Sáng 9/8, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chính thức khởi công hạng mục đào xúc và vận chuyển của dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng". Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là đối tác cùng Bộ Quốc phòng triển khai dự án với tổng mức đầu tư lên đến 41 triệu USD. Trong đó phía Mỹ tài trợ 34 triệu USD, số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
>>> Công nghệ IPTD để xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại lễ khởi công. (Ảnh: V.Đ)
Cùng với sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Phú Cát (Bình Định), sân bay Đà Nẵng được sử dụng làm nơi lưu chứa, pha chế và tổ chức các chuyên bay phun rải chất diệt cỏ trong chiến tranh nên trở thành các điểm nóng về ô nhiễm dioxin. Sau nhiều năm, các chất độc đã và đang lan tỏa, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường sinh thái.
"Dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" được triển khai thể hiện quyết tâm của chính phủ hai nước trong việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phát biểu trong lễ khởi công dự án.
Đại sứ Mỹ tại Vệt Nam, ông David B. Shear nhận định dự án là cột mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. "Cả hai nước chúng ta đang di chuyển đất và tiến hành những bước đầu tiên để chôn vùi những di sản của quá khứ. Tôi mong chờ nhiều thành công hơn nữa sẽ tiếp nối trong thời gian tới", ông David B. Shear nói.
Dự án sẽ tiến hành xử lý khoảng 73 nghìn mét khối đất và trầm tích nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng. Đất và trầm tích nhiễm dioxin được đào lên và vận chuyển đến nơi tập trung để xử lý bằng công nghệ khử hấp thu nhiệt trong bể chứa và làm nóng ở nhiệt độ cao 335 độ C. Sau khi qua 1.254 giếng truyền nhiệt, dioxin sẽ bị phân hủy thành cacbon dioxit, nước và clorua.
Trang thiết bị phục vụ cho dự án xử lý môi trường
tại sân bay Đà Nẵng. (Ảnh: USAID cung cấp)
Đất và trầm tích sau khi được xử lý sẽ được đưa ra khỏi bể, đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam và Mỹ về an toàn cho những người dân sống và làm việc tại khu vực này. Hoàn thành dự án sẽ tạo ra khoảng 29ha đất sạch. Sau quá trình này, bùn đất sẽ được sử dụng làm vật liệu san lấp tại chỗ tại sân bay Đà Nẵng và phục vụ trong công nghiệp, thương mại.
Lý giải về việc chọn công nghệ này, ông Phạm Đình Chiến (Bộ Quốc phòng) cho biết dự án hoàn toàn khả thi vì giải quyết triệt để tồn đọng dioxin trong bùn đất mà các phương pháp trước đó chỉ có tác dụng cách ly tạm thời. "Việc dùng công nghệ giải hấp thụ nhiệt có kinh phí lớn nhưng là việc làm cần thiết để tẩy độc hoàn toàn dioxin tại điểm nóng về dioxin này, tránh tác động xấu đến con người và vật nuôi", ông Chiến nói.
Bà Randa Chichakli, đại diện nhà thầu CDM Smith thi công dự án, cho biết đơn vị đã thực hiện xử lý hơn 1.800 dự án lớn về chất thải nguy hại tại 500 địa điểm trên nước Mỹ. Khi thực hiện dự án tại sân bay Đà Nẵng, việc vận chuyển và xử lý bùn đất ô nhiễm sẽ được thực hiện bằng những biện pháp đảm bảo an toàn nên tuyệt đối không gây nguy hại cho cộng đồng xung quanh.
Để phục vụ cho dự án, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã dọn sạch bom mìn chưa nổ trong khu vực sân bay, và sẽ xây dựng một trạm riêng để cung cấp điện cho quy trình xử lý ô nhiễm.
Dự án sẽ được chia thành hai giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2016.