Bão từ đang “nằm đợi” chu kỳ để tấn công Trái đất

Trao đổi với phóng viên ngày 5/3, phó giáo sư, tiến sĩ Hà Duyên Châu, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, đến năm 2023 bão từ sẽ đạt cực đại.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, khi con người ghi nhận được hiện tượng bão từ vào khoảng 265 năm về trước, tính trung bình hơn 11 năm sẽ có một chu kỳ bão từ mạnh. Tuy nhiên, cũng có những chu kỳ ngắn (7-8 năm) và dài (14-15 năm), bão từ mới xuất hiện mạnh trở lại.

Năm 2001 đã có nhiều trận bão từ xuất hiện mạnh. Và trên lý thuyết, đến năm 2012 bão từ sẽ “đổ bộ” xuống Trái đất. Thế nhưng, cho đến năm 2012 thì các nhà khoa học vẫn chưa quan sát được trận bão từ nào đạt cấp G4, G5 (cấp cao nhất) mà chỉ ghi nhận được 32 trận bão từ trong đó có 2 trận cấp G3.


Ảnh: cosmostv.org

Trong khi đó, vào chu kỳ của mình, bão từ xuất hiện trung bình từ 40-45 trận/năm và có những trận mạnh cấp G4, G5. Do đó, giới khoa học vẫn… chờ những trận bão từ lớn vào năm 2013-2014.

Thế nhưng trong năm 2013 các nhà khoa học chỉ ghi nhận được 1 trận bão từ cấp G3 và đến thời điểm này của năm 2014 vẫn chưa có trận bão từ cấp G3 nào.

Phó giáo sư Hà Duyên Châu cho hay, khi ông tham dự Hội nghị quốc tế về Thời tiết Vũ trụ vào tháng 11/2013 tại Côn Minh (Trung Quốc), các nhà khoa học thế giới đã hoàn toàn nhất trí chu kỳ bão từ 24 (cực đại vào năm 2012) là một trong những chu kỳ có sự hoạt động Mặt trời yếu nhất khi không có các trận bão từ cấp độ G4, G5 nào xuất hiện.

Do đó, ở thời điểm hiện tại, bão từ đã suy yếu đi nhiều và đi dần xuống những năm yên tĩnh. Và theo chu kỳ của mình, tới năm 2023, bão từ mới đạt cực đại trở lại.

Trong một lần trò chuyện cùng phóng viên, tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, bão từ không phải là hiện tượng hiếm gặp mà nó xuất hiện hàng năm. Thống kê của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, năm 1989 xảy ra nhiều trận bão từ nhất với 44 trận. Năm 2000 có 40 trận bão từ và 2007, 2008 có khoảng 10 trận/năm.


Đường dây 500KV sẽ là đối tượng tác động của bão từ. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Phó giáo sư Hà Duyên Châu thì lý giải, nguyên nhân gây ra các trận bão từ là do các chùm plasma khổng lồ trung hòa về điện của các hạt tích điện phát ra từ các vụ bùng nổ của sắc cầu Mặt trời. Các chùm plasma này trên đường đi tới Trái đất sẽ bao trùm lên Trái đất, tác động với từ trường Trái đất tạo ra hệ dòng điện tròn xung quanh Trái đất, gây ra các trận bão từ.

Khi xảy ra bão từ, toàn bộ Trái đất sẽ chịu ảnh hưởng. Và khi có bão từ lớn, những người mắc bệnh tim mạch, xương khớp… sẽ cảm nhận rõ nhất khi bệnh tình tăng. Ngoài ra, các công trình như đường dây 500KV, đường ống dầu khí sẽ là đối tượng tác động trực tiếp của bão từ. Bão từ cũng tác động lên vệ tinh, làm sai lệch hoặc mất tín hiệu GPS, truyền sóng radio, đến hàng không, hàng hải…

Hiện, Việt Nam có 4 trạm địa từ có thể ghi được từ trường là trạm Sa Pa xây năm 1957, Phú Thụy (Hà Nội) xây năm 1961, Đà Lạt xây năm 1981 và Bạc Liêu năm 1988.

Phó giáo sư Hà Duyên Châu cũng cho hay, một số trạm địa từ hiện đại trên thế giới có thể đưa ra dự báo trước khi trận bão từ tới Trái đất khoảng 30 phút (điều này ở Việt Nam không đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để làm). Tuy nhiên, khi có bão từ cấp độ G4, G5, các chuyên gia sẽ nhận thông báo ở các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới và thông báo rộng rãi trên báo chí và website của Viện Vật lý địa cầu.

Theo Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video