Bảo vệ môi trường nước mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long

  •  
  • 7.223

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích 39.747 km2, chiếm trên 12 % diện tích của cả nước là một vùng đất ngập nước điển hình với trên 90% diện tích ngập nước theo mùa mưa lũ và theo thủy triều thuộc lưu vực sông Mê Công đổ ra biển Đông. Đây là một vùng kinh tế sinh thái điển hình của quốc gia, có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước ở vùng này đang bị biến đổi cả về trạng thái và chất lượng... không những đe dọa đến phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội mà còn tác động đến sức khỏe của con người và các hệ sinh thái ở đây.

Trạng thái nước bị biến đổi suy giảm mực nước trên các dòng sông chính vào mùa khô, chất lượng nước mặt diễn biến xấu đi do tác động từ các nguồn thải đô thị, sản xuất công nghiệp, canh tác nông-lâm-ngư nghiệp… chưa được xử lý triệt để vẫn tiếp tục thải vào sông rạch. Tình trạng mặn hóa, phèn hóa cục bộ càng ngày càng diễn biến phức tạp tác động nhiều mặt đến chất lượng nước mặt ở ĐBSCL. Việc khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước mặt ở ĐBSCL đang trở thành một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong đó có nhiều vấn đề cần phải giải quyết đồng bộ.

Trong nông nghiệp, ĐBSCL có diện tích canh tác trên 2,9 triệu ha, nguồn nước tưới chủ yếu là nước ngọt trên sông rạch do sông Mê Công chảy đến và nước trời do mưa đem đến. Nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng do phát triển tăng vụ trong trồng trọt (lúa đông xuân, lúa hè thu), chăn nuôi… trong khi chúng ta lại chưa kiểm soát được chặt chẽ về số lượng và chất lượng nước cho canh tác nông nghiệp. Ở ĐBSCL, sử dụng nước còn rất tùy tiện, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất… Do đó, đã dẫn đến tình trạng lãng phí nước vào mùa, nhưng vào mùa khô lại thiếu nước trầm trọng. Hàng năm, ĐBSCL sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón hóa học và gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, có thể gây các rủi ro sự cố môi trường do sự tồn dư hóa chất độc hại trong môi trường nước.

Trong nuôi trồng thủy sản, toàn vùng có diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, nước mặn trên 685.800 ha, sản lượng gần 1 triệu tấn/năm, với rất nhiều mô hình canh tác khác nhau. Một điều hết cần hết sức quan tâm là, với các mô hình nuôi thâm canh càng cao, quy mô công nghiệp càng lớn thì lượng chất thải lại càng lớn và mức độ nguy hại cho môi trường nước càng nhiều. Các nguồn chất thải sau nuôi trồng chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vẫn được thải ra các sông, kinh, rạch trong khu vực (ở khu vực ĐBSCL theo đánh giá đã cho thấy hàng năm thải ra

Phong trào nuôi cá tra ao phát triển tự phát ở nhiều địa phương cũng là tác nhân quan trọng làm ảnh hưởng chất lượng nguồn nước mặt ở ĐBSCL. (Ảnh: H.V)

456,6 triệu m3/ bùn thải và chất thải nuôi trồng thủy sản) gây nên các tác động xấu đến chất lượng nước và dịch bệnh phát sinh.

Trong sản xuất công nghiệp, ở ĐBSCL có trên 12.700 doanh nghiệp đang hoạt động, tác động mạnh đến các thành phần của môi trường, nhất là môi trường nước. Đặc biệt có 111 khu công nghiệp và cụm sản xuất công nghiệp, 119 cơ sở chế biến thủy sản với công suất 3.200 tấn/ngày… sử dụng các nguồn nước trong sản xuất chế biến đã thải ra lượng nước thải trên 47 triệu m3/năm; các đô thị và các khu dân cư thải ra 102 triệu m3/năm. Lượng nước thải này chưa được xử lý triệt để, tiếp tục thải ra nguồn tiếp nhận là sông, kinh, rạch, làm suy giảm chất lượng nước mặt, gây nên các dịch bệnh cho nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là gây hại đến sức khỏe người dân.

Quá trình chuyển dịch nuôi trồng thủy sản diễn ra quy mô lớn ở vùng mặn hóa ven biển cũng đã làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển. Tác động làm suy giảm rừng ngập mặn ven biển tiếp tục diễn ra ảnh hưởng đến các hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nuôi cá bè trên sông rạch, nuôi thâm canh thủy sản vùng ngọt hóa đã gây nên các tác động đến chất lượng môi trường nước ở đây. Xâm nhập mặn gia tăng vào mùa khô trên các sông lớn (sông Tiền, sông Hậu và sông rạch ven biển). Ở vùng ven biển khu vực ĐBSCL, nước mặn trong mùa khô hạn đã tiến vào sâu nội địa 50-80 km.

Theo đánh giá của các cơ quan khoa học, trong các tháng 3-5 năm nay, do lượng bốc hơi cao nên độ mặn trên các sông tiếp tục tăng cao và diễn biến phức tạp hơn các năm trước đây. Mực nước sông Tiền, sông Hậu tiếp tục xuống thấp rất khó khăn về nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Tình trạng thiếu nước ngọt, kiệt nước trong mùa khô tiếp tục diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang...

Bên cạnh đó, người dân phải đối mặt với vấn đề sức khỏe môi trường trong nền kinh tế phụ thuộc tài nguyên nước. Các bệnh: sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh giun sán ký sinh trùng, suy dinh dưỡng trẻ em, ngộ độc thức ăn… diễn ra ngày càng nhiều và phổ biến trong vùng ĐBSCL.

Để giải quyết các vấn đề về trạng thái và chất lượng nước bề mặt ở khu vực ĐBSCL, đảm bảo khai thác sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước theo chúng tôi, trong phạm vi quốc gia, cần tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản sau đây:

Cần tiến hành thực hiện Quy hoạch Bảo vệ môi trường gắn liền với phân vùng sinh thái và Quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL. Trong đó chú trọng các vấn đề: Sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước ngọt sông Mê Công; phân vùng quy hoạch và sử dụng hiệu quả vùng ngập mặn cho phát triển thủy sản, hệ sinh thái rừng ngập mặn...với vấn đề Bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển; đẩy nhanh công tác quy hoạch thủy lợi cho canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bảo đảm yêu cầu cung cấp và thoát nước gắn liền với nhiệm vụ xử lý môi trường nước trong các hệ canh tác nông-lâm-ngư.

Trong sản xuất công nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…, cần tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra thanh tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, đảm bảo các nguồn thải được xử lý phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường quy định trước lúc thải ra môi trường. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Tiến hành Quy hoạch môi trường đô thị và khu dân cư, đảm bảo tốt việc xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt. Thực hiện tốt chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình vệ sinh và an toàn thực phẩm... Tăng cường thực hiện công tác quan trắc giám sát chất lượng nước mặt, đánh giá diễn biến chất lượng và trạng thái các thành phần môi trường, dự báo diễn biến phực vụ thiết thực cho sản xuất canh tác và bảo vệ môi trường cũng như khả năng ứng cứu sự cố môi trường một cách kịp thời và có hiệu quả cao.

PHẠM ĐÌNH ĐÔN

Theo Chi cục BVMT khu vực Tây Nam bộ, Báo Cần Thơ
  • 7.223