Báo cáo là kết quả của dự án bảo tồn các vùng chim quan trọng toàn cầu khu vực châu Á thực hiện tại 3 nước VN, Đông Timor và Mông Cổ.
Từ tháng 11-2005 đến tháng 3-2006, BirdLife đã khảo sát thực địa, đánh giá lại tình trạng đa dạng sinh học của 6 vùng chim quan trọng đất ngập nước tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm: Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, sinh cảnh vùng Nghĩa Hưng (Nam Định), sinh cảnh vùng Thái Thuỵ, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (Thái Bình), sinh cảnh vùng An Hải, Tiên Lãng (Hải Phòng). Kể từ năm 1996, đây là lần đầu tiên tình trạng đa dạng sinh học khu vực này được đánh giá toàn diện.
Theo ông Nguyễn Đức Tú, chuyên gia BirdLife, các vùng đất ngập nước tại Đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản ven bờ, tạo sinh kế cho người dân. Nơi đây là khu vực có ý nghĩa sống còn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Đông Dương, là điểm "dừng chân" quan trọng của các loài chim di cư đến và đi qua từ vùng Đông Bắc Á, Syberia đến Châu Đại Dương.
Ông Tú cho rằng hiện tình hình đa dạng sinh học ở các vùng đất ngập nước này thiếu yếu tố phát triển bền vững, cần được chính quyền và các cơ quan hữu quan khẩn cấp bảo vệ nghiêm ngặt. Do dân số tăng nhanh kết hợp với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, tài nguyên đất ngập nước nơi đây đang bị khai thác quá mức và suy giảm nghiêm trọng so với trước năm 1996, nhất là sinh cảnh vùng Nghĩa Hưng hiện nay không thể đáp ứng các yêu cầu bảo tồn quốc tế do hậu quả của việc săn bắt chim thú, tàn phá sinh cảnh theo kiểu tận diệt của người dân bản địa.
Báo cáo đã đưa ra các kiến nghị bảo tồn các khu vực này đối với các Bộ ngành liên quan tại VN, trong đó cấp bách nhất là tăng cường kiểm soát tình trạng săn bắn chim thú và cải thiện quy hoạch sử dụng đất phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.