ yếu di chuyển theo hướng Tây, băng qua Philippines và tiến vào Biển Đông. Càng vào cuối mùa, các cơn bão này càng có xu hướng hình thành sâu hơn về phía Nam.

Bão ở Biển Đông, Thái Bình Dương được đặt tên ra sao?

Các cơn bão ở Biển Đông và Thái Bình Dương được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đặt tên dựa trên cơ sở dữ liệu của Chương trình Bão nhiệt đới thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới.

Danh sách này bao gồm 140 tên gọi được trình lên bởi các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Campuchia…

Philippines cũng góp tên gọi riêng, tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng, địa chất và thiên văn học Philippines (PAGASA) sẽ dùng tên địa phương bất cứ khi nào một cơn bão đi vào Khu vực trách nhiệm (PAR) của nước này.

"Các chuyên gia dự báo có trong tay một danh sách tên cụ thể để đặt cho các cơn bão. Theo chu kỳ, một cái tên nào đó sẽ được rút ra và thay bằng tên khác" - nhà khí tượng Jim Andrews của trang AccuWeather.com giải thích.

Cập nhật: 06/09/2024 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video